Những ẩn số từ diễn biến tăng mạnh các khoản phải thu của Tổng công ty IDICO
Tổng công ty IDICO - CTCP (mã cổ phiếu IDC, sàn HNX) đã có giai đoạn kinh doanh 9 tháng đầu năm tăng trưởng khá mạnh. Tuy nhiên, một trong những điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp này là diễn biến tăng mạnh của các khoản phải thu...
Diễn biến kinh doanh của IDICO
Theo kết quả kinh doanh của Tổng công ty IDICO, công ty đạt doanh thu thuần quý III/2022 là 2.053 tỷ đồng, tăng trưởng khá mạnh tới 128% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt 7.034 tỷ đồng, tăng 119% so với 9 tháng đầu năm ngoái.
Giá vốn hàng bán của công ty trong giai đoạn này tăng chậm hơn so với tăng trưởng doanh thu và đây là nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận gộp tăng mạnh, từ đó giúp doanh nghiệp đạt tăng trưởng lợi nhuận thuần và lợi nhuận sau thuế khá cao trong giai đoạn quý III và 9 tháng đầu năm.
Thủy điện Cần Đơn và “khúc cộm” từ những khoản phải thu khó đòi Công ty Đầu tư LDG: Nghịch lý lợi nhuận tăng mạnh, nhưng cổ phiếu liên tục lao dốc
Cụ thể, giá vốn hàng bán ghi nhận trong quý III/2022 là 1.249 tỷ đồng, tăng 74% (so với cùng kỳ năm trước); giá vốn hàng bán trong 9 tháng là 3.953 tỷ đồng, tăng 49%. Trong bối cảnh này, lợi nhuận gộp quý III/2022 đạt 804 tỷ đồng, tăng 339% so với quý III năm ngoái và lợi nhuận gộp lũy kế 9 tháng đạt 3.082 tỷ đồng, tăng 460%.
Hiệu quả đầu tư tài chính bị sụt giảm
Mặc dù đạt tăng trưởng lợi nhuận cao, nhưng trong hoạt động chung vẫn có những yếu tố làm giảm hiệu quả kinh doanh của IDOCO, đáng chú ý là hoạt động tài chính của doanh nghiệp này.
Trong quý III/2022, IDICO đạt gần 58 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, giảm 53% so với khoản thu này cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động tài chính lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 là 132 tỷ đồng, giảm rất mạnh so với kết quả 421 tỷ đồng từ nguồn thu này trong 9 tháng đầu năm trước. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận sau thuế không nhanh bằng tăng trưởng lợi nhuận gộp.
Kết quả lợi nhuận sau thuế của công ty trong quý III/2022 theo đó đạt 616 tỷ đồng, tăng trưởng 211%; lợi nhuận sau lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 2.365 tỷ đồng, tăng trưởng 243%.
Sự tăng trưởng của doanh thu và lợi nhuận của IDICO một phần có được do khách quan từ sự phục hồi của ngành bất động sản công nghiệp sau dịch bệnh. Dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn duy trì sức nóng, kéo theo nhu cầu tìm thuê đất và nhà xưởng tại các khu công nghiệp cũng tăng cao trở lại. Theo đó hồi giữa năm 2022, có thời điểm IDICO đã mời gọi được cùng lúc 5 nhà đầu tư ký kết ghi nhớ thuê lại đất tại 3 khu công nghiệp là Hựu Thạnh tại Long An, Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng tại Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng diện tích hơn 50ha.
“Gồng gánh” việc quản trị các khoản phải thu
Về cơ cấu nguồn vốn, IDICO hiện có quy mô tổng nguồn vốn lên tới 16.215 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 9.863 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ so với vốn chủ sở hữu ở mức khoảng 1,55 lần, đây là một tỷ lệ không quá cao, tuy nhiên, công ty có xu hướng gia tăng vay tài chính dài hạn trong giai đoạn này. Giá trị vay và nợ thuê tài chính dài hạn đã tăng từ 2.085 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên mức 2.910 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2022 (tăng khoảng 40%).
Trong cơ cấu tài sản, công ty có 4.565 tỷ đồng tài sản ngắn hạn và 11.650 tỷ đồng tài sản dài hạn. Tài sản dài hạn chủ yếu nằm ở tài sản cố định và tài sản dở dang dài hạn, với 2 khoản này lần lượt là 5.068 tỷ đồng và 5.335 tỷ đồng.
Trong khi đó ở khối tài sản ngắn hạn, 2 nhóm tài sản có giá trị lớn nhất là đầu tư tài chính ngắn hạn với 1.832 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn với 1.638 tỷ đồng. Biến động các nhóm tài sản này cho thấy, đầu tư tài chính ngắn hạn đã giảm được khoảng gần 16% so với đầu năm; trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn có diễn biến tăng mạnh tới 115% so với thời điểm đầu năm.
IDICO là doanh nghiệp ngành bất động sản công nghiệp và xây dựng, công ty này hiện có 3 chi nhánh và 14 công ty con. Ngoài ra, công ty này cũng có 3 công ty liên kết là Công ty cổ phần Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng lắp máy IDICO và Công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng.
Trong nhóm phải thu ngắn hạn, phần phải thu ngắn hạn của khách hàng là 727 tỷ đồng. Một số khách hàng có phát sinh gia tăng nợ ngắn hạn trong giai đoạn 9 tháng đầu năm có một số gương mặt như: Công ty Mua bán điện, Công ty TMDV Hàng hóa A.N.C, Công ty TNHH SSME, Công ty Điện lạnh Hòa Phát Phú Mỹ, Công ty Dệt RENZE. Ngoài ra, các khách hàng tăng giá trị nợ với IDICO trong giai đoạn này còn có Công ty Đầu tư và du lịch Bình Tiên, Công ty Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO, Công ty Trịnh Gia Thịnh…
Việc gia tăng các khoản phải thu của IDICO cũng là một diễn biến phù hợp trong bối cảnh doanh thu tăng, do giá trị hàng hóa và dịch vụ bán ra tăng cũng dẫn đến việc các đối tác còn nợ đọng tiền hàng cũng dễ tăng lên theo. Tại thời điểm cuối tháng 9/2022, IDICO cũng chưa bộc lộ rủi ro rõ ràng liên quan đến các khoản phải thu do chưa phát sinh thêm các khoản phải thu phải trích lập dự phòng. Tuy nhiên, việc gia tăng giá trị phải thu cũng là một yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn cho doanh nghiệp trong quản trị tài chính khi “tuổi” của các khoản nợ tăng dần theo thời gian.
Ngoài ra, một số khoản phải thu không được doanh nghiện thể hiện rõ ràng cũng là yếu tố đáng quan tâm cho các cổ đông và nhà đầu tư khi nhìn vào bức tranh tài chính doanh nghiệp này. Cụ thể, một khoản tiền có giá trị khá lớn lên tới 699 tỷ đồng, nhưng không nằm trong phải thu ngắn hạn của khách hàng, mà chỉ được công ty thể hiện ở “phải thu ngắn hạn khác”. “Phải thu ngắn hạn khác” trong cơ cấu các phải thu ngắn hạn cũng theo đó tăng vọt từ mức rất nhỏ chỉ hơn 37 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 699 tỷ đồng vào cuối tháng 9 như đề cần ở trên./.