Những ấn tượng đẹp về tiểu thuyết 'Hoa trong mắt bão'
Tiểu thuyết “Hoa trong mắt bão” đã thể hiện sự lao động say sưa, miệt mài, đam mê của tác giả Đặng Văn Hương, được độc giả thiện cảm, ghi nhận, đặc biệt khi cây bút là một giáo viên Toán học.
Đặng Văn Hương là một cựu chiến binh, là Thạc sĩ Toán học, nguyên Giảng viên trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, nguyên giảng viên chính - Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Quan hệ Quốc tế trường Đại học Hùng Vương; nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Chính trị thị xã Phú Thọ. Anh hiện là hội viên Chi hội Văn xuôi, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ và thị xã Phú Thọ.
Sau khi nghỉ hưu, Đặng Văn Hương tập trung vào sáng tác văn học. Tháng 9 năm 2021 anh ra tác phẩm đầu tay - tập truyện ký “Tình yêu người lính” dày 364 trang. Tập truyện ký khi ra mắt đã được nhiều cơ quan báo chí giới thiệu tác giả, tác phẩm, được bạn đọc ghi nhận sự thành công và tâm huyết của tác giả.
Gần hai năm sau, mới đây, anh tặng tôi tập sách thứ hai - tiểu thuyết “Hoa trong mắt bão”. Sách dày 570 trang, do NXB Hội Nhà văn xuất bản.
“Hoa trong mắt bão” theo tôi là một nhan đề ấn tượng. Tác giả đã trao đổi với chúng tôi: “Giông bão tạo nên một vùng xoáy rộng lớn, có trung tâm của bão, hay còn gọi là tâm bão, mắt bão. Mọi vật trong vùng mắt bão bị tàn phá nặng nề. Một trận cuồng phong làm cho cỏ cây, muôn loài bị tàn phá, bị chết nhưng vẫn có một số vượt qua, vươn lên mạnh mẽ. Sau khi thoát khỏi bão lốc, chúng chật vật, khó khăn trong việc hồi phục lại sự sống của mình. Có đương đầu với gió bão mới biết được sức mạnh khắc nghiệt của giông tố, con người muốn hiểu mình tường tận phải có lúc đau khổ, cô đơn”. Tiêu đề tác phẩm vừa phản ánh hiện thực, vừa có ý nghĩa tượng trưng. Trong bão táp của lịch sử của đời sống xã hội, của cuộc sống gia đình; trong khổ đau, bất hạnh... vẫn xuất hiện những bông hoa đẹp, những niềm vui của cuộc đời, của hạnh phúc lứa đôi.
“Hoa trong mắt bão” viết về cuộc sống của nhân dân miền Nam trước và sau năm 1975. Thời gian của câu chuyện được diễn ra từ Tết Mậu Thân (1968) đến đầu Xuân Bính Thìn (1976).
Văn xuôi Việt Nam từ sau năm 1975, nhất là từ năm 1986 trở đi đã có nhiều đổi mới, diễn ra ở bề sâu với một quan niệm đa dạng, nhiều chiều về đời sống, về con người và sự đa dạng về thẩm mỹ, đúng như Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh đã viết: “Thay đổi hệ giá trị thẩm mỹ cũng tức là thay đổi cục diện các giá trị thẩm mỹ, một sự thay đổi cấu trúc. Khi hệ giá trị đã chuyển đổi từ cao cả thuần khiết, đơn trị sang đời thường phồn tạp, đa trị, thì cục diện thẩm mỹ mới cũng đã xuất hiện. Đó là cục diện đa dạng với sự mở rộng chưa từng có những khả năng tương tác, chuyển hẳn giữa các phạm trù thẩm mỹ”. Tác phẩm của Đặng Văn Hương không viết về cuộc chiến đấu giữa ta và địch, thắng - thua; không quan niệm nghệ thuật về con người một chiều mà đi sâu vào cuộc sống đời thường phồn tạp, đa trị “nhìn thẳng trong đó sự mất mát to lớn, quá trình dằn vặt tâm lý, những bi kịch của gia đình, cá nhân… trước sự mất mát to lớn không thể nào bù đắp được”.
