Những 'bàn đạp' của không quân Mỹ dùng để vây Iran
Theo các chuyên gia quân sự, trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự với Iran, không quân Mỹ có thể tiến hành không kích đồng thời hoặc theo đợt trên 6 hướng.
Từ căn cứ Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ)
Mục tiêu là công trình hạt nhân ở thành phố Tabriz và Trung tâm Nghiên cứu sử dụng năng lượng hạt nhân trong nông nghiệp ở thành phố Bonap, cách Tabriz 80km về phía bắc.
Do căn cứ Incirlik chủ yếu bố trí máy bay chiến đấu F-16, nên các cuộc không kích sẽ không đủ khả năng hủy diệt hoàn toàn công trình hạt nhân ở Tabriz. Tuy nhiên, cũng tại căn cứ này còn bố trí máy bay tiếp dầu trên không KC-10 và máy bay cảnh báo sớm E-3.
Điều này sẽ để ngỏ khả năng sử dụng máy bay ném bom B-52 xuất kích từ sân bay Fieldfut ở Anh, sau khi được tiếp dầu trên không và máy bay F-16 hộ tống, bay thẳng đến các thành phố Tabriz, Bonap và ném bom khoan sâu có điều khiển chính xác xuống các mục tiêu.
Từ căn cứ ở Trung Á
Mục tiêu là các công trình hạt nhân ở Qazvin, Chalussh, Nika, Kolez phía Tây Bắc Tehran và Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân trong thành phố Tehran.
Riêng đối với Tehran, khả năng trực tiếp tiến vào từ hướng Tây Bắc là rất nhỏ, do nơi đây bố trí lực lượng phòng không. Máy bay Mỹ sẽ bay từ hướng biển Caspi. Muốn phá hủy triệt để những mục tiêu này, Mỹ cũng có thể sử dụng cùng lúc máy bay chiến đấu bố trí ở Incirlik.
Từ hướng Iraq
Cất cánh từ sân bay Baghdad, các máy bay Mỹ sẽ triển khai thành 2 biên đội nhỏ. Biên đội 1 công kích nhà máy nước nặng Arak, 2 công trình hạt nhân ở Esfahan và đại học Esfahan có rất nhiều thiết bị nghiên cứu hạt nhân ở phòng thí nghiệm.
Mục tiêu công kích của biên đội số 2 là công trình làm giàu urani ở thành phố Nataz, mỏ urani ở Sakunder, mỏ urani và công trình cơ sở hạt nhân ở Yazd.
Cũng không loại trừ khả năng Mỹ sử dụng máy bay B-1B, B-2A, B-52 để ném bom các mục tiêu ở Nataz. Những máy bay này sẽ sử dụng bom khoan GBU-43/B dài 9m, nặng 10 tấn, được gọi là “Mẹ của bom”, chuyên dùng để phá hủy các công sự bê-tông ở sâu dưới lòng đất.
Từ Baghram (Afghanistan)
Lực lượng máy bay chiến đấu F-15E thuộc Liên đoàn viễn chinh trên không số 455 sẽ công kích công trình hạt nhân ở thành phố Tabas, giáp với biên giới Afghanistan.
Do Tabas rất gần biên giới Afghanistan nên trước khi tập kích, Mỹ sẽ phái các nhóm nhỏ tác chiến đặc biệt thâm nhập để phá hoại các công trình hạt nhân ở đây. Nếu Mỹ quyết định phái lực lượng mặt đất tiến vào Iran, thì Tabas sẽ bị đánh chiếm đầu tiên.
Từ tàu sân bay ở vịnh Ba Tư
Mục tiêu là nhà máy điện hạt nhân Bushehr và Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân ở Fashah. Máy bay được sử dụng sẽ là Super Hornet F/A-18E/F.
Loại máy bay này có bán kính tác chiến hơn 800km, mang hơn 4 tấn bom, sử dụng hỗn hợp các loại tên lửa, bom đạn không đối không và không đối đất. Trong đó có cả vũ khí thông minh gồm vũ khí liên hợp công kích trực tiếp và vũ khí liên hợp công kích ngoài vùng phòng thủ.
Nhiều máy bay từ nhiều hướng
Đó là máy bay B-52 từ căn cứ Fieldfut (Anh), B-2 từ căn cứ Missouri (Mỹ) và máy bay B-2A từ Qatar. Những máy bay này chủ yếu sử dụng bom khoan cỡ lớn, để phá hủy công sự kiên cố ngầm dưới đất, trọng điểm oanh tạc nhằm vào các công trình ngầm của Iran.
Nếu bị không kích đồng loạt và với quy mô lớn, các công trình hạt nhân của Iran có thể bị phá hủy toàn bộ. Nếu Iran phản kích, mục tiêu không kích của Mỹ sẽ không chỉ là công trình hạt nhân mà còn gồm các thành viên lãnh đạo, bộ chỉ huy quân đội, các cơ sở tên lửa đường đạn, cho đến khi lật đổ được chính quyền Iran.
Khả năng đáp trả từ phía Iran
Tuy nhiên, nếu không kích Iran, lợi ích của Mỹ và đồng minh sẽ bị tổn thất nặng nề. Hiện Iran đã sở hữu tên lửa đất đối đất có tầm bắn tới 2.500km, có thể vươn tới một số quốc gia châu Âu.
Quân đội Iran cũng được trang bị 29 hệ thống tên lửa đất đối không tầm gần TOR-M1, bổ sung cho hệ thống phòng không tầm trung, tầm cao hiện có, có thể ngăn chặn những cuộc công kích kiểu “phẫu thuật” của không quân Mỹ.
Quan trọng hơn, hành động không kích của Mỹ sẽ dẫn đến sự chia rẽ trong nội bộ NATO, kích động một cao trào chống Mỹ mới, khiến cho cục diện vốn đã mất ổn định ở khu vực Trung Đông càng thêm phức tạp, hậu quả khó lường.