Những bài viết làm 'nóng' nghị trường

Những vụ việc thương tâm, quặn thắt lòng người, dù xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào, người làm báo vẫn sẵn sàng xả thân, có mặt tại hiện trường, truyền tải thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất. Những dòng thông tin thời sự nóng bỏng, được đưa tin trực tiếp từ hiện trường chính là 'chất liệu' cho đại biểu Quốc hội đưa vào thảo luận, tranh luận sôi nổi trong nghị trường cũng như bên hành lang Quốc hội.

Lay động lòng người

Là một đại biểu dân cử làm việc trong ngành y, chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, Phó Trưởng ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà còn nhớ lắm tinh thần dấn thân của người làm báo trong thời điểm diễn ra đại dịch COVID-19. Chính tinh thần xả thân, luôn có mặt tại những điểm nóng đã kịp thời có được những bài viết, hình ảnh vô cùng chân thật, lay động lòng người về những khó khăn, vất vả của những y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà trao đổi với các phóng viên trong chuyến đi kiểm tra thực tế tại cơ sở khi còn giữ chức Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: T.L

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà trao đổi với các phóng viên trong chuyến đi kiểm tra thực tế tại cơ sở khi còn giữ chức Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: T.L

“Những bài viết tại các ổ dịch đã khơi gợi niềm tự hào dân tộc, truyền cảm hứng cho cử tri cả nước, đồng thời cũng được các đại biểu dân cử đưa ngay vào nghị trường Quốc hội để thảo luận. Từ đó, Quốc hội đã ban hành hàng loạt các chính sách thiết thực, hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho người dân”, bà Hà nhớ lại.

“Với đại biểu Quốc hội, báo chí là nguồn thông tin vô cùng quan trọng, vừa đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời, chi tiết và chứa nhiều thông tin về quan điểm, ý kiến dư luận. Những thông tin này giúp đại biểu Quốc hội bồi đắp thêm những đánh giá thực tiễn về các vấn đề nóng của xã hội, quan điểm nhiều chiều của dư luận, từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị giải pháp để giải quyết vướng mắc, khó khăn và những bức xúc của người dân”.

Bà Trần Thị Nhị Hà

Cũng chính từ những bài viết rất sâu sắc về tình trạng thiếu thuốc, vật tư ở các cơ sở y tế đã làm “nóng” nghị trường. Cả trên diễn đàn Quốc hội cũng như bên lề kỳ họp, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, với rất nhiều sáng kiến được đưa ra. Rồi cuối cùng, Quốc hội đã ban hành nhiều giải pháp chưa từng có trong tiền lệ để giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra.

Theo bà Hà, Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch, không khí thảo luận ngày càng sôi nổi, dân chủ và thẳng thắn. Nhiều cuộc tranh luận “nảy lửa” tại nghị trường về những vấn đề nóng của xã hội, được cử tri đặc biệt quan tâm. Từ những vấn đề lớn như thiên tai, dịch bệnh, phòng chống tham nhũng, đến quy định về nồng độ cồn, hay bộ phim gây tranh cãi… Chính những thông tin thời sự nóng bỏng, được báo chí đưa tin trực tiếp từ hiện trường, đã trở thành chất liệu cho đại biểu Quốc hội thảo luận tại nghị trường.

Cạnh đó, những bài “bút sắc” còn truyền tải rất kịp thời mong muốn, nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của cử tri đối với các dự án luật, các vấn đề quan trọng của đất nước. Báo chí không chỉ là kênh tạo lập, định hướng và hướng dẫn dư luận mà còn là công cụ hữu hiệu để giám sát, kiểm soát quyền lực, thúc đẩy cơ quan Nhà nước thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, giải quyết những vấn đề bất cập trong xã hội.

“Là đại biểu Quốc hội, tôi khẳng định rằng, rất nhiều vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của quần chúng nhân dân, được đưa vào chương trình nghị sự luôn dựa vào nguồn tư liệu phong phú từ báo chí. Báo chí đang thực sự là cầu nối đặc biệt giữa đại biểu Quốc hội với cử tri và nhân dân. Thực tế đã chứng minh, báo chí đã, đang đưa hơi thở cuộc sống vào trong Quốc hội bằng những thông tin cụ thể, mô tả sống động, nhận định đa chiều, giúp Quốc hội, đại biểu Quốc hội nắm bắt kịp thời diễn biến của đời sống xã hội”, bà Hà chia sẻ.

Nữ đại biểu Quốc hội kỳ vọng, báo chí sẽ luôn chủ động, tích cực phản ánh kịp thời những vấn đề còn tồn tại trong cuộc sống, đi sâu vào những vấn đề dân sinh nóng bỏng để phân tích, lý giải, cung cấp những góc nhìn đa chiều của cuộc sống; luôn đồng hành với Quốc hội, để cử tri, nhân dân ngày càng hiểu, ủng hộ các quyết sách, hình thành mối quan hệ mật thiết giữa Quốc hội và nhân dân.

“Sống được bằng nghề”

Cũng là một đại biểu quen thuộc, gần gũi với người làm báo, bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ thường xuyên trao đổi, trả lời về những vấn đề nóng xảy ra trong đời sống xã hội. Gần đây, rất nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra, như trẻ em bị bỏ quên trên xe đưa đón, trẻ em bị xâm hại, ngược đãi, hay những vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người chết…

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp. Ảnh: Đ.N

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp. Ảnh: Đ.N

Dù vụ việc xảy ra ở bất cứ đâu, hay bất cứ thời điểm nào, người làm báo đều dấn thân, lập tức có mặt tại hiện trường để ghi chép, phản ánh, lột tả rất tỷ mỉ, chân thực sự việc đang diễn ra. Trò chuyện với PV Tiền Phong, ông Tạ Văn Hạ ấn tượng sâu sắc vào thời điểm phong tỏa khi diễn ra đại dịch, hay khi Biển Đông “dậy sóng”, mỗi nhà báo trở thành một chiến sĩ cách mạng, xung kích. Cũng không ít phóng viên đã đi vào tận “hang ổ”, tìm hiểu, điều tra, lôi ra ánh sáng những góc khuất, tệ nạn, tiêu cực đang xảy ra trong đời sống.

“Nguy hiểm lắm chứ! Không chỉ bản thân, ngay cả người thân trong gia đình còn bị ảnh hưởng, đe dọa. Dịch bệnh hoành hành, không từ một ai cả. Lao vào điểm nóng, hoàn toàn có thể bị nhiễm vi rút, nhưng người làm báo vẫn quên đi hiểm nguy, đặt nhiệm vụ chính trị lên hàng đầu, để đưa những tin tức nhanh, nhạy, kịp thời nhất”, ông Hạ bày tỏ.

“Báo chí luôn là kênh thông tin rất quý, không thể thiếu để đại biểu có thể cập nhật thông tin liên tục, nhanh nhất, nhiều nhất. Từ đó có chọn lọc, đưa được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong cuộc sống, còn khúc mắc, phục vụ cho hoạt động giám sát, chất vấn và hoàn thiện chính sách pháp luật”.

Ông Tạ Văn Hạ

Theo đại biểu, tình cảm trong mỗi con người đều có, nhưng nếu không nắm được thông tin, không đến được tận nơi, thì mỗi bài báo khó giúp độc giả, công chúng hiểu và nắm bắt rõ hơn vấn đề. Nhưng điều quan trọng hơn đó là niềm tin, tình cảm của bạn đọc, người đại biểu nhân dân dành cho những bài báo cũng như chính nhà báo đó, vì mỗi dòng tin đều có sự thanh lọc, kiểm chứng.

“Đọc vụ cháy thương tâm xảy ra trong đêm, hay đứa trẻ không qua khỏi khi bị bỏ quên trên ô tô, tôi đã mất ngủ, ám ảnh nhiều ngày. Những bài viết, hình ảnh xúc động tại hiện trường đã lay động lòng người, đánh thức lòng trắc ẩn, kéo chúng ta gần lại nhau hơn. Nhiều người đã ủng hộ, quyên góp, mong gia đình người thân vượt qua nỗi đau mất mát. Còn với đại biểu Quốc hội, luôn phải suy nghĩ, tìm giải pháp để mong bịt lỗ hổng về pháp lý”, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật chia sẻ với phóng viên.

Theo đại biểu Quốc hội, người làm báo thực sự đã đồng điệu trong hơi thở và nhịp đập của cuộc sống. Điều đó càng làm cho tính lan tỏa của thông tin lên được tới đỉnh cao nhất. Không chỉ phản ánh đơn thuần, chính cảm xúc của người làm báo ẩn trong mỗi bài viết đã góp phần lan tỏa đến không chỉ với đại biểu Quốc hội, mà còn chạm đến trái tim cử tri, nhân dân và trong toàn xã hội.

Nhân dịp này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng gửi gắm, kỳ vọng vào bản lĩnh, ý chí của người làm báo, có thể định hướng và dẫn dắt được dư luận, phản biện kịp thời những luận điệu sai trái. Nhưng đồng thời, báo chí cũng cần được tạo điều kiện mọi mặt, để có thể sống được bằng nghề; cần tạo hành lang pháp lý vững chắc để báo chí ngày càng phát triển, trở thành món ăn tinh thần bổ ích, không thể thiếu được trong đời sống hằng ngày.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-bai-viet-lam-nong-nghi-truong-post1647167.tpo