Những bản nhạc xanh tươi một thời về Trường Sa
Đã có một thời, rất nhiều ca khúc viết về Trường Sa với cùng một phong cách rất tươi tắn, hồn nhiên, trong sáng đậm chất lính đảo, được gọi là dòng âm nhạc: Khúc ca Trường Sa.
Đã có một thời, rất nhiều ca khúc viết về Trường Sa với cùng một phong cách rất tươi tắn, hồn nhiên, trong sáng đậm chất lính đảo, được gọi là dòng âm nhạc: Khúc ca Trường Sa. Đây là thời điểm cuối thập niên 70 và cả thập niên 80 của thế kỷ trước. Giai đoạn này, các hòn đảo còn hoang sơ. Với những người lính giữ đảo, họ thực sự là những người anh hùng giữa biển khơi trước thiên nhiên khắc nghiệt, quân thù rình rập. Hiện thực cuộc sống thời này được nhà thơ Trần Đăng Khoa miêu tả trong truyện “Đảo chìm” nổi tiếng rất chân thực, sống động, đầy cảm xúc.
Cùng với thơ văn, âm nhạc cũng dành cho Trường Sa những tình cảm lớn lao, chứa chan tình yêu của Tổ quốc với người lính, từ những nhạc sĩ nổi tiếng thời chống Mỹ như: Trọng Loan, Thuận Yến, Thế Song, Hồng Đăng... tới lớp trẻ như: Minh Quang, Ngọc Châu, Vũ Quang Trung, Hình Phước Long, Hình Phước Liên, Xuân An... Nhạc sĩ lão thành Trọng Loan có bài hát rất trẻ trung “Nếu em tới thăm đảo”: “Ở đảo xa xôi nơi đây tôi ước sao có một ngày người thương tôi sẽ tới. Trong gió reo biển khơi em thấy ngay đảo tôi cả một nước non tuyệt vời. Ở đảo xa xôi nơi đây vững vàng tay súng bảo vệ biên cương thiêng liêng tôi canh giữ biển trời…”. Tác giả của “Bài ca dâng Bác” nổi tiếng sáng tác bài hát này năm 1980 với niềm lạc quan vô bờ, có nét hồn nhiên trong sáng như những người lính trẻ đang bảo vệ đảo với cái tứ mời người yêu ra thăm đảo! Nhạc sĩ Thuận Yến càng hồ hởi, khí thế hơn khi sáng tác bài hát “Trường Sa tình yêu của tôi”: “Trường Sa xa xôi, là tình yêu của tôi. Đang neo giữa biển khơi, như bài ca không lời. Làm con chim bay, có biển rộng hôm nay. Tôi thấy những bàn tay, bàn tay vẫy gọi, mà lòng tôi đắm say...”. Bài hát được ca sĩ - NSND Hoàng Chè đoàn Quân khu 2 thể hiện với chất giọng nam cao trong veo thực sự ấn tượng với công chúng về dải đất Trường Sa đầy chất thơ lãng mạn mà hào hùng. Nhạc sĩ Vũ Quang Trung - con trai của nhạc sĩ Vũ Thanh cũng có một bài hát rất hay - “Những người lính trẻ đảo Trường Sa” vào năm 1987. Bài hát có phong cách pop rất hiện đại, được những ca sĩ nổi tiếng nhạc nhẹ như Thanh Lam, Mỹ Linh biểu diễn, được công chúng say mê. Nhạc sĩ Ngọc Châu có bài hát “Mùa xuân trên đảo”; nhạc sĩ Minh Quang có bài hát “Cây đàn ghi ta một dây” thể hiện sự hồn nhiên lạc quan của người lính trước khó khăn.
Giới văn nghệ sĩ đất Khánh Hòa đóng góp cho Trường Sa những bản nhạc không thua kém những nhạc sĩ tên tuổi khác. Giữa trào lưu tươi vui, rộn rã lạc quan thì “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long có phong cách gần bolero thực sự gieo vào lòng khán giả những cảm xúc thấm đẫm. Ca sĩ Anh Đào - người thể hiện đầu tiên bài hát này như nói hết được nỗi lòng mình mà nhạc sĩ tinh tế phát hiện ra: những khao khát, thương yêu, nhớ nhung của người phụ nữ, có thể là người vợ, người yêu của người lính đảo... Cho đến hôm nay, bài hát này “lấn át” các ca khúc cùng thời để trở thành ca khúc về Trường Sa hay nhất!
Năm 1984, nhạc sĩ Hình Phước Liên - khi đó là chàng trai hồn nhiên trẻ trung theo đoàn văn nghệ ra thăm đảo Trường Sa. Anh sáng tác liền 3 ca khúc, trong đó có bài rất hay mang âm hưởng hành khúc - “Bài ca người lính đảo”: “Chúng tôi là lính đảo Trường Sa... Chúng tôi là lính đảo Song Tử Tây”... Ca khúc này như “đảo ca” của đảo Song Tử Tây cho đến hôm nay.
Trong một chuyến đi tới đảo Phan Vinh, nhạc sĩ Xuân An được sinh hoạt, vui chơi với chiến sĩ và đặc biệt đón cơn mưa trên đảo. Thời điểm đó, nước ngọt quý hơn vàng nên cơn mưa làm cho chiến sĩ trên đảo vui mừng khôn xiết. Bài hát “Mưa Trường Sa” ra đời từ đó. Và không ai biểu diễn hay hơn người nhạc sĩ sáng tác ra với đệm là ghi ta thùng.
Thế đấy, chúng ra đã có một kho gia tài âm nhạc với chủ đề về Trường Sa rất có giá trị, được nghe những bản nhạc với âm thanh trong veo, long lanh như những giọt nắng, giọt mưa, giọt mồ hôi cùng giọt nước mắt của những người lính đảo thế hệ ban đầu anh hùng đứng hiên ngang trên sóng nước đại dương giữ gìn cho Trường Sa hôