Những bài ca Tháng Tám
Trong lòng nhiều người Hà Nội, mỗi năm mùa về Tháng Tám, lại sống dậy những âm hưởng của một mùa thu: 'mùa thu Tháng Tám', 'mùa thu cách mạng'…
Cố họa sĩ Trần Thị Thục Phi (1933-2022) là người sớm theo Cách mạng và tham gia kháng chiến. Bà là một trong ba nữ sinh viên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam do danh họa Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng và trực tiếp giảng dạy, ngay tại chiến khu Việt Bắc, giai đoạn 1950-1954. Năm 1966, bà là một trong những người có đóng góp quan trọng vào việc thành lập Xưởng tranh cổ động (tiền thân của Công ty Mỹ thuật trung ương hiện nay).
Được sự đồng ý từ gia đình bà, Nhân Dân cuối tuần trân trọng trích giới thiệu đến bạn đọc một phần ghi chép thực tế đời sống cũng như tâm tư của một nghệ sĩ đã dành trọn niềm tin, tình yêu theo Cách mạng, làm theo lời dạy của Bác Hồ: Nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật.
...Tháng Tám đã về. Cái nắng Hà Nội những ngày này như táp lửa vào mặt những ai đang ngược xuôi trên phố. Người ta tìm đi tránh nắng ở Tam Đảo, Đồ Sơn…
Vậy mà trong lòng nhiều người Hà Nội, mỗi năm mùa về tháng Tám, lại sống dậy những âm hưởng của một mùa thu: “mùa thu Tháng Tám”, “mùa thu cách mạng”… năm xưa đã lôi cuốn cả một thế hệ đi vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, và hôm nay, vẫn rung động, xao xuyến lòng người.
Ngày ấy, chúng tôi là trẻ con. Nhưng là dân mất nước, con trẻ cũng sớm hiểu những biến đổi lớn lao của lịch sử. Từ khi Nhật đảo chính Pháp, rồi Nhật thua, đầu hàng, chúng tôi đã phấp phỏng theo dõi diễn biến thời cuộc qua những lo âu, những mẩu chuyện thì thầm của người lớn. Và thấm thía được hạnh phúc của tự do, độc lập ngày Khởi nghĩa thành công.
Nên tràn ngập trong lòng, những ngày tháng 8/1945 ấy, là niềm vui. Vui như hội, một ngày hội vui bất tận. Tốp nhi đồng chúng tôi ngày ấy “nhập hội” bằng một việc hết sức vinh dự: hát chào cờ tại buổi mít-tinh chính quyền địa phương thị trấn Sầm Sơn (nay là thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa-BTV) ra mắt. Thị trấn “nghỉ mát nhỏ bé”, lễ đài trang trí mộc mạc bằng hoa lá bình dị, nhưng không khí trang nghiêm biết bao! Chúng tôi xếp hàng dưới chân cột cờ, ngước nhìn lên đỉnh cột, chờ hai chị du kích phát súng lệnh theo tiếng hô: “Chào!” là cất giọng “Tiến quân ca”.
Tiếng hát như quấn quýt theo nếp lụa uốn mềm mại trong gió chiều, lên cao, cao dần… phần phật bay đỏ thắm, in hình trên đỉnh núi, trên nền trời thăm thẳm cao. Cuộc mít-tinh kết thúc thành biểu dương lực lượng: tất cả tràn ra tuần hành qua thị trấn, vừa đi vừa reo hò, vung tay hô khẩu hiệu. Bọn con nít chúng tôi ngoi giữa dòng người, cũng hò hét, vung tay, cảm thấy mình nhớn hẳn lên, sướng vui bay bổng.
Từ ấy, ký ức về những ngày sôi động tiếp theo của tháng 8/1945 tràn ngập những lời ca. Nơi nơi ca hát, người người đều ca hát. Dường như mỗi dịp, mỗi việc, người ta đều tìm ra bài ca thích hợp để bộc lộ, gửi gắm tâm tình, bày tỏ quyết tâm, khẳng định ý chí độc lập. Với tôi, khái niệm “mùa thu Tháng Tám” hình thành từ những bài ca ấy.
Chẳng biết ai là người đầu tiên đã đưa “mùa thu” vào các khúc hát tháng 8/1945 nhưng không hẹn mà nên, từ nam chí bắc, ngày cách mạng thành công đã trở thành ngày “mùa thu Tháng Tám”. Những bài hát về mùa thu nhiều không thể nhớ hết. Nhưng dường như chúng đều hay hoặc chí ít, đều được yêu thích và được mọi người hay hát. Ngày hôm qua là dân mất nước, hôm nay đã đường đường là người tự do! Hạnh phúc lớn quá, tự hào lớn quá, thôi thúc trong lòng đòi giãi bày, bộc lộ. Nên người ta hát. Mượn lời ca, giai điệu của nhạc sĩ để nói lên xúc động của mình, mà không cần biết ai là người đã sáng tác nên! Mỗi người hát đều xúc cảm tự đáy lòng: Đây là tâm tư của chính mình, từng câu, chữ đều là lời, là ý chân thành. Những bài hát ngày ấy có sức lôi cuốn, thôi thúc lạ lùng.
“Cùng tâm huyết ta là người dân nước/Quần thoa cũng ghé vác chung sơn hà” nên mỗi người đều “…Lắng nghe đều, kìa lời hô hào tha thiết/ Reo vang từ Bồ Điền, Mê Linh thiêng liêng/Giục xông pha, thúc hy sinh quên mình...” (“Phụ nữ Việt Nam”, Đào Sĩ Chu).
Lời ca đi thẳng vào lòng người, rung động con tim, thúc giục hành động. Âm hưởng những bài ca không phai nhòa trong ký ức chúng tôi. Chúng dường như đã hòa quyện chung thành tiếng vọng của một mùa thu Tháng Tám, thành “tiếng gọi non sông”, “lời thề non nước”.
Lớp lớp thanh, thiếu niên tháng 8/1945 đã ra đi theo tiếng gọi non sông ấy. Họ không chỉ dốc lòng, dốc sức mà thực đã dốc cả tâm hồn đi theo cách mạng, giải phóng quê hương. Những lúc gian nan nhất, họ vẫn đinh ninh trong lòng những ý tình, lời ca son sắt: “Ra đi không về/ Âm vang lời thề!”. Không phải là bi quan, mà chính là quyết liệt! Tuy không khỏi còn nhiều lãng mạn, bởi các chàng trai, cô gái năm ấy vẫn còn mang theo những ước mơ, nhớ nhung “êm dịu” của các mùa thu xưa cũ. Nhưng đã bừng dậy trong lòng họ bao cảm xúc mới mẻ, mạnh mẽ về Tổ quốc, quê hương, tình đồng chí, nghĩa đồng bào! Nên ý chí ấy là rất thực và không phải nhất thời. Biết bao con người ưu tú đã “dâng đời cho núi sông”...
Những bài ca ấy đã vượt qua khuôn khổ của cuộc đời nhỏ hẹp, gắn với những đêm yên lặng mênh mông trời sao, những chiều hành quân mệt nhọc, dừng chân trên đỉnh đồi lộng gió. Cũng có khi chen nhau ngủ trên nền bếp đất, gác chân lên bờ chuồng lợn, chợt ngẩng nhìn qua khuôn cửa trống, không liếp, thấy trăng đã nhô cao trên sườn đồi dốc dựng, vẫn nghe chúng vang vọng trong lòng.
Thật trái ngược khi trong những ngày khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, những đêm tạm ngưng tiếng súng khi giặc rút được dăm ba cây số, từ những sân trăng hẻo lánh xóm rừng, lại ngân lên lời trang trọng ca ngợi mùa thu thanh bình, một mùa thu lộng lẫy của non sông: “Đây mùa thu tới/ Gió rung tiếng đàn/ Ánh trăng huy hoàng giữa muôn màu thắm... Đây mùa thu tới với dân Việt mới/ Khúc ca thanh bình tưng bừng núi sông!”.
Đó là kỷ niệm về một đêm trăng ở gần Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ- BTV). Giặc rút chưa xa, học sinh chúng tôi đang tạm trú chân trong thôn nhỏ trên đường về lại trường sở (tức Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam-BTV). Đêm trong suốt, thật thanh bình, yên ả như những đêm trăng ở quê nhà.
Tất nhiên, từ những ngày vắt, bùn, cơm sắn ấy, còn trải qua một phần tư thế kỷ, hai cuộc kháng chiến nữa, khúc ca thanh bình mới thật sự tưng bừng núi sông.
Nhưng trong lòng thế hệ chúng tôi, mùa thu từ ấy đã trở nên đẹp đẽ lạ lùng, thiên nhiên Tổ quốc đã trải những sắc mầu lộng lẫy chưa từng có. Từ một ánh trăng, một cuộc chia tay cũng không còn như xưa nữa, mà chỉ gợi cho lòng mình những ước mơ và niềm tin ở tương lai chiến thắng. Thật đúng là “cảnh ở trong lòng”!
Mỗi năm mùa về tháng Tám, lại nhớ bao đồng đội, đồng bào đã cùng mình chia sẻ mọi vui buồn, gian khổ để có được ngày nay. Và lòng mình như thanh thản lại, trong sáng hơn. Đó là niềm hạnh phúc mà tâm hồn mang theo mãi mãi, không kể gì năm tháng đã qua đi.
Và tôi nghĩ tới các anh, tác giả của những bài ca năm ấy, với lòng biết ơn và cảm tình thân thiết, dẫu cho tôi chưa từng được biết, được quen các anh. Hẳn các anh cũng không lượng hết giá trị của món quà các anh đã đem lại cho thế hệ chúng tôi, lưu lại trong lòng người, những người đã cùng các anh “xin thề: dâng đời ta cho nước nhà!” (Lời thề cứu quốc).
Xin một lần nữa cảm ơn các anh, các nhạc sĩ!
Trần Thị Thục Phi/Nhân Dân Cuối Tuần
Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-bai-ca-thang-tam-post1491847.html