Những bản làng hồi sinh sau lũ
Sau nhiều năm, những bản làng từng bị thiên tai, lũ lụt tàn phá nay đã khoác lên màu áo mới. Một sức sống mãnh liệt đang hồi sinh ở vùng đất 'chết'.
Gượng dậy sau thiên tai, lũ lụt, nhờ những nỗ lực, quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chung tay của các cấp, các ngành, những tấm lòng hảo tâm và người dân cả nước, người dân sinh sống ở các bản làng từng chịu ảnh hưởng của “cơn đại hồng thủy” ngày ấy nay đã hồi sinh kỳ diệu. Một diện mạo mới đầy sức sống đang hiện hữu với những ruộng lúa xanh mướt, những ngôi nhà kiên cố, khang trang ở khu tái định cư (TĐC) mới.
Trận lũ kinh hoàng năm 2018 gây ảnh hưởng nặng nề cho các hộ dân sinh sống tại bản Co Me, xã Trung Sơn (Quan Hóa). Giữa tháng 6-2021, chính quyền đã xây dựng khu TĐC và hỗ trợ 37 hộ dân di dời đến nơi ở mới. Sau ngần ấy năm, vùng đất ấy nay đã “hồi sinh”. Tiếp chúng tôi, Trưởng bản Phạm Bá Hoán phấn khởi: "Co Me hiện có 149 hộ với 467 nhân khẩu, riêng khu TĐC có 64 hộ đang sinh sống. Đồng bào Thái chiếm trên 90%. Sau trận lũ năm đó, cuộc sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn, dân vốn đã nghèo lại càng nghèo. Song, Nhà nước đã kịp thời hỗ trợ nhà ở, xây dựng khu ở mới cho các hộ dân, từ đó các hộ được an cư lạc nghiệp. Bên cạnh làm kinh tế từ rừng, các hộ dân được tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao thu nhập. Nhiều nhà có cuộc sống khá hơn trước, mua được xe máy, tivi, tủ lạnh, máy xay xát lúa. Điều đáng mừng, ở bản Co Me, trước từng là địa bàn phức tạp về ma túy của xã, có thời điểm ghi nhận khoảng 50 – 60 người nghiện, nhờ sự tham gia phối hợp của người dân trong tố giác tội phạm, đến nay bản chỉ còn 2 đối tượng nghiện ma túy.
Khác với sự tan hoang, đổ nát chúng tôi từng chứng kiến khi cơn lũ quét đi qua hồi tháng 8-2019, bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn) nay đã đổi thay kỳ diệu với con đường bê tông vào bản, những ngôi nhà kiên cố, khang trang ở khu TĐC, xa xa là những cánh đồng lúa, rừng vầu, rừng luồng xanh ngát. Vượt qua những đau thương, mất mát, người dân nơi đây vực lại tinh thần, nhanh chóng bắt tay vào kiến thiết xây dựng một cuộc sống mới, ấm no hơn.
Ông Lương Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Na Mèo cho biết, với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt, định hướng chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện, sự nỗ lực cố gắng của chính quyền địa phương, chung tay của cộng đồng, Sa Ná đã khắc phục hậu quả sau lũ, từng bước ổn định cuộc sống. 19 ngôi nhà xây và 32 ngôi nhà sàn ở khu TĐC được xây dựng trên đồi Pom Ngồ đã góp phần ổn định chỗ ở cho bà con. Nhờ các chính sách hỗ trợ, tuyên truyền, vận động thường xuyên, bà con đã thay đổi tư duy tích cực lao động, phát triển kinh tế.
Người dân khu TĐC bản Sa Ná đã chủ động chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, triển khai nhiều mô hình kinh tế, như: trồng rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, phát triển ngành nghề truyền thống. Làm tốt công tác phát triển rừng, kết hợp với khoanh nuôi, tái sinh bảo vệ rừng luồng, vầu, nứa, lát, xoan... ở các vùng đất trống, rừng nghèo để nâng cao thu nhập. Bản Sa Ná đã về đích nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020, đời sống bà con ổn định, kinh tế có bước phát triển rõ rệt. Hiện nay, khu TĐC có 51 hộ, chỉ còn 21 hộ nghèo, không còn hộ đói.
Mường Lát là một trong những huyện miền núi cao luôn chịu ảnh hưởng nặng nề vào mỗi mùa mưa bão. Nhằm sớm ổn định lâu dài đời sống Nhân dân vùng bị thiên tai, huyện đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành khảo sát, lựa chọn các vị trí đảm bảo an toàn để xây dựng các khu TĐC. Dự kiến giai đoạn 2020-2025, huyện xây dựng 8 điểm tập trung, với tổng diện tích 41 ha, bố trí cho 473 hộ với 2.426 nhân khẩu; 5 điểm TĐC liền kề cho 120 hộ/598 nhân khẩu; bố trí ổn định tại chỗ cho 130 hộ với 529 khẩu... Ngoài các khu TĐC đã và đang triển khai, huyện Mường Lát cũng đã đề xuất tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng các khu TĐC bản Na Sung (Mường Lý); bản Suối Lóng (Tam Chung); bản Tung và bản Ma Hác (Trung Lý); bản Lách và bản Ngố (Mường Chanh)...
Về xã Nam Động (Quan Hóa), chúng tôi đến thăm hộ gia đình chị Lương Thị Xuân, chị kể lại câu chuyện trước đây gia đình chị và 20 hộ khác nằm ở sát lòng suối Pông. Do ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, từ tháng 3-2021 dòng suối đã ăn sâu về phía nhà ở các gia đình. Nhận thấy nguy cơ sạt lở có thể xảy ra, từ giữa năm 2021, UBND huyện Quan Hóa đã quyết định đầu tư xây mới khu TĐC bản Lở để di dời các gia đình đến nơi ở an toàn. Chị Xuân cho biết: Từ khi chuyển tới khu TĐC gia đình tôi không lo bị sạt lở vào mùa mưa, nhất là lũ ống, lũ quét.
Đồng chí Hà Văn Thủy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Hóa chia sẻ: Bên cạnh việc triển khai đồng loạt các biện pháp phòng chống, ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra trong mùa mưa lũ, huyện luôn tập trung rà soát, sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đưa người dân đến nơi an toàn, nhằm ổn định và nâng cao đời sống người dân. Từ năm 2018 đến nay, huyện Quan Hóa có 7 khu TĐC được xây dựng. Dự kiến hết năm 2023 sắp xếp ổn định 1 khu TĐC ở bản Sậy (Trung Thành) cho 39 hộ dân, đồng thời, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để bà con ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất.