Những anh hùng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng

Dịch bệnh đến, người bình thường cố gắng tránh xa tâm dịch, còn những người trong ngành Y lại chẳng chút nề hà, tiến thẳng tới đó.

Gia đình ông bà ngoại tôi gắn liền nghề thuốc bắc. Cả vùng Sơn Tây những năm thập niên 60 đều biết tới ông lang Hanh của tôi.

Hồi bé, mỗi dịp hè tôi lại được ngồi quan sát ông bắt mạch cho bệnh nhân. Ông kê đơn, bốc thuốc cho họ. Bà ngoại ngồi bên, bỏm bẻm nhai trầu bằng hàm răng nhuộm hạt lựu đen nhánh, đôi bàn tay khéo léo điều khiển cái bệ dao cầu thái thuốc giúp ông.

Có những bà mẹ nông dân lếch thếch bế con đến khi bé đầu đã mềm nhũn bất tỉnh, nhờ thuốc của ông, các cháu đã khỏi bệnh. Nhà họ nghèo, chẳng có tiền trả tiền thuốc cho ông, họ xin đến làm công để bù tiền thuốc.

Nhà ông bà tôi lúc đó đông con, không những nuôi con mà còn nuôi cả cháu, tới hơn 10 miệng ăn, kinh tế không dư dả gì, nhưng ông bà từ chối hết. Những lúc không có bệnh nhân, ông ngồi đọc sách nho. Tôi lân la hỏi ông đọc gì, ông bảo ông đọc sách dạy đạo làm người.

[…]

Dịch bệnh đến, những người bình thường thì cố gắng tránh xa tâm dịch, còn những người trong ngành Y lại tiến thẳng tới đó.

Họ phải thay đổi những thói quen sinh hoạt hàng ngày, gác lại các dự định cho bản thân, gia đình, để ở lại bên người bệnh, bên những người xa lạ, giúp người bệnh chiến đấu với kẻ thù giấu mặt.

Những gương mặt hằn sâu vết khẩu trang, những cặp mắt thiếu ngủ quầng thâm kín xung quanh, buồn rầu vì bất lực khi phải buông tay để người bệnh ra đi của những y, bác sĩ ở Vũ Hán, ở Italy, ở Pháp, ở Mỹ, ở Anh, ở khắp các bệnh viện trên thế giới là những hình ảnh sẽ còn đọng mãi.

 Các chiến sĩ áo trắng tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Khánh Huyền.

Các chiến sĩ áo trắng tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Khánh Huyền.

Những bóng dáng áo trắng như các thiên thần được trời cử xuống cứu nhân loại. Họ làm hết sức mình, nhưng vẫn phải chứng kiến ngày ngày hàng loạt người bệnh xấu số bị thần chết mang đi. Có thể một ngày nào đó chính họ cũng kiệt sức.

Có những y, bác sĩ ở Italy, Mỹ… đã phát điên lên vì không thể chịu nổi áp lực mỗi ngày chứng kiến những ánh mắt tha thiết cầu cứu nhưng cuối cùng không thể cứu được.

Đau đớn thay, thời nay mà người vẫn chết nhiều quá. Biết nói gì đây khi một lời biết ơn còn cảm thấy chưa đủ. Họ là những anh hùng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng, với một kẻ thù vô hình nhưng rất nguy hiểm.

Họ làm việc và hy sinh, chẳng đòi hỏi gì, chẳng cần được vinh danh hay tặng thưởng gì. Lúc này mới thấy mọi thứ trên đời này thật vô thường, chỉ có tình người là trường tồn.

Sau tầm ba giờ, hai em đi đến, thông báo sẽ gọi tên từng tốp 10 người đi lấy hành lý để lên xe.

Một nhân viên y tế tháp tùng chúng tôi xuống sảnh B của nhà ga. Dưới đó có một đoàn xe đánh số và một xe tải quân đội cùng bộ đội đưa hành lý của chúng tôi xếp lên xe. Tất cả đều theo một quy trình khép kín, từ lúc chạm mặt đất đến lúc lên xe về điểm cách ly.

Anh chỉ huy nơi tiếp đón chúng tôi đến cách ly đã đứng chờ ở đó trong bộ quần áo bảo hộ như phi công chuẩn bị vào vũ trụ. Anh đọc loa thông báo địa chỉ, dự kiến thời gian đến điểm tập kết.

Lần lượt theo thứ tự, chúng tôi lên xe rời sân bay Nội Bài về Sơn Tây để trải nghiệm 14 ngày cách ly cùng với hương đồng gió nội, nơi đón chúng tôi là doanh trại của những chiến sĩ quân đội mến yêu!

TS Cù Thu Hương/ NXB Hội Nhà văn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-anh-hung-tham-lang-tren-mat-tran-khong-tieng-sung-post1249983.html