Những bài học đắt giá từ đại dịch Covid-19
Giới chức y tế và các nhà khoa học đang dựa trên kinh nghiệm đối phó dịch Covid-19 để nghiên cứu những phương pháp giúp phòng chống dịch bệnh tối ưu hơn trong tương lai.
Tính đến ngày 26/10, tổng số ca mắc Covid-19 đã vượt ngưỡng 42 triệu người với hơn 1,15 triệu trường hợp tử vong, làm đảo lộn đời sống và các hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Phản ứng không kịp thời khi làn sóng lây nhiễm chớm bùng phát được cho là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự mất kiểm soát của đại dịch, tờ Wall Street Journal nhận định.
“Khi phản ứng với đại dịch không bắt kịp diễn biến lây lan của virus, thật sự rất khó để xoay chuyển tình thế”, giám đốc Jeremy Farrar của Wellcome Trust nhận xét. “Hành động chậm trễ là một thảm họa”.
Nhìn chung, thế giới đã không được chuẩn bị để đối phó với một đại dịch có quy mô lớn như Covid-19, bằng chứng là Trung Quốc, Mỹ hay nhiều nước châu Âu khác đã chật vật trong việc kiểm soát làn sóng lây lan virus trong một thời gian dài.
Để cải thiện khả năng phản ứng với những thảm họa y tế tương tự, giới chức y tế và đội ngũ nghiên cứu khoa học nhiều nước đang khai thác các bài học trên nền tảng đại dịch Covid-19.
Cảnh báo sớm
Nhiều nhà dịch tễ cho rằng việc ngăn chặn tất cả đợt lây nhiễm của virus là bất khả thi. Thay vào đó, nên đặt mục tiêu hạn chế nhanh chóng sự lây lan của mầm bệnh sang người trên diện rộng.
Giáo sư Sally Davies tại Cao đẳng Trinity thuộc Đại học Cambridge, Anh, cho rằng dịch Covid-19 có thể được xác định trước tháng 12/2019, thời điểm giới chức Vũ Hán xác nhận các trường hợp viêm phổi cấp.
“Tất nhiên là chúng ta đã có thể làm được điều đó nếu có hệ thống phù hợp và biết cách tận dụng”, bà Davies nói.
Chụp phổi cắt lớp thông minh được cho là một giải pháp khả dĩ để phát hiện mầm bệnh nhanh chóng và kịp thời hơn.
Cụ thể, theo giáo sư Davies, hệ thống chẩn đoán sẽ vận hành dựa trên nền tảng đánh dấu những trường hợp quét lồng ngực “bất thường”. Sau đó, một bác sĩ có thể kiểm tra bản quét để đánh giá mức độ bất thường và đưa ra chẩn đoán nhanh hơn, chính xác hơn.
Bên cạnh đó, giáo sư Davies và các nhà khoa học khác hướng đến việc xác định mầm bệnh nguy hiểm trước cả khi chúng xâm nhập vào cơ thể người, chẳng hạn bằng cách tìm kiếm các bộ gen lạ ở những vị trí tiềm ẩn nguy cơ như trong đường ống nước thải.
Xét nghiệm mẫu máu trên quy mô lớn cũng được đánh giá là một hướng đi triển vọng trong việc xác định mầm bệnh đang lây lan. Ý tưởng này được đề xuất bởi nhà dịch tễ học Michael Mina thuộc Đại học Harvard.
Theo đó, một “viện nghiên cứu miễn dịch toàn cầu” sẽ được thành lập với nhiệm vụ quét toàn bộ mẫu máu tại tất cả thành phố lớn trên thế giới một cách định kỳ để phát hiện mầm bệnh lây nhiễm vào cơ thể người, bao gồm cả những chủng bệnh cũ và mới.
Tiến sĩ Mina cho rằng nếu mô hình giám sát y tế công cộng nêu trên được áp dụng tại Mỹ vào đầu năm 2020, sự lan rộng của Covid-19 có thể đã được phát hiện sớm hơn.
Điều chế vaccine và thuốc đặc trị nhanh hơn
Các giải pháp điều trị Covid-19 đang được phát triển với tốc độ kỷ lục. Tuy nhiên, đối với những người thất nghiệp vì đại dịch và phải chịu những tác động tiêu cực do cách ly xã hội, quá trình điều chế vaccine và thuốc đặc trị Covid-19 phải được rút ngắn hơn.
Giám đốc Farrar của Wellcome Trust cho rằng các nhà khoa học sẽ phải phát triển giải pháp chống virus nhanh hơn vào lần bùng phát đại dịch tiếp theo. Ông Farrar nói thêm rằng vaccine và thuốc đặc trị cần được chuẩn bị sẵn trước khi virus lây lan trên quy mô toàn cầu.
Giám đốc điều hành Richard Hatchett của Liên minh Đổi mới Phòng chống Dịch bệnh dự đoán rằng công nghệ điều chế vaccine nhanh sẽ là chìa khóa giúp khống chế sự lây lan của mầm bệnh trong tương lai.
Tiến sĩ Hatchett cho biết những “công nghệ nền tảng” mà tổ chức của ông sử dụng như vector virus hay hệ thống phân phối protein là các thành phần cơ bản tạo nên vaccine.
Khi cần phát triển vaccine với tốc độ nước rút, các công nghệ nói trên được kết hợp với việc sắp xếp cấu trúc của chủng virus cần loại bỏ, tạo thành loại vaccine hoàn chỉnh.
Theo các nhà khoa học, cách tiếp cận trên có thể được áp dụng để phát triển những loại thuốc đặc trị virus, đặc biệt là các phương pháp điều trị dựa trên kháng thể.
Hệ thống y tế công làm việc hiệu quả hơn
Điểm chung giữa những quốc gia xử lý tốt đại dịch nằm ở hệ thống y tế công hoạt động hiệu quả.
Theo Wall Street Journal, diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam là ví dụ điển hình cho vai trò của hệ thống y tế công trong cuộc chiến chống sự lây lan của virus trong cộng đồng.
Tiến sĩ Phạm Quang Thái thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết giới chức y tế Việt Nam đã tổ chức sàng lọc các ca bệnh có nguy cơ mắc Covid-19 vào đầu tháng 1 và nhanh chóng tiến hành cách ly những trường hợp này.
Bên cạnh đó, các cá nhân từng tiếp xúc với người nhiễm virus đều được truy dấu, kiểm tra và theo dõi.
Cũng theo ông Thái, một trong những chính sách giúp Việt Nam hạn chế số ca mắc Covid-19 chính là bắt buộc cách ly toàn bộ người nhập cảnh kể từ thời điểm đại dịch manh nha bùng phát.
Tại Vermont, một trong những bang có tỷ lệ lây nhiễm virus thấp nhất tại Mỹ, chính quyền đã tiến hành giãn cách xã hội, cách ly người từ nơi khác đến và truy dấu những cá nhân từng tiếp xúc với các ca mắc Covid-19.
Mark Levine, ủy viên phụ trách y tế Vermont, cho rằng các bệnh viện cần trang bị cơ sở vật chất tốt hơn và bố trí giường bệnh khi có lượng bệnh nhân tăng đột biến.
Ở khía cạnh chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh trong tương lai, Tiến sĩ Rivers tại Đại học Johns Hopkins đề xuất duy trì công việc hậu đại dịch của những nhân viên y tế vốn được thuê để phục vụ tại các bệnh viện vào cao điểm khi số bệnh nhân tăng mạnh.
“Sẽ có những thứ xảy ra với tần suất ngày càng cao và chúng ta phải chuẩn bị cho điều đó”, Tiến sĩ Levine nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-bai-hoc-dat-gia-tu-dai-dich-covid-19-post1141584.html