“Hoa trong mắt bão” muốn truyền tải đến bạn đọc những nội dung chính: Đó là lòng yêu nước, tình cảm đối với Quân Giải phóng, với cách mạng của nhân dân Sài Gòn trước năm 1975 mà tiêu biểu trong truyện là gia đình ông Ngọ, bà Anh. Gia đình ông bà có bốn người con: “Con trai trưởng là Dần, hai con gái tiếp theo là Thìn và Ngọc, con trai út là Thân. Ông bà vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy để cưu mang Hồng, một anh bộ đội miền Bắc bị thương trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968”.
Tác giả khắc họa hình ảnh đẹp của những người lính Cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà tiêu biểu trong tác phẩm là hai anh em ruột Hồng và Tình; là cán bộ, chiến sĩ Quân Giải phóng và ở Tổng kho N; là lãnh đạo và y, bác sĩ Bệnh viện 75 Quân đội... Những nhân vật khác cũng để lại ấn tượng đẹp đối với độc giả như: Nghĩa - con trai của nhà doanh nghiệp Thành Lợi, là hai cô giáo Ngọc và Hiền. Cô Ngọc là con gái ông bà Ngọ - Anh, sau này cô là người yêu, là vợ của Hồng. Ngọc là cô gái xinh đẹp, thanh lịch, thông minh, mạnh mẽ, thủy chung, hết lòng vì người yêu, vì chồng; một cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu. Mối tình Hồng - Ngọc trải qua bao sóng gió đã đơm hoa, kết trái. Bên cạnh tình yêu sâu đậm của Hồng và Ngọc là những trang viết giàu cảm xúc về tình yêu của Nghĩa - Thìn, Dần - Tình.
Đối lập với những nhân vật chính diện là những nhân vật phản diện ở Sài Gòn trước năm 1975. Đó là lão Đồi dâm dục, thủ đoạn, độc ác - Giám đốc Công ty Cá Sấu, là ông Chương - chủ bút tờ báo Văn Chương và sếp của ông ta là lão Hách; là Mùi “Sở Khanh”, là Mão đầu trâu, mặt ngựa và các sĩ quan tâm lý chiến chống phá cách mạng được đào tạo trong các khóa học của CIA như gã Chiến, ả Oanh...
Về mặt nghệ thuật, tuy là tiểu thuyết đầu tay nhưng “Hoa trong mắt bão” bước đầu cũng đã thể hiện được những nét đặc trưng của thể loại tiểu thuyết, đó là khả năng tái hiện bức tranh mang tính tổng thể của đời sống xã hội, khả năng đi sâu khám phá số phận cá nhân... khai thác nhân vật một cách toàn diện, tỉ mỉ theo từng bước thăng trầm của số phận.
Một nét đặc trưng khác là một thao tác nghệ thuật không thể thiếu trong tư duy sáng tạo của tiểu thuyết là hư cấu, cũng được tác giả thể hiện rõ. Trước năm 1975 tác giả Đặng Văn Hương mới 16 - 17 tuổi đời, chưa từng sống ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Để viết được tiểu thuyết “Hoa trong mắt bão”, tác giả phải vận dụng tiềm thức, sự hư cấu nghệ thuật và khả năng sáng tạo dồi dào của mình.
Bên cạnh sự thành công, tiểu thuyết “Hoa trong mắt bão” cũng còn “một vài chi tiết trong tiểu thuyết chưa được thỏa đáng” như ý kiến của nhà văn Vũ Quốc Khánh khi đọc tiểu thuyết này. Cách dùng từ có chỗ còn chưa chuẩn, chưa đúng với bối cảnh, tính cách của nhân vật.
Nhìn nhận một cách tổng thể, tiểu thuyết “Hoa trong mắt bão” đã thể hiện sự lao động say sưa, miệt mài, đam mê của tác giả Đặng Văn Hương, được độc giả thiện cảm, ghi nhận, đặc biệt khi cây bút là một giáo viên Toán học. Chúng ta hy vọng sẽ được đón đọc thêm những tác phẩm mới chất lượng của tác giả Đặng Văn Hương trong thời gian tới.
Theo ttxvn.vn