Những ân tình sau cánh cửa phòng mổ...
Những bác sỹ trực tiếp cầm dao mổ quyết định sự sống của bệnh nhân ở các tuyến bệnh viện Hà Tĩnh chia sẻ rằng, áp lực công việc vô cùng lớn, nhưng những ân tình, những giây phút hạnh phúc họ được nếm trải sau cánh cửa phòng mổ thì không phải nghề nào cũng có.
Được mệnh danh là “những bàn tay vàng trong làng phẫu thuật”, tuy nhiên, áp lực nặng nề mà họ phải trải qua trong công việc không phải là điều mà ai cũng có thể hiểu.
Cuộc hẹn của tôi với bác sỹ Trần Thanh Hải (Khoa Ngoại sản - Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà) diễn ra chóng vánh khi anh cùng đồng nghiệp chuẩn bị cho những ca mổ đã kín lịch.
Dù tuổi đời chưa nhiều nhưng bác sỹ Hải được đánh giá là một người có chuyên môn vững, một phẫu thuật viên dày dặn kinh nghiệm. “Bác sỹ chuyên phẫu thuật phải là người có tay nghề cao, công việc đòi hỏi chính xác đến từng li với sự phối hợp nhịp nhàng của cả ekip. Khi đặt nhát dao lên cơ thể bệnh nhân, chúng tôi không cho phép mình được sai lầm. Bởi sai lầm của bác sỹ đôi khi phải trả giá bằng cả tính mạng của người bệnh – đó là điều chúng tôi luôn khắc cốt ghi tâm” - bác sỹ Hải chia sẻ.
Công việc đòi hỏi sự cẩn thận, chính xác nhưng không phải ca bệnh nào cũng giống nhau, việc phát sinh những tình tiết mới trong quá trình thăm khám, phẫu thuật nhiều lúc đặt bác sỹ vào thế phải quyết định và lựa chọn ngay phương án giải quyết mà không có nhiều thời gian để suy tính.
Bác sỹ Hải vẫn còn nhớ như in ca mổ lấy thai cho một sản phụ hồi năm ngoái. Kết quả siêu âm cho thấy sản phụ đã bị sa dây rốn - một tai biến trong sản khoa, rất nguy hiểm cho tính mạng của thai nhi. Không kịp suy nghĩ nhiều, bác sỹ Hải đã quyết định tiến hành mổ cấp cứu cho sản phụ.
“Từ khi phát hiện tình trạng bệnh nhân cho đến khi mổ lấy thai thành công chỉ diễn ra trong vòng 10 phút. Cả ekip mổ căng như dây đàn, chỉ khi nghe được tiếng khóc của em bé, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm. Cái đầu lạnh và một trái tim nóng là những gì cần để có thể đưa ra những quyết định chính xác nhưng kịp thời trong những trường hợp nguy cấp như thế” - bác sỹ Hải chia sẻ.
Tại bệnh viện tuyến tỉnh - nơi thực hiện nhiều ca mổ phức tạp với kỹ thuật cao, áp lực dao kéo còn lớn hơn gấp bội. Là người đã có thâm niên hơn 30 năm trong nghề nhưng mỗi lần bước chân vào phòng mổ, bác sỹ Nguyễn Quang Trúc - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vẫn không dám chủ quan với bất cứ ca bệnh nào.
Phụ trách lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, bác sỹ Trúc cùng đồng nghiệp đã áp dụng và thực hiện nhiều ca phẫu thuật phức tạp như cắt bỏ chi, tháo khớp, thay khớp… Ông mãi không thể quên hình ảnh đau đớn, tuyệt vọng của gia đình nữ sinh viên Nguyễn Thị Hoa (xã Việt Xuyên – Thạch Hà) khi em bị tai nạn dập nát hoàn toàn hai chân, gãy tay phải, cơ thể chấn thương nặng ngay ngày nhận bằng tốt nghiệp.
Bệnh nhân được tiên lượng xấu, nhưng các bác sỹ vẫn quyết định tiến hành phẫu thuật cho em dù hy vọng sống vô cùng mong manh. “Ca phẫu thuật cắt bỏ phần chân dập nát căng thẳng liên tục phát sinh tình huống xấu. Gần 5 tiếng đồng hồ, cả ekip dốc toàn tâm, toàn lực với sự hỗ trợ của máy móc kỹ thuật, chúng tôi đã thành công. Đó thực sự là những giờ phút giành giật sự sống với tử thần”- bác sỹ Trúc chia sẻ áp lực đã trải qua trong nghề.
Công tác tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh gần 20 năm nay và có 10 năm kinh nghiệm phẫu thuật, bác sỹ Nguyễn Xuân Thắng - Khoa Điều trị theo yêu cầu được đánh giá là một người chuyên môn vững, tay nghề cao và tận tâm với người bệnh. “Bệnh nhân rời phòng mổ không có nghĩa bác sỹ phẫu thuật đã hoàn thành nhiệm vụ. Việc thăm khám, theo dõi hậu phẫu rất quan trọng bởi sau phẫu thuật nếu không chăm sóc vết thương cẩn thận, bệnh nhân rất dễ nhiễm trùng.
Dù công việc áp lực, căng thẳng trong từng giây phút để giành sự sống cho bệnh nhân, nhưng sau cánh cửa phòng mổ, các bác sỹ được nhận lại những ân tình, những niềm vui mà không phải nghề nào cũng có được.
Đó là giây phút bác sỹ Trần Thanh Hải (Khoa Ngoại sản - Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà) cùng các y bác sỹ trong ekip không ngần ngại hiến máu ngay trong ca mổ để kịp thời cứu sống bệnh nhân bị mất máu cấp. Bác sỹ Hải cho biết: “Bệnh nhân mất máu quá nhiều, trong khi lượng máu phù hợp trong ngân hàng không đủ, tôi và 2 bác sỹ trong kíp mổ đã tình nguyện hiến máu ngay lúc đó. Chúng tôi vui vì những giọt máu của mình cho đi đã cứu sống được một sinh mạng”.
Ca mổ nào cũng có những đau đớn của bệnh nhân và áp lực với bác sỹ, nhưng được chứng kiến giây phút vỡ òa cảm xúc khi nghe tiếng khóc chào đời của những thiên thần bé bỏng lại là niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng được nếm trải. Đó là chia sẻ của bác sỹ Nguyễn Thị Tố Hoa - Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh.
Với những bác sỹ sản khoa như bác sỹ Hoa, mỗi ca mổ đẻ là tính mạng của hai con người được giao phó trong tay họ. Ca mổ thành công là thêm một lần họ được chứng kiến nụ cười, những giọt nước mắt hạnh phúc của sản phụ, người nhà và nghe tiếng khóc chào đời của con trẻ. Niềm hạnh phúc ấy càng được nhân lên khi các bác sỹ sản khoa mổ thành công những ca sinh khó, hiếm muộn.
Sau mỗi ca mổ, hình ảnh người mẹ hiếm muộn với khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc chăm sóc đứa con đầu lòng, tiếng thở đều đều của bé gái sơ sinh bên người mẹ vừa trải qua một ca sinh khó… là những khoảnh khắc yên bình, đẹp đẽ nhất với các bác sỹ sản khoa.
Dù vất vả, áp lực và không thể tránh khỏi những ca phẫu thuật không thành công nhưng những buồn vui sau cánh cửa phòng mổ vẫn luôn là động lực để các bác sỹ nỗ lực vì bệnh nhân, gắn bó hơn với nghề.
Kiều Minh
Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/y-te/nhung-an-tinh-sau-canh-cua-phong-mo/187747.htm