Những bác sĩ 'tinh thần thép'

Nhiều đặc thù, lắm áp lực nhưng những bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Hải Dương với 'tinh thần thép' vẫn luôn bền bỉ, nỗ lực gắn bó với nghề để đổi lấy niềm vui cho người bệnh.

Bác sĩ tâm thần nắm tường tận hoàn cảnh của từng bệnh nhân để có liệu pháp tâm lý điều trị phù hợp

Bác sĩ tâm thần nắm tường tận hoàn cảnh của từng bệnh nhân để có liệu pháp tâm lý điều trị phù hợp

Coi bệnh nhân như người nhà

Bác sĩ Nguyễn Nhân Trí (sinh năm 1979), Trưởng Khoa 4 đã gắn bó với việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần được 21 năm. Có lẽ do tính chất công việc mà cử chỉ, cách nói chuyện của anh cũng điềm đạm, nhẹ nhàng.

Anh tươi cười nói: “Cứ nhắc đến tâm thần là mọi người hay mặc định nghĩ ngay đến những trường hợp điên loạn, không kiểm soát được hành vi nhưng thực tế không phải vậy. Ngành tâm thần có hàng trăm mã bệnh với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Riêng Khoa 4 chuyên điều trị về rối loạn tâm thần, tâm căn, trầm cảm, lo âu, mất ngủ… Mới liệt kê chừng ấy cũng đủ thấy tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần nhưng nhiều người vẫn còn chủ quan”.

Với nhiều năm kinh nghiệm, anh Trí hiểu tường tận áp lực, vất vả song cũng đầy nỗ lực, không ngại khó khăn của những bác sĩ tâm thần. Nghề bác sĩ đã đặc thù thì bác sĩ tâm thần lại càng đặc biệt bởi họ không chỉ cần có chuyên môn, trình độ mà còn phải có một tấm lòng để sẻ chia, thấu hiểu. Liệu pháp tâm lý là một trong những phương pháp điều trị cho bệnh nhân tâm thần nhưng nếu bác sĩ không đủ bao dung, không có sự thương yêu, tận tâm thì cũng phản tác dụng.

Khoa của bác sĩ Trí thường có từ 120-130 bệnh nhân điều trị nội trú, cũng có nhiều thời điểm quá tải vượt hơn 140 người. Ở đây, mỗi bệnh nhân là một cảnh ngộ. Có người động kinh, mất khả năng điều chỉnh hành vi lại có trường hợp rối loạn tâm lý, lúc tỉnh khi lại mơ màng. Cũng có bệnh nhân trầm cảm, luôn hoảng sợ lo âu.

Mỗi bệnh nhân lại có biểu hiện bệnh khác nhau nhưng bác sĩ Trí thuộc nằm lòng từng bệnh án. Không những vậy, anh còn nắm bắt, tìm hiểu ngọn ngành hoàn cảnh gia đình, đặc điểm nhân cách của từng người để phục vụ điều trị.

“Nếu không kiên trì, nhẫn nại thì khó có thể làm bác sĩ tâm thần. Bệnh nhân kích động cần phải trấn an, động viên để họ tin tưởng, hợp tác điều trị. Người sang chấn tâm lý cần vỗ về, an ủi, làm cho họ cảm thấy yên tâm. Có thay đổi nhận thức mới điều chỉnh được hành vi người bệnh. Công việc của bác sĩ tâm thần không khác mấy so với chăm con mọn, đều phải chu đáo, cẩn thận”, bác sĩ Trí ví von.

Khác với bác sĩ Trí đã đủ bản lĩnh, kinh nghiệm, anh Nguyễn Hồng Sơn (sinh năm 1996) mới về công tác tại Bệnh viện Tâm thần Hải Dương được 2 năm nên vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, thậm chí đôi lúc thấy sốc. Bác sĩ Sơn học chuyên ngành đa khoa tại Đại học Y Dược Thái Bình. Do tâm thần chỉ là chuyên ngành lẻ nên trong quá trình học tập, anh ít có điều kiện tiếp xúc với bệnh nhân. Anh Sơn không khỏi bất ngờ trước những tình huống éo le, dở khóc, dở cười khi điều trị cho bệnh nhân tâm thần.

Anh chia sẻ rằng dấu hiệu bệnh của người mắc chứng tâm thần rất đa dạng, không ai giống ai. Nhiều bệnh nhân hoang tưởng, ảo giác có những hành động gây rối nhưng đôi khi lại lặng im, trầm ngâm đến lo ngại. Điều này khiến cho chính bác sĩ mới vào nghề còn cảm thấy hoang mang.

Việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần phức tạp, mất nhiều thời gian

Việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần phức tạp, mất nhiều thời gian

Từ khi trở thành bác sĩ tâm thần, anh Sơn đang học cách rèn luyện tâm lý, tinh thần vững vàng. Bởi chỉ có vậy mới đủ bình tĩnh để xử lý và điều trị bệnh hiệu quả. Và có tìm hiểu sâu, nghiên cứu kỹ mới thấy nội tâm của bệnh nhân tâm thần rất phức tạp. Vì vậy, bác sĩ phải có sự đồng cảm, thấu hiểu, phải vui buồn cùng bệnh nhân.

Bác sĩ Sơn bày tỏ: “Dù thời gian làm việc chưa lâu nhưng tôi biết rằng chữa bệnh tâm thần không chỉ điều trị đơn thuần. Công việc này đòi hỏi bác sĩ phải chắc chuyên môn, vững tâm lý và hơn cả là cái tâm với nghề, với bệnh nhân. Từ lâu, tại bệnh viện này mỗi người bệnh được coi là một người thân trong gia đình của nhân viên y tế”.

Không những đặc thù, bác sĩ tâm thần còn đối mặt với nhiều áp lực. Song có lẽ áp lực và phức tạp hơn cả là đánh giá, hội chẩn tình trạng bệnh. Không ít bệnh nhân ở thể nhẹ nhưng lại giả vờ nặng để hưởng chế độ, chính sách. Cũng có người bình thường lại giả bệnh nhằm trốn tránh nghĩa vụ, pháp luật. Vì thế, các bác sĩ tâm thần phải có trình độ, chuyên môn, có khi phải đấu trí với bệnh nhân để đánh giá mức độ bệnh.

Còn trăn trở

Xã hội phát triển với nhiều thành tựu nhưng cũng làm phát sinh không ít hệ lụy, gây sức ép, tạo áp lực lên đời sống tinh thần. Hiện bệnh nhân tâm thần ngày càng trẻ hóa. Nhiều người trẻ sang chấn tâm lý, rối loạn tâm thần vì làm ăn thất bát, nợ nần hay lạm dụng rượu bia, chất kích thích dẫn đến ảo giác, hoang tưởng. Cũng có người phải điều trị tâm lý chỉ vì suy nghĩ quá nhiều khi bị đối xử không công bằng. Còn người già thường do gánh nặng bệnh tật, ít chia sẻ nên trầm cảm, lo âu.

Bệnh tâm thần xuất phát từ những lý do đơn giản song nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ khiến bệnh tình trầm trọng thêm. Tuy nhiên, chuyên ngành tâm thần vẫn “khát” bác sĩ vì những quan niệm, định kiến.

Bén duyên, rẽ hướng sang chuyên khoa tâm thần, bác sĩ Nguyễn Bích Thủy (sinh năm 1992) mang nhiều suy tư. Chị Thủy học đông y tại Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam. 8 năm kể từ khi tốt nghiệp, chị vừa làm, vừa học để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Với chị Thủy, có những kỷ niệm từ thời chập chững bước vào nghề đến bây giờ vẫn còn ám ảnh. Thế nhưng, khi đã vượt qua bằng lương tâm và trách nhiệm, chị nhận ra rằng nếu bác sĩ còn chùn bước thì lấy đâu hy vọng, cơ hội cho bệnh nhân tâm thần. Điều này thôi thúc bác sĩ Thủy nỗ lực từng ngày.

Do đặc thù, áp lực lại có định kiến nên ít người theo học bác sĩ tâm thần

Do đặc thù, áp lực lại có định kiến nên ít người theo học bác sĩ tâm thần

Chị Thủy vừa hoàn thành khóa học bác sĩ chuyên khoa I về tâm thần. Tuy vậy, chị vẫn trăn trở khi cả khóa chỉ có duy nhất mình chị theo chuyên ngành tâm thần.

“Sức khỏe tâm thần ngày càng quan trọng nhưng bác sĩ tâm thần vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, không có nhiều người chọn lựa theo ngành này. Do đó, bác sĩ tâm thần vốn đã áp lực lại càng vất vả hơn”, bác sĩ Thủy trải lòng.

