Những ân tình Việt Nam ở Myanmar

Công việc cứu nạn, cứu hộ (CNCH) vô cùng khó khăn, hiểm nguy rình rập, nhất là ở hiện trường các vụ động đất, sẵn sàng sập đổ thứ cấp. Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đoàn CNCH Bộ Công an Việt Nam lần thứ 2 làm việc trong môi trường quốc tế, các anh đã đem cả trí tuệ, sức lực, tình cảm 'giúp bạn cũng như giúp mình' để đưa thi thể các nạn nhân gần như không còn nguyên vẹn ra ngoài...

Việc làm của các anh đã được chính quyền Myanmar, người dân và gia đình nạn nhân dành tình cảm yêu mến đặc biệt. Những giọt nước mắt xúc động, những cái chắp tay cảm ơn đã xóa đi rào cản ngôn ngữ, làm ấm thêm tình người nơi tâm chấn động đất.

Thi thể nạn nhân đầu tiên là một bé trai 10 tuổi mà Đoàn Cứu nạn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam tìm thấy.

Thi thể nạn nhân đầu tiên là một bé trai 10 tuổi mà Đoàn Cứu nạn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam tìm thấy.

Mệnh lệnh của người lính CNCH

Trận động đất xảy ra vào 28/3 đã làm rung chuyển TP Mandala (Myanmar) cũng như các quốc gia lân cận, khiến đường sá nứt toác, chùa tháp cổ sụp đổ, cầu gãy và nhà cửa đổ nát... làm hàng nghìn người thiệt mạng và nhiều người khác mất tích. Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã cử lực lượng, phương tiện, vật tư, hàng hóa sang tham gia CNCH và cứu trợ nhân đạo tại Myanmar với hơn 11 tấn phương tiện, vật tư, hàng hóa và 26 CBCS là những người có kinh nghiệm, sức khỏe tốt cùng với chó nghiệp vụ sang tham gia hỗ trợ quốc gia Myanmar khắc phục hậu quả động đất.

Trước khi tổ chức lễ ra quân, lãnh đạo Bộ Công an đã quán triệt các CBCS, cũng như có những lời dặn dò đối với đoàn công tác về việc sự an toàn cho CBCS phải được đặt lên hàng đầu. Trong toàn bộ quá trình thực hiện nhiệm vụ phải thực hiện đúng tư cách, đúng điều lệnh CAND.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an, Trưởng Đoàn công tác CNCH Bộ Công an kể lại, những ngày ở Myanmar, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 40 độ C, CBCS đều làm việc ở trong khu vực chịu tác động của gió nóng với những bộ quần áo bảo hộ, khẩu trang… rất vất vả, tiêu hao thể lực. Ngoài ra, hiện trường tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023 sau thảm họa động đất đã sụp đổ hoàn toàn. Nhưng ở Myanmar, hiện trường chỉ sụp đổ một phần, toàn bộ các tầng phía trên chỉ đứt gãy và đang đè lên tầng 1, tiềm ẩn nguy cơ sập thứ cấp nếu có rung chấn.

Đại tá Nguyễn Minh Khương cùng cán bộ, chiến sĩ trong đoàn trao tặng quà và hỗ trợ các bệnh nhân đang điều trị tại các khu tập trung, bệnh viện.

Đại tá Nguyễn Minh Khương cùng cán bộ, chiến sĩ trong đoàn trao tặng quà và hỗ trợ các bệnh nhân đang điều trị tại các khu tập trung, bệnh viện.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, khoảng 18h ngày 30/3, đoàn đặt chân xuống sân bay quốc tế Yangon. Theo dự tính ban đầu, quãng đường mà đoàn di chuyển từ sân bay Yangon tới Thủ đô Naypyidaw mất khoảng 5 tiếng đồng hồ, tuy nhiên hôm đó đoàn đã phải di chuyển mất gần 9 tiếng mới có thể tới được địa điểm tập trung. Khi đoàn tới nơi đã là 3h ngày hôm sau. Trên đường di chuyển, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt các anh là những con đường bị nứt toác, những công trình bị đổ sập, đó cũng là lý do khiến thời gian di chuyển của đoàn bị chậm.

Khi trời tối, nhiều đoàn quốc tế đã về nghỉ ngơi, nhưng Đoàn công tác CNCH Bộ Công an Việt Nam vẫn quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ thì mới nghỉ. Đó chính là sự đoàn kết của toàn đội, sự thống nhất và tinh thần làm việc rất cao. “Tôi cũng trao đổi với CBCS là hôm này có thể làm rất muộn để quyết tâm đưa nạn nhân ra ngoài. Đến 21h của ngày đầu tiên, chúng tôi cũng đã đưa được nạn nhân đầu tiên ra khỏi khu vực trong sự mong chờ của người nhà nạn nhân. Tuy nhiên đã không có phép mầu nào xảy ra. Đây cũng là một sự nuối tiếc của chúng tôi, bởi khi được đưa ra ngoài hiện trường, một phần thi thể nạn nhân vẫn còn mềm, có lẽ cháu bé mới mất cách đó khoảng nửa ngày”- Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ.

Thời điểm đó, tại Thủ đô Naypyidaw thời tiết tương đối khắc nghiệt. Nhiệt độ ban ngày lên đến 40 độ C khiến cho các CBCS nhanh mất sức và các thi thể nhanh phân hủy hơn. Mỗi lần tiếp cận thi thể các nạn nhân, Đoàn công tác CNCH Bộ Công an chia làm nhiều nhóm, mỗi nhóm 4 CBCS làm việc trong khoảng 30 phút, do các thi thể nạn nhân bị phân hủy, mùi tử khí cao, gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình cứu nạn.

Đoàn Cứu nạn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam trao quà cho bệnh nhân đang điều trị sau trận động đất.

Đoàn Cứu nạn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam trao quà cho bệnh nhân đang điều trị sau trận động đất.

Là người trực tiếp đưa được nhiều nhất các thi thể nạn nhân ra ngoài, Đại úy Đỗ Quang Nam, công tác tại Trung tâm Huấn luyện và Ứng phó về PCCC và CNCH Bộ Công an cho biết, anh đã tham gia nhiều vụ CNCH, đa số nạn nhân đều mới tử vong, còn lần này ở hiện trường vụ động đất Myanmar đã xảy ra 7 ngày, mùi tử khí bốc lên khắp nơi.

Anh nhớ lại khoảnh khắc đưa thi thể nam thanh niên không còn nguyên vẹn ra ngoài, do không kịp bôi dầu gió vào mũi, anh chỉ kịp bịt khẩu trang, mặc quần áo khử khuẩn nên khi đưa thi thể nạn nhân ra ngoài, anh đã phải nôn mấy lần. Sau đó, rút kinh nghiệm, anh luôn phòng sẵn chai dầu gió nhỏ vào lớp khẩu trang và bôi vào mũi nhằm lấn át mùi. Tuy nhiên, sau mỗi ca làm việc, một số anh em đã xì ra cả máu mũi vì bôi nhiều dầu gió, các lớp niêm mạc mũi bị nóng và vỡ.
Cũng theo Đại úy Đỗ Quang Nam, quá trình làm việc tại khách sạn Jade City, anh bất ngờ gặp lại người bạn Myanmar (từng tham gia CNCH quốc tế trước đây và cả hai còn chụp ảnh cùng nhau). Sau đó, anh cùng người bạn này và một đồng đội trực tiếp kéo, đưa thi thể nạn nhân 36 tuổi ở khách sạn ra ngoài khi đã bị dập nát hoàn toàn.

Còn Đại úy Kiều Văn Dũng, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hà Nội chia sẻ, ấn tượng nhất là lúc tìm thi thể 2 mẹ con ở tòa nhà 2204, thị trấn Zabu Thiri, Thủ đô Naypyidaw. Đây là vụ phức tạp nhất mà Đại úy Kiều Văn Dũng tham gia. Sau khi sử dụng các phương tiện đưa thi thể người con Thet Thet Mon (56 tuổi) ra ngoài, lúc này thi thể bà mẹ Daw Than Than (81 tuổi) bị dầm nhà đè lên ba vị trí trên cơ thể, thân người và chân bị cột của tầng một làm gãy và đâm trúng.

Trước tình huống phức tạp này, quyết tâm không bỏ cuộc vì ngoài kia gia đình nạn nhân vẫn đang dõi theo, mong chờ, Đại tá Nguyễn Minh Khương đã cùng CBCS hội ý 5 lần để đưa phương án tối ưu, không phá kết cấu dầm và cột trụ. Do vậy, Dũng và đồng đội phải dùng tay đào, moi bê tông, gạch… tạo hầm phía dưới sàn tầng một đủ diện tích chiếc giường của nạn nhân đang nằm. Phải hơn 1 ngày sau, đào được độ sâu gần 1m, Dũng và anh em kéo sập giường nạn nhân, tạo độ hở để đưa nạn nhân ra ngoài.

Đoàn Cứu nạn cứu hộ Bộ Công an sử dụng kìm thủy lực, càng cua để khoan cắt bê tông.

Đoàn Cứu nạn cứu hộ Bộ Công an sử dụng kìm thủy lực, càng cua để khoan cắt bê tông.

Hiện trường cuối cùng mà Đoàn CNCH Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ đó là ở khách sạn Jade City, tại thị trấn Poke Ba Thiri. Sau khi đưa được thi thể nam thanh niên (36 tuổi) ra ngoài, lực lượng vũ trang của Myanmar theo sát đoàn, họ đánh giá CBCS của Việt Nam rất kiên trì, quyết liệt làm việc một cách chuyên nghiệp và tận tụy nhất. Khi kỹ sư kết cấu công trình của Singapore và Indonesia trao đổi về việc hiện trường có nguy cơ mất an toàn và đề nghị Đoàn CNCH Bộ Công an dừng tìm kiếm ở khách san Jade City, Đại tá Nguyễn Minh Khương trao đổi với anh em trong đoàn, thì CBCS xin phép được làm thêm 30 phút nữa vì đã nhìn thấy vị trí nạn nhân rồi và khu vực này được anh em chống, chèn cẩn thận… “Hết 30 phút đã có dấu hiệu rung chấn, tôi yêu cầu anh em di chuyển ra ngoài và tổ công tác đã đánh dấu vị trí đó, bao bọc nạn nhân để khi người ta phá hủy tòa nhà thì biết vị trí đó đưa thi thể ra ngoài”- Đại tá Nguyễn Minh Khương kể lại.

Trong quá trình tìm kiếm cứu nạn, Đoàn CNCH Bộ Công an đã sử dụng các phương tiện chuyên dụng, được nhiều đoàn quốc tế đánh giá cao. Để giảm nguy cơ rung chấn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đoàn CNCH Bộ Công an sử dụng thiết bị phá bê tông (dạng càng cua), bóp vụn bê tông ra, khi lộ những thanh sắt tiếp tục dùng kìm thủy lực cắt nhẹ nhàng tạo khoảng trống tìm kiếm nạn nhân. Ngoài giảm tối thiểu rung chấn và để tránh tình huống có rung chấn gây nguy hiểm cho CBCS, thì trong khu vực làm việc, đoàn công tác đặt những chai nước úp ngược cả phía bên trong và phía ngoài để khi thấy chai rung lắc đổ thì lập tức tổ công tác phải rời hiện trường. Trước đó, anh cũng đã dặn CBCS khi vào bất kỳ hiện trường nào điều trước tiên là phải tìm hướng thoát ra rồi mới bắt đầu làm việc.

Ngoài tổng số 7 nạn nhân mà Đoàn CNCH Bộ Công an tìm thấy, đưa ra khỏi hiện trường, Đoàn tham gia phối hợp phát hiện vị trí và hỗ trợ các lực lượng chức năng, các đoàn quốc tế khác đưa 7 người bị nạn ra ngoài. Và khi đưa được nạn nhân trong đống đổ nát ra ngoài, Đoàn CNCH Bộ Công an đã nhận được sự tán thưởng và nể phục của các đoàn công tác quốc tế khác, bởi sự kiên cường và tinh thần không quản ngại khó khăn, nguy hiểm.

Hình ảnh các chú cảnh khuyển tìm kiếm nạn nhân ở Myanmar.

Hình ảnh các chú cảnh khuyển tìm kiếm nạn nhân ở Myanmar.

Tình người nơi tâm chấn động đất

Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, trong thời gian thực hiện công tác CNCH, các anh rất xúc động khi việc làm hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn được người dân và lực lượng vũ trang Myanmar ghi nhận. Khi anh em chiến sĩ đi chợ dân sinh để mua nhu yếu phẩm, nhiều người dân bản địa nhận ra đoàn Việt Nam, nhất định không lấy tiền. Tuy nhiên, các anh vẫn gửi tiền cho họ và giải thích rằng, đoàn đi làm nhiệm vụ đã được Chính phủ hỗ trợ, chúng tôi vẫn trả tiền cho các bạn vì các bạn đang rất khó khăn.

Tại khu vực đoàn nghỉ, trước khi vào hiện trường làm nhiệm vụ, các bà, chị em và cháu nhỏ mang theo bó hoa nhỏ, nải chuối, hộp dưa hấu… đến tặng CBCS trong đoàn khiến mọi người đều cảm kích. Đặc biệt, các anh ấn tượng những đôi mắt dõi theo của người nhà nạn nhân khi nhìn CBCS của Đội CNCH làm việc, họ mong mỏi, chờ đợi, hy vọng... Và khi đưa thi thể người thân họ ra ngoài, cảm xúc như vỡ òa, người nhà nạn nhân quỳ xuống dưới chân của CBCS, chắp tay cảm ơn… Đó là những câu chuyện cho thấy người dân Myanmar đã ghi nhận công sức, sự cống hiến của đoàn Việt Nam. Đây cũng là một phần thôi thúc các CBCS tiếp tục nỗ lực tìm kiếm cứu nạn, thực hiện thành công nhiệm vụ.

Ngoài công tác tìm kiếm cứu nạn, Đoàn công tác CNCH Bộ Công an đã tiến hành viện trợ 2 đợt thuốc, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm, vật dụng phục vụ lưu trú (lều, giường bạt cá nhân, chăn, gối, màn…) cho Myanmar với tổng khối lượng 11 tấn. Đoàn cũng trực tiếp hỗ trợ tài chính cho 7 gia đình nạn nhân thiệt mạng, trao quà tặng 185 bệnh nhân tại 2 bệnh viện dã chiến và ủng hộ người dân bị thiên tai thông qua cơ quan cứu trợ thiên tai Myanmar. Tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho hơn 50 bệnh nhân. Dựng nhiều lều bạt làm nơi tạm trú cho nạn nhân tại các khu tập trung do mất nhà cửa và các bệnh nhân thuộc Bệnh viện dã chiến. Đoàn đã kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ tìm kiếm, CNCH với công tác dân vận, tổ chức 5 hoạt động cấp phát lương thực, nước uống cho người dân tại các khu tập trung và tại nơi Đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ… Ngoài ra, đoàn cũng phối hợp, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng cứu hộ Myanmar cũng như làm tốt vai trò điều phối hoạt động cứu hộ chung với sự tham gia của lực lượng cứu hộ các nước Singapore, Indonesia, Philippines…

Sự chuyên nghiệp, tận tụy của các CBCS CNCH Bộ Công an đã nhận được sự biểu dương, cảm phục của lực lượng cứu hộ các nước, qua đó lan tỏa, phát huy hình ảnh đẹp của người chiến sĩ CAND trong mắt bạn bè quốc tế.

Đoàn công tác Cứu nạn cứu hộ Bộ Công an đã viện trợ thuốc, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm, vật dụng phục vụ lưu trú (lều, giường bạt cá nhân, chăn, gối, màn…) cho Myanmar.

Đoàn công tác Cứu nạn cứu hộ Bộ Công an đã viện trợ thuốc, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm, vật dụng phục vụ lưu trú (lều, giường bạt cá nhân, chăn, gối, màn…) cho Myanmar.

Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, việc tổ chức tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Myanmar giúp các anh có thêm kinh nghiệm làm việc; các CBCS nâng cao trình độ, nâng cao kỹ thuật để có thể xử lý trong những tình huống cụ thể… Thời gian tới, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy trình về xử lý tình huống, sự cố tai nạn diện rộng trong nước và quy trình hỗ trợ quốc tế khi có mệnh lệnh là xuất quân, sẽ đi nhanh hơn, sớm hơn, hỗ trợ nước bạn được nhiều hơn.

Minh Hiền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/nhung-an-tinh-viet-nam-o-myanmar-i766681/