Những bác sĩ thời dịch bệnh Covid-19

Giữa mùa cao điểm dịch bệnh và khi câu chuyện về những lòng y đức được nói đến nhiều nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2) thì những bác sĩ tại Hà Nội vẫn làm việc bằng chính lương tâm với sứ mệnh cứu giúp người...

Bác sĩ tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội khám và tư vấn cho bệnh nhân. (Ảnh: H.A)

Những ngày này, các bác sĩ cơ sở 2 của Bệnh viện viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Bác sĩ Gia đình Hà Nội... vất vả hơn nhiều khi phải theo dõi, chăm sóc người bệnh, cũng như đối diện trực tiếp với nguy cơ lây nhiễm cao dịch bệnh...

Nụ cười vượt qua nỗi lo kỳ thị

Xác định đã làm bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm thì không được nề hà trong lúc có dịch bệnh, bác sĩ Nguyễn Viết Nam - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phải làm việc vất vả hơn ngày thường và không có ngày nghỉ. Những đồng nghiệp tại Khoa cấp cứu của anh cũng đều ngủ lại cơ quan để có thể sẵn sàng đáp ứng những tình huống xấu nhất.

Không riêng gì anh, trong mùa dịch Covid-19 này, tại một số bệnh viện, có y, bác sĩ phải tham gia ứng trực 24/24 giờ chống dịch xuyên đêm, nhiều ngày không thể về nhà, phải gửi các con cho người thân chăm sóc. Không ít bác sĩ đã không về nhà trong mấy tuần để nỗ lực cứu chữa bệnh nhân, thực hiện nghiêm quy trình cách ly không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Dù không tránh khỏi áp lực kỳ thị của một số người xung quanh, những họ vẫn âm thầm cống hiến cho nghề nghiệp.

Hiện chưa tiếp nhận trường hợp nào nghi nhiễm Covid-19, nhưng tại Bệnh viện Thanh Nhân dịp này, số lượng bệnh nhân đến khám bệnh lên tới 1.200-1.400 lượt người/ngày. Đặc biệt, tỷ lệ nhóm bệnh nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp tăng hơn lên với 400-600 lượt người/ngày và số lượng nhập viện từ 130-150 bệnh nhân/ngày.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Bệnh viện đã thành lập khu tiếp đón riêng bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tại tòa nhà tầng 1 cách biệt với khu khám bệnh thông thường và nội trú cùng với một đội ngũ y tế gồm 6 bác sĩ và 9 điều dưỡng túc trực thường xuyên.

Theo bác sĩ Lại Thanh Hà, Trưởng Khoa Khám bệnh của Bệnh viện, các bác sĩ phân công đã được tập huấn quy trình sàng lọc các bệnh truyền nhiễm và tuân thủ chặt chẽ quy trình cách ly nguồn bệnh phòng chống lây nhiễm. Họ ý thức sâu sắc nhiệm vụ được giao và những nguy cơ phải đối mặt khi thường xuyên tiếp xúc với những người bệnh.

“Giữa mùa dịch bệnh, những y, bác sĩ chúng tôi càng cần phải nâng cao văn hóa ứng xử và thái độ phục vụ chuyên nghiệp”, bác sĩ Hà chia sẻ. Chị thường xuyên đưa ra lời khuyên người dân cần giữ ấm cơ thể, vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn, không để tay chạm lên môi hoặc mắt, súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang khi ở đông người.

Bác sĩ Hà cho hay gần đây mạng xã hội thường xuất hiện thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh. Để bảo vệ bản thân và gia đình, chị khuyến cáo mọi người nên đọc những tin chính thống của Bộ Y tế. Khi có triệu chứng ho, sốt, khó thở, người bệnh cần liên hệ cơ sở y tế gần nhất để điều trị, không tự chữa, đồng thời hạn chế đi lại, tiếp xúc với nhiều người.

Lương tâm nghề sẽ chiến thắng

Những năm gần đây, việc khám chữa bệnh tại nhà đã dần trở nên quen thuộc với nhiều người dân thành phố và ở thời điểm bệnh dịch bệnh giao mùa khi Covid-19 hoành hành như hiện nay, thì công việc của các bác sĩ gia đình gần như quá tải.

Bác sĩ Nguyễn Tá Dũng – Giám đốc Trung tâm Bác sĩ Gia đình Hà Nội cho biết, hàng ngày trung tâm tiếp nhận hàng trăm lượt bệnh nhân tới khám, trong đó phần lớn là số lượng bệnh nhân gọi bác sĩ tới nhà khám tại nhà. Không chỉ khám bệnh và làm các xét nghiệm chuyên môn, bác sĩ gia đình còn có nhiệm vụ trò chuyện, tư vấn tâm lý, chia sẻ thông tin, giúp có hướng chẩn đoán và điều trị. Qua thăm khám, chăm sóc bệnh nhân, bác sĩ gia đình còn hướng dẫn để người nhà, cộng đồng phòng tránh, điều trị đúng cách với dịch bệnh. Bởi vậy, những bác sĩ giàu kinh nghiệm như anh luôn trong tình trạng “quá tải” với công việc.

“Là dịch vụ tư nhân, nhưng bác sĩ của chúng tôi cần phải trở thành những người bạn, người thân quen của người bệnh. Làm bác sĩ gia đình, cái quan trọng ngoài chuyên môn cần có sự đam mê, thấu hiểu, nếu chỉ nhìn vào kinh tế thì không thể làm tốt được hình thức khám bệnh này”.

Cũng bàn về câu chuyện lương tâm ngành y, bác sĩ Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng không ít người chỉ nhắc đến vấn đề y đức xuống cấp, sự cố y khoa hay “chuyện phong bì” mà thường quên đi những gì ngành y đã làm. Ông cho biết ở thời điểm dịch Covid-19, Bệnh viện đã đưa thông báo không bắt buộc nhân viên y tế lao vào tâm dịch mà tình nguyện đăng ký. Thế nhưng, danh sách đăng ký vào vùng dịch ngày càng dài hơn và nhìn danh sách tình nguyện đó, ai cũng thấy ấm lòng...

“Khi bước vào cổng trường y, ai cũng hiểu sứ mệnh của mình như thế nào. Họ sẵn sàng bỏ lại gia đình phía sau để dấn thân, tất cả vì bệnh nhân. Có những bệnh nhân vào viện trong tình trạng sống chết trong gang tấc, bác sĩ sẵn sàng lao ra cứu họ mà trên người không hề có phương tiện bảo hộ nào. Khi cứu người bệnh, không ai nghĩ cứu để được khen thưởng, được cảm ơn, mà đó là sự hy sinh. Có thể bác sĩ biết rõ họ có thể lây nhiễm bệnh, mang bệnh về cho gia đình nhưng họ luôn làm hết mình vì trách nhiệm với cộng đồng”, bác sĩ Dương Đức Hùng nói.

HOÀI ANH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-bac-si-thoi-dich-benh-covid-19-110376.html