Những bản án sơ thẩm khó hiểu

Tòa phúc thẩm không ít lần buộc phải sửa án vì phán quyết sơ thẩm sai và chứa nội dung rườm rà, không cần thiết

Xử phúc thẩm mới đây, TAND TP HCM tuyên bố sửa một phần bản án sơ thẩm vụ án Mai Hoàng Ðậm (SN 1991) phạm tội "Ðánh bạc". Cơ quan xét xử phúc thẩm chỉ ra nhiều sai sót ở cấp sơ thẩm.

"Biến" nhân thân thành tiền án

Xử sơ thẩm, TAND quận Thủ Ðức (nay là TP Thủ Ðức, TP HCM) xác định năm 2011, Mai Hoàng Ðậm bị phạt 5 tháng tù giam về tội "Trộm cắp tài sản". Bị cáo chưa đóng án phí, hình phạt sung công trong vụ án này. Từ đó, cấp sơ thẩm kết luận ở vụ án đánh bạc, bị cáo phạm tội thuộc trường hợp tái phạm. Ðó là căn cứ tòa sơ thẩm sử dụng khi phán quyết 9 tháng tù giam.

Các bị cáo trong đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả ra tòa phúc thẩm

Các bị cáo trong đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả ra tòa phúc thẩm

Tuy nhiên, cơ quan công tố đưa ra tài liệu chứng minh nhận định đó không hợp lý. Cơ quan có trách nhiệm thi hành án vụ án trộm cắp tài sản xác nhận gia đình bị cáo đóng án phí trước khi TAND quận Thủ Ðức đưa vụ án đánh bạc ra xét xử. Ðối chiếu luật định với trường hợp này, VKSND TP khẳng định bị cáo Ðậm đã được xóa án tích (do bản án hết hiệu lực từ năm 2016). Rất lâu sau, cơ quan thi hành án mới ban hành quyết định thi hành án. Việc bị cáo chưa đóng án phí xuất phát từ nguyên nhân cơ quan thi hành án dân sự chưa nhận bản án để thi hành.

Ðồng tình, HÐXX phúc thẩm cho rằng tòa sơ thẩm làm ảnh hưởng đến quyền nhân thân bị cáo khi xác định bị cáo tái phạm. Việc bị cáo thụ án trong vụ án trộm cắp tài sản hiện chỉ là phần nhân thân, không phải tiền án. Dù đồng ý với mức án sơ thẩm nhưng tòa phúc thẩm sửa nội dung liên quan đến tình tiết tái phạm.

Chỗ sai, chỗ thừa...

Tương tự, TAND TP HCM mới quyết định sửa bản án sơ thẩm vụ án Nguyễn Phúc Kim Long (SN 1997) tàng trữ trái phép chất ma túy.

HÐXX phúc thẩm xét thấy tòa sơ thẩm còn nhiều thiếu sót. Ðơn cử, bản án sơ thẩm không có số, ngày-tháng-năm phát hành cáo trạng. Hơn nữa, phán quyết sơ thẩm "bỏ quên" trách nhiệm bồi thường dân sự; nhưng nội dung thi hành án dân sự lại xuất hiện ở phần quyết định trong bản án (trách nhiệm, thời hiệu thi hành án dân sự…).

Bị cáo Long lãnh 3 năm 6 tháng tù giam về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy" tại tòa sơ thẩm, mặc dù người giữ quyền công tố chỉ đề nghị khung hình phạt từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm 6 tháng tù. Trước đó, Công an quận Bình Tân, TP HCM bắt quả tang Long cất giấu ma túy tổng hợp trong phòng trọ. Bản án do TAND quận Bình Tân ban hành vướng kháng nghị từ VKS cùng cấp, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại tòa phúc thẩm, HÐXX nhận xét bị cáo có 2 tình tiết giảm nhẹ, lại không có tình tiết tăng nặng. Cơ quan chức năng xác nhận khối lượng ma túy bị cáo tàng trữ (ở thể rắn) ít hơn khối lượng ma túy quy định tại tình tiết định khung hình phạt (điểm g khoản 1 điều 249 Bộ Luật Hình sự quy định hành vi tàng trữ các chất ma túy khác ở thể rắn khối lượng từ 1 g đến dưới 20 g có khung hình phạt từ 1-5 năm tù). Xem xét tình tiết giảm nhẹ cùng tính chất, mức độ phạm tội, TAND TP HCM đủ căn cứ giảm hình phạt xuống còn 2 năm 6 tháng tù giam.

Án phạt "không xứng"

TAND TP HCM vừa nhận quyết định kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả do bị cáo Trương Chí Thành (SN 1991) cùng 4 đồng phạm thực hiện.

Xử sơ thẩm, TAND TP HCM phạt bị cáo Thành 8 năm tù về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả". Là đồng phạm, Trần Xuân Nam và Nguyễn Thị Lệ Uyên mỗi người lãnh 3 năm tù giam, cùng về tội "Sản xuất hàng giả". Cáo buộc tội danh "Buôn bán hàng giả", TAND TP phạt Phạm Thanh Truyền 7 năm tù, Ðặng Lê Duy 3 năm tù giam. Các bị cáo tổ chức sản xuất, buôn bán bao cao su, gel bôi trơn giả, gắn nhãn mác nhiều nhãn hiệu nổi tiếng. Số hàng giả cơ quan chức năng thu giữ có giá trị tương đương hàng thật gần 6,8 tỉ đồng.

Theo kháng nghị, tòa sơ thẩm áp dụng mức hình phạt không nghiêm. Cấp sơ thẩm vi phạm khi quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt cũng như vi phạm quy định pháp luật về xử lý vật chứng. Hồ sơ thể hiện Thành sản xuất, buôn bán hàng giả có giá trị tương đương hàng thật gần 6,4 tỉ đồng, gấp 12 lần số tiền định khung hình phạt. Thế nhưng cấp sơ thẩm chỉ phạt bị cáo 8 năm tù. Hình phạt này không tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả mà hành vi phạm tội gây ra. VKSND Cấp cao tại TP HCM nêu rõ Nam và Duy không chỉ là đồng phạm giúp sức tích cực mà còn trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Chỉ có một tình tiết giảm nhẹ nên 2 bị cáo không đủ điều kiện lãnh mức án dưới mức thấp nhất trong khung hình phạt. Trong trường hợp này, TAND TP HCM xử phạt những bị cáo trên dưới mức án tù thấp nhất trong khung hình phạt là chưa thỏa đáng. Cơ quan công tố nhận định bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự.

Từ những lẽ trên, VKSND Cấp cao tại TP HCM đề nghị cơ quan có thẩm quyền xét xử phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt đối với 3 bị cáo gồm: Nam, Duy, Truyền. Ðồng thời, kháng nghị tòa phúc thẩm không áp dụng tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt đối với Nam và Duy.

Có tang vật mà không xử lý

Trong vụ án Trương Chí Thành và đồng phạm, cơ quan công tố chứng minh cấp sơ thẩm bỏ qua phần xử lý vật chứng. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng thu giữ nhiều công cụ, phương tiện, máy móc dùng để sản xuất, đóng gói hàng giả. Dù vậy, bản án sơ thẩm không liệt kê chủng loại, số lượng cũng không hề đề cập việc xử lý những vật chứng trên.

Bài và ảnh: Di Lâm

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/nhung-ban-an-so-tham-kho-hieu-20210308204450222.htm