Những bài học về quản trị dòng tiền trong đại dịch

Đại dịch như thiên nga đen, bất ngờ và không dự đoán được, tác động cực lớn khiến dòng tiền của các doanh nghiệp dần cạn kiệt, rơi vào khủng hoảng triệt để.

Doanh nhân Lâm Minh Chánh, nhà sáng lập trường Quản trị kinh doanh BizUni, đồng sáng lập Group Quản trị & Khởi nghiệp cho biết, cộng đồng startup bị tổn thương nhiều nhất trong đại dịch.

Trong bối cảnh khủng hoảng, theo ông Chánh, các startup trước hết phải làm sao để tồn tại, thậm chí phải tính đến bài toán "xóa bàn cờ, chơi lại từ đầu". Dòng tiền của các startup kể cả chưa có dịch xảy ra cũng chỉ giống kiểu chạy chợ, tháng nào xào tháng đấy. Họ không có nguồn vốn vay và cũng chưa gọi thêm được vốn nên phụ thuộc chủ yếu vào dòng tiền từ vốn lưu động trong kinh doanh. Vì thế kinh doanh chậm lại thì quá khó cho họ.

Ông Lâm Minh Chánh, nhà sáng lập trường Quản trị kinh doanh BizUni

Ông Lâm Minh Chánh, nhà sáng lập trường Quản trị kinh doanh BizUni

"Nguy hiểm nhất là các bạn cứ nghĩ khởi nghiệp là thành công, nên dồn hết tiền tài của cả cá nhân và gia đình vào. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gần như không biết quan hệ với ngân hàng, mua bán không rõ ràng về hóa đơn. Trong khi đó, phải minh bạch về giao dịch mới có thể làm việc với ngân hàng, vẫn phải có nội lực", ông Chánh nhận định tại tọa đàm trực tuyến: “Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp thời khủng hoảng” do TheLEADER phối hợp với Tập đoàn TTC, John&Partners, Base.vn đồng tổ chức.

Đại dịch như thiên nga đen, bất ngờ và không dự đoán được, tác động cực lớn. Với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ảnh hưởng trực tiếp như ngành ăn uống, du lịch… dòng tiền vô cùng khó khăn.

Nếu không có nội lực, hỗ trợ của chính phủ hay gia đình cũng chỉ kéo dài sự sống vài tháng, kể cả có dòng tiền 3-6 tháng cũng không giải quyết được gì. Ông Chánh cho biết, hiện khoảng 60-70% startup đứng trước nguy cơ phá sản, còn lại số ít startup bài bản may ra sống sót.

Doanh nghiệp có hai nguồn vốn vay ngân hàng và vốn đầu tư, startup thì không tiếp cận được hai nguồn vốn này. Việt Nam thiếu những nhà đầu tư thiên thần, các quỹ mạo hiểm, mới chỉ nhỏ lẻ chứ chưa hình thành đội ngũ, nên giới khởi nghiệp thiếu cả vốn vay và vốn góp.

"Hơn lúc nào hết các bạn phải suy nghĩ, nếu cần phải xóa bàn cờ, startup lại từ đầu. Đại dịch cũng giúp một số startup khó khăn mà sĩ diện chưa muốn đóng cửa, nhờ Covid-19 đóng luôn", ông Chánh nói.

Với 20 năm tương tác với các tập đoàn đa quốc gia về quản trị dòng tiền, TS. Ngô Công Trường - Chủ tịch Công ty Tư vấn & giáo dục John&Partners cho rằng, đối với các doanh nghiệp đây là lúc phải thay đổi về chiến lược, mô hình quản trị để thiết kế dòng tiền mới vì trong đại dịch, mọi thứ đều không thể chắc chắn được.

TS. Ngô Công Trường

TS. Ngô Công Trường

Cộng đồng startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó cả về doanh thu và chi phí. Không bán được hàng nhưng vẫn cần tiền về, vay ngân hàng không được, phải lấy lương khô, tức tiền tiết kiệm ra xài. Phải rút máu mình trước, rút chi phí xuống hết mức có thể. Nếu khó quá thì dẹp đi, bỏ luôn, có thể lời khuyên rất phũ phàng nhưng đừng ngại cắt lỗ, startup lại từ đầu.

Các tập đoàn đa quốc gia cũng khó khăn không kém, chỉ số kinh doanh 3 tháng giảm liên tục. Không riêng gì ở Việt Nam, công ty đa quốc gia nào có bản kế hoạch duy trì quản trị rủi ro thì dễ dàng vượt qua, còn nếu chưa thì cũng rất khó khăn.

Chia sẻ về kinh nghiệm ứng phó với khủng hoảng, ông Trường cho biết, các công ty đa quốc gia có nhiều kịch bản khác nhau. Một số tập đoàn lớn Việt Nam đang chia nhỏ mình ra thành những công ty nhỏ hơn để chạy nhanh hơn.

Một số tập đoàn kinh doanh nhu cầu thiết yếu vẫn phát triển, đây là thời điểm tốt nhất để rà soát, tối ưu lại hệ thống, chuẩn hóa kỹ năng để khi quay lại sẽ chiến đấu khỏe hơn. Thông điệp từ hội nghị kinh tế toàn cầu cho rằng đây là thời kỳ vàng để làm huấn luyện. Nguy hiểm ai cũng giống nhau, vấn đề là có nhìn ra cơ hội không? Một số mô hình kinh doanh mới, giải pháp mới sẽ ra đời. Ví dụ như Amazon tận dụng rất tốt cơ hội này để chuyển đổi số, sắp tới sẽ thấy người người, nhà nhà làm số hóa.

Ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc ACB Bakery, cha đẻ của bánh mì thanh long chia sẻ, trong thời điểm cao trào của dịch, đi miền Tây thăm một số nông dân bán sầu riêng, thanh long, biết 300 container sầu riêng, thanh long đang không xuất đi được. Nếu mua về cho công nhân ăn để giải cứu thì cũng chỉ được 1-2 tấn, không lâu dài.

Ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc ACB Bakery

Ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc ACB Bakery

Được sự ủng hộ của các con, sau nhiều lần thử nghiệm làm bánh mì thanh long, bánh sandwich sầu riêng, khắc phục những khiếm khuyết thành công, ABC đã tung ra thị trường và được bà con đón nhận nồng nhiệt, tạo nên dòng tiền mới cho ABC, vừa giúp bà con nông dân nâng giá thanh long. Chỉ sau 10 ngày khi hai sản phẩm mới tung ra, giá thanh long từ 5-6 ngàn đồng/kg đã tăng lên 30 ngàn đồng/kg thanh long.

Đặc biệt, ABC đã tung công thức này công khai lên mạng, hy vọng mọi người có thể làm được bánh mì thanh long. "Tôi cũng đang nỗ lực thêm để kết hợp giữa bánh với các loại trái cây khác nữa, nhằm phát triển thêm những dòng sản phẩm mới mang đặc trưng của nông nghiệp Việt Nam, trở thành văn hóa ẩm thực của Việt Nam”, ông Lực nói.

Đánh giá về hiệu quả của các gói hỗ trợ doanh nghiệp, chuyên gia tài chính ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, điều cần nhất để dòng tiền đưa đến đúng địa chỉ là phải chảy vào chỗ đang yếu nhất nhưng lại có cơ hội phục hồi nhanh nhất sau đại dịch, nhằm tạo ra dòng tiền nhanh nhất, đó là du lịch và xuất khẩu.

“Tình hình dịch nằm trong chuỗi cứ vài năm sẽ tái lại, chúng ta không còn cách nào khác là phải sống chung với dịch thôi. Một số doanh nghiệp tôi quen vẫn sản xuất, xuất khẩu, trả lương đầy đủ cho nhân viên, có doanh nghiệp giảm bớt nhân sự, có nơi cho nghỉ 100%.

Việt Nam nhờ quản lý dịch bệnh tốt nên tâm lý mọi người không quá bi quan nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rất đang rất nguy hiểm, cần được Nhà nước bảo trợ. Hàng không dự kiến 2020 sẽ lỗ rất nặng, mất 5 năm mới phục hồi. Ngành du lịch nội địa còn ngắc ngoải, du lịch quốc tế không biết chừng nào mới phụ hồi. Nếu cứ để tình trạng này diễn biến thì rất nguy hiểm", ông Sơn nhìn nhận.

Đối với các gói cứu trợ doanh nghiệp, ông Sơn cho rằng, gói cứu trợ chính phủ rất cần thiết, nhất là ngành du lịch trong tương lai, để mang lại dòng tiền nhanh nhất khi đại dịch qua đi. Tuy nhiên, cần phải xem xét tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì đây là khối sử dụng nhiều lao động nhất, nếu để con số thất nghiệp tăng thì sức mua sẽ giảm, ngay cả sản xuất nội địa cũng bị ảnh hưởng.

Các gói hỗ trợ phải đến đúng địa chỉ, giống như các nước đang làm. Đây là thời chiến, phải hành xử giống như thời chiến. Không biết Mỹ hay EU sẽ phục hồi thế nào, nhưng không thể không có cứu trợ. Chúng ta đã có ủy ban chống dịch, phải có ủy ban cứu trợ doanh nghiệp để xem xét cụ thể từng trường hợp đang ở trong tình trạng nào, cần hỗ trợ ra sao.

Đối với các doanh nghiệp đang kiệt quệ muốn huy động vốn, theo ông Sơn: “Đang kiệt quệ mà huy động vốn thì phải xem lại. Với hệ thống ngân hàng, vay nợ là phải trả, muốn trả thì làm ăn phải hiệu quả. Thị trường tài chính hiện nay không đáp ứng được yêu cầu vay vốn, vay nợ của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn tiếp cận nguồn vốn chung của xã hội.

Ở các nước có hệ thống những ngân hàng đầu tư phát triển tách ra khỏi ngân hàng tín dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển, có HTX tín dụng, những quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ… phục vụ nhu cầu đa dạng của từng doanh nghiệp, từng loại quy mô khác nhau”.

Trong bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội lúc nào cũng có thể xảy ra, thúc đẩy thương mại điện tử, chuyển đổi số được các chuyên gia khuyến nghị như một nền tảng vững chắc để tạo ra dòng tiền cho doanh nghiệp thời khủng hoảng.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn

Chuyên gia tài chính ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn, sắp tới mảng cho thuê văn phòng và cửa hàng sẽ suy giảm, thương mại điện tử, bán hàng online sẽ lên ngôi, khiến cho thị trường này thu hẹp. Hơn lúc nào hết doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư nền tảng công nghệ số để duy trì dòng tiền ngay trong và sau đại dịch. Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn trọng tiền mặt, đây là cản ngại lớn nhất cho thương mại điện tử, cần có thời gian để chuyển tiếp.

Ông Kao Siêu Lực cho biết, hiện sản phẩm của ABC cũng đang chuẩn bị để bán online, hiện nay thuê mặt bằng rất nặng, tiến hành bán trên mạng sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí. ABC trong tương lai hy vọng bán online sẽ mạnh hơn.

Ông Lâm Minh Chánh, người từng có kinh nghiệm làm sàn chứng khoán, làm online cũng cho rằng Việt Nam còn cơ hội rất lớn để phát triển online, đó là kênh phân phối không bị suy giảm vì đại dịch, mà trái lại phát triển mạnh mẽ hơn, tạo nên dòng tiền. Dư địa của thị trường thương mại điện tử còn rất lớn, tuy nhiên người trả tiền bằng thẻ hay thương mại trực tuyến còn ít, người Việt vẫn phụ thuộc vào tiền mặt. Thói quen tiêu dùng, niềm tin, hệ thống quản trị đang ảnh hưởng đến sự phát triển của thương mại điện tử.

Kim Yến

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nhung-bai-hoc-ve-quan-tri-dong-tien-trong-dai-dich-1589478165802.htm