Những ẩn số thú vị của đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games 32
SEA Games 32 sẽ có một cuộc chuyển giao lực lượng của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN), với những gương mặt trẻ được kỳ vọng tỏa sáng.
Nhiều cựu binh vắng mặt
Không chỉ bị cắt giảm nhiều môn thế mạnh, đoàn TTVN tham dự SEA Games 32 với sự thay đổi nhiều về lực lượng so với kỳ Đại hội được tổ chức trên sân nhà 1 năm về trước.
Đáng chú ý, sau nhiều năm tham dự SEA Games, "lão tướng" Nguyễn Tiến Minh quyết định không tới Campuchia. Đây là thông tin không làm nhiều người bất ngờ bởi tay vợt TP.HCM đã 40 tuổi. Bản thân Tiến Minh cũng muốn được nghỉ ngơi để trao đất diễn cho các VĐV trẻ như Lê Đức Phát hay Nguyễn Hải Đăng.
Ở môn điền kinh, ngoài 5 VĐV dính doping ở SEA Games 31, Việt Nam cũng vắng ĐKVĐ Lò Thị Hoàng (ném lao), Lương Minh Sang (10 môn phối hợp)... Sự biến động về lực lượng khiến tuyển điền kinh Việt Nam phải hạ chỉ tiêu, giành từ 15-18 HCV.
Ở môn pencak silat, những nhà cựu vô địch Asiad 2018 Nguyễn Văn Trí, Trần Đình Nam vắng mặt vì lý do sức khỏe. Ở môn boxing, Trương Đình Hoàng, Trần Văn Thảo, Trịnh Thị Diễm Kiều, 2 nhà ĐKVĐ Vương Thị Vỹ, Trần Thị Linh cũng không góp mặt.
Ở môn cử tạ, nhà vô địch Phạm Thị Hồng Thanh quyết định không tham dự SEA Games để tập trung cho giải vô địch châu Á 2023 ở Hàn Quốc. Giải đấu này nằm trong hệ thống tính điểm trao suất Olympic Paris 2024.
Như vậy, đoàn TTVN có hơn 10 cựu binh vắng mặt ở SEA Games 32. Đây là một trong những lý do buộc ngành thể thao phải giảm chỉ tiêu HCV xuống còn một nửa so với kỳ SEA Games 31.
Chờ đợi những ẩn số
Từ SEA Games 28 năm 2015 tới SEA Games 30 năm 2019, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên "làm mưa làm gió", đóng góp số lượng lớn HCV cho đoàn TTVN. Sau khi Ánh Viên giải nghệ, Nguyễn Huy Hoàng gánh trọng trách giành HCV cho đội tuyển bơi lội Việt Nam.
Tại SEA Games 31, kình ngư người Quảng Bình đóng góp 5 HCV (cá nhân và đồng đội), trở thành VĐV xuất sắc nhất Đại hội.
Theo dự đoán của giới chuyên môn, Huy Hoàng vẫn là gương mặt chủ lực của bơi lội Việt Nam tại SEA Games trên đất Campuchia. Ngoài ra, đoàn TTVN vẫn phải trông chờ vào các "gương mặt vàng" như Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), Vũ Thành An (đấu kiếm), Dương Thúy Vi (wushu)...
Song song với đó, nhiều gương mặt trẻ của đoàn TTVN cũng sẽ trình làng và được hứa hẹn tỏa sáng, mang về những tấm HCV giàu cảm xúc.
Trong danh sách 702 VĐV Việt Nam dự SEA Games 32, Nguyễn Thúy Hiền là người nhỏ tuổi nhất. Kình ngư mới 14 tuổi này được đánh giá là có khả năng cạnh tranh tại các cự ly ngắn của nội dung bơi tự do. Đây là gương mặt thực sự được kỳ vọng sẽ là Ánh Viên thứ 2 của bơi lội Việt Nam trong tương lai không xa.
Trước khi lần đầu được tham dự SEA Games, Thúy Hiền từng phá kỷ lục quốc gia của Ánh Viên (nội dung 50m tự do), là một trong 8 kình ngư Việt Nam được đi tập huấn 2 tháng tại Hungary.
Cũng ở môn bơi, kình ngư 15 tuổi Lê Quỳnh Như và em trai Ánh Viên, Nguyễn Quang Thuấn cũng rất được kỳ vọng sẽ ghi dấu ấn trên đường đua xanh.
Ở môn điền kinh, Hoàng Thị Ánh Thục là nhân tố bí ẩn ở SEA Games 32. Tại giải điền kinh U18 châu Á 2022, cô gái người dân tộc Raglai từng gây bất ngờ lớn khi giành HCV cự ly 400m với thành tích 55,03 giây.
Ngoài ra, ở các môn võ, đấu kiếm, TDDC, bóng bàn... đoàn TTVN cũng có nhiều VĐV trẻ tiềm năng, sẵn sàng tạo nên bất ngờ trên đất Campuchia.