Những bà mẹ cảm thấy bị 'tra tấn' đến 'phát điên' khi dạy con học bài
'6 năm qua tôi bị con bé hành hạ suốt. Tất cả là vì nó không bao giờ muốn làm bài tập về nhà', người mẹ bật khóc.
Gần đây, một bà mẹ ở thành phố Tuyền Châu (tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) vì quá tức giận khi con trai không làm bài tập về nhà đã nhảy sông tự vẫn. Hay như một người mẹ khác, con làm bài thi không tốt đã tát con khiến cậu bé phải nhập viện vì bị chấn thương vùng đầu...
Một bà mẹ khác ở Nam Kinh bỏ lại con gái trên ga tàu điện ngầm rồi hét lên: "Tôi không muốn nuôi con bé đó nữa" chỉ vì bé không làm bài tập về nhà.
Khi cảnh sát gọi điện cho người mẹ, cô tức giận đến mức phủ nhận mình là mẹ của đứa trẻ. Sau 20 phút thuyết phục, người mẹ bật khóc: "6 năm rồi, tôi bị con bé hành hạ suốt. Tất cả là vì nó không bao giờ muốn làm bài tập về nhà". Cảnh sát nói rằng, chỉ cần nghe giọng của người mẹ đã đủ hiểu cô đang tuyệt vọng và bất lực đến thế nào với cô con gái 12 tuổi của mình.
Mới nhất là vụ cậu bé 10 tuổi gọi điện báo cảnh sát: "Mẹ đang đánh bố, các chú phải đến ngay". Tuy nhiên khi đến nơi, cảnh sát mới phát hiện, vì cậu bé mải xem tivi không chịu học bài nên người mẹ bỏ nhà đi. Không tìm được mẹ, cậu ta mới nghĩ đến việc cầu cứu cảnh sát.
Thật sự, kèm con cái học hành là một việc làm rất khó. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hòa thuận trong gia đình.
Đối với con trẻ, chúng có nhiều thủ thuật để trì hoãn việc học và làm bài tập như đi uống nước hoặc đi vệ sinh, kêu đói khát hoặc buồn ngủ. Hay khi đang làm bài tập, trẻ lại nhìn sang xung quanh, giống như dưới mông có gắn lò xo, có thể nhảy lên ngay lập tức khi nghe thấy một âm thanh lạ ngoài khu vực bàn học. Tâm thế và hành động của trẻ lúc này có thể "giết chết" sự nhẫn nại của bố mẹ chỉ trong vài phút.
Một người mẹ kể rằng khi giúp con làm bài tập về nhà, đề bài yêu cầu đặt câu với từ "cẩn thận". Người mẹ đưa ra một số ví dụ và nghĩ rằng cô đã truyền cảm hứng tốt để con có thể hoàn thành bài tập. Thật bất ngờ, đứa trẻ viết trong vở: "Hãy cẩn thận với bố, cẩn thận với mẹ và cả với chị gái nữa".
"Gia đình chúng ta có phải những kẻ khủng bố không mà con viết như thế?" người mẹ hét lên tức giận. Cô đột nhiên tức ngực bất thường rồi nhồi máu cơ tim và phải đi cấp cứu.
Một người khác kể về con gái của mình. "Tôi hỏi con gái làm thế nào để tính diện tích hình vuông, nó nói rằng không biết". Vì vậy, người mẹ đã vẽ một hình vuông rồi hỏi khi tất cả các cạnh đều là a, diện tích sẽ bằng bao nhiêu? "Con bé nói với tôi rằng: Mẹ vẽ quá xấu".
"Tôi không biết ở hoàn cảnh này, ông trời có kiềm chế được không nhưng tôi sắp phát điên", người mẹ than vãn.
Chuyện dạy con học là điều cha mẹ nào cũng thường làm. Mong cho con nên người, mong cho con có kết quả học hành tốt để bằng bạn bằng bè là điều cha mẹ nào cũng mong mỏi. Nhưng không ít người từng cảm thấy vô cùng bế tắc khi dạy con học vì trẻ cứ học đâu quên đấy, những kiến thức tưởng chừng đúng rõ ràng nhưng trẻ vẫn không chịu hiểu.
Đôi khi, chỉ vì con học bài mà khiến cho mối quan hệ của nhiều cha mẹ và con cái trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Việc cha mẹ nổi giận khi trẻ phạm lỗi sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của con, khiến con lo lắng, mất tự tin và dần xa lánh xã hội. Chính vì vậy, việc cha mẹ kiềm chế cảm xúc khi dạy con là điều hết sức quan trọng.
Dưới đây là những lời khuyên hữu ích.
Nhấn nút tạm dừng cảm xúc
Khi cảm thấy mất bình tĩnh, hãy cố gắng rút lui khỏi tình huống hiện tại, đưa ra gợi ý tâm lý cho bản thân và tự hỏi tại sao mình lại mất bình tĩnh? Có cách nào tốt hơn để giải quyết vấn đề hiện tại hơn là tức giận hay không?
Điều đó có nghĩa là, khi cha mẹ sắp mất bình tĩnh, hãy đợi vài giây trước khi đưa ra quyết định và đừng thốt ra những lời lẽ quá đáng mà không nghĩ đến hậu quả. Nếu thực sự không thể nhịn được thì giữ khoảng cách với con là cách an toàn nhất. Sau một thời gian bình tĩnh, cơn giận sẽ tự nhiên tiêu tan.
Cha mẹ có thể nói thẳng với con: Mẹ đang giận quá, cần bình tĩnh lại và nói chuyện vơi con sau. Khi cảm xúc ổn định, lý trí có thể tường minh hơn và trẻ có thể nhận được hỗ trợ mang tính xây dựng từ cha mẹ.
Thể hiện cảm xúc
Hãy mô tả chi tiết những việc làm, hành động của con khiến bạn cảm thấy khó chịu bằng lời lẽ dịu dàng, ân cần và chân thành. Nói ra những điều cha mẹ thực sự mong muốn và kì vọng ở con. Những lời nói dịu dàng không chỉ mang tính xây dựng mà còn có tác dụng xoa dịu tâm hồn con trẻ rất lớn.
Xem lại cảm xúc
Nếu bạn hành động bốc đồng và mất bình tĩnh với con theo cách không nên làm, đừng tự trách mình quá nhiều. Bạn có thể suy nghĩ xem tại sao mình lại mất bình tĩnh, tìm ra nguyên nhân, điều chỉnh bản thân, khiến bản thân trở nên tốt hơn và tránh mắc lại sai lầm tương tự vào lần sau.
Nói chuyện với con bạn về trạng thái cảm xúc của mình, và chân thành cho chúng biết lý do tại sao lúc đó bạn tức giận và việc tức giận là sai, đồng thời bạn hy vọng rằng con sẽ đưa ra tín hiệu mỗi khi cảm xúc của bạn đang vượt ngưỡng.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể giúp con nhận ra niềm vui trong việc học tập.
Chia sẻ từ trái tim đến trái tim
Trước khi quyết định giải pháp khắc phục tình trạng trẻ lười học, bạn nên thực hiện một cuộc chia sẻ tâm huyết. Hãy thử hỏi kỹ trẻ tại sao trẻ không muốn học.
Đừng trách mắng con ngay vì chắc chắn con sẽ cảm thấy chán nản. Bạn nên sử dụng ngôn ngữ nhẹ nhàng để trẻ muốn nói một cách cởi mở với bạn.
Hãy chắc chắn rằng, bạn không phán xét việc con đang cảm thấy như thế nào. Thay vào đó, hãy lắng nghe những lời phàn nàn của con một cách tốt nhất có thể. Giải thích cẩn thận lý do tại sao trường học lại quan trọng đến thế. Nếu con thực sự đang gặp khó khăn, hãy cùng con tìm ra giải pháp.
Tham khảo ý kiến của giáo viên
Tham khảo ý kiến của giáo viên chủ nhiệm lớp để có giải pháp khắc phục trẻ lười học. Giáo viên thường có thông tin chính xác hơn về thói quen, hành vi và tính cách của trẻ khi ở trường, từ đó cha mẹ có thể đưa ra giải pháp để hỗ trợ con.
Phần thưởng tạo động lực và cảm hứng
Tặng quà là một phương pháp hiệu quả để khơi dậy lòng nhiệt tình của trẻ. Trẻ em cần động lực đặc biệt khi làm một việc gì đó.
Đối phó với trẻ lười học đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ vô cùng. Hãy đảm bảo rằng bạn không quá khắt khe với con để con không cảm thấy căng thẳng và ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của con.
Học tập cùng con với nhiều bố mẹ sẽ là những ngày tháng "cay đắng không kể xiết", nhưng điều này không phải lý do để la hét hay động thủ với con cái mỗi khi tức giận. Nhà giáo dục người Ucraina - Anton Makarenk từng nói: "Sự hướng dẫn bình tĩnh, nghiêm túc và tìm kiếm chân lý từ thực tế là biểu hiện bên ngoài của giáo dục gia đình, không nên tỏ ra hách dịch, nóng giận và la mắng"
Suy cho cùng, nuôi dưỡng một đứa trẻ tự tin là rất khó, nhưng để hủy hoại ý chí của trẻ lại dễ như trở bàn tay. Vì vậy hãy cho phép trẻ chậm lại, cho phép trẻ mắc lỗi, tiếp tục tha thứ và kiên nhẫn. Nếu thực sự không kiềm chế được, kêu lên vài tiếng cũng không hại gì, dù sao đây thật sự là một việc đáng giận. Nhưng đừng là "nhà phê bình tiêu cực" của con cái.