Bác sĩ Trí vốn đã dạn dày nhưng khi nói về vị thế của bác sĩ tâm thần thì tâm trạng lại chùng xuống. Anh bày tỏ xã hội đã phần nào nhìn nhận được vai trò của bác sĩ tâm thần song đâu đó vẫn còn e ngại, định kiến. Dù vậy, với bác sĩ tâm thần thì cái họ quan tâm hơn cả là bệnh tình của bệnh nhân. Với họ, bệnh nhân khỏi bệnh hay bệnh thuyên giảm chính là động lực để các bác sĩ tâm thần vững tin, gắn với với nghề. Những thay đổi của xã hội hiện nay khi những bức bối về tinh thần ngày càng nhiều thì tầm quan trọng của bác sĩ tâm thần sẽ được đặt ở đúng vị trí. Khi đó, bác sĩ tâm thần sẽ không còn cảm thấy tự ti với đồng nghiệp chuyên khoa khác.

Tại Bệnh viện Tâm thần Hải Dương, ngoài được điều trị tận tâm, ân cần thì bệnh nhân còn được chăm lo điều kiện sinh hoạt, từ bữa ăn tới giấc ngủ. Theo lãnh đạo bệnh viện, người bệnh có giàu, có nghèo song nghèo vẫn là cơ bản. Vậy nên, bệnh viên luôn quan tâm, hỗ trợ tối đa để bệnh nhân an tâm điều trị và người nhà cũng vơi bớt gánh nặng. Là bệnh viện tâm thần nhưng từ lâu nơi đây ít âm thanh của sự đập phá, la hét. Những bệnh nhân tình trạng bệnh ổn định được đi lại tự do trong khuôn viên yên tĩnh. Bệnh viện đang được đầu tư nâng cấp, cải tạo nên cả đội ngũ y tế, bệnh nhân và người nhà đều cố gắng khắc phục những bất tiện trong quá trình sửa chữa. Ai cũng mong chờ sắp tới, bệnh viện khang trang hơn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh.

Anh Nguyễn Văn Nhâm ở xã Đại Đức (Kim Thành) là người thân của bệnh nhân B.T.V. điều trị tại Bệnh viên Tâm thần Hải Dương. Từng chăm sóc bố mẹ ở nhiều cơ sở y tế nên khi tới đây, anh Nhâm thấy được sự thân thiện, cởi mở từ nhân viên phục vụ, đội ngũ y, bác sĩ tới lãnh đạo bệnh viện. Tuy bệnh viện lúc nào cũng đông bệnh nhân nhưng không ai phải nằm ghép. Thỉnh thoảng, lãnh đạo bệnh viện còn đột xuất xuống nhà bếp ăn cùng bệnh nhân và người nhà để kiểm tra chất lượng. "Khi mẹ tôi hết đợt điều trị nội trú trở về nhà, bác sĩ trực tiếp điều trị vẫn đều đặn 2 lần/tuần gọi điện, nhắn tin hỏi thăm tình hình sức khỏe. Tôi rất trân trọng sự quan tâm này", anh Nhâm bày tỏ.

Nhà điều trị bệnh tâm căn và người bệnh cao tuổi tại Bệnh viện Tâm thần Hải Dương vừa được đầu tư xây dựng mới, sẽ đưa vào sử dụng trong thời gian tới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân

Nhà điều trị bệnh tâm căn và người bệnh cao tuổi tại Bệnh viện Tâm thần Hải Dương vừa được đầu tư xây dựng mới, sẽ đưa vào sử dụng trong thời gian tới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân

Năm 2023, bệnh viện có hơn 700 lượt bệnh nhân ngoài tỉnh tới điều trị, trong đó có cả những người ở các thành phố lớn, nơi mà y học phát triển cả về chuyên môn và hạ tầng y tế như Hà Nội, Hải Phòng… Năm 2024, số lượng bệnh nhân ngoài tỉnh vẫn chưa có con số thống kê cụ thể. Tuy nhiên, theo đánh giá có thể cao hơn năm trước.

Bệnh viện chỉ có hơn 30 bác sĩ, song số lượng bệnh nhân tới điều trị mỗi năm đều vượt từ 130-140% so với công suất. Chỉ tiêu giường kế hoạch của bệnh viện là 250 nhưng thực kê 470. Những con số này chứng tỏ uy tín và năng lực của Bệnh viện Tâm thần Hải Dương.

Theo quy định, do bệnh viện không đủ bác sĩ sẽ không được tăng giường bệnh. Trong khi thực tế, nhu cầu điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hải Dương rất lớn. Vì vậy, việc giải bài toán về nguồn lực là cần thiết và cấp bách giúp bệnh viện phát triển và đội ngũ y, bác sĩ tâm thần có thêm động lực, nguồn lực để tận tâm cống hiến.

HOÀNG LINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhung-bac-si-tinh-than-thep-400159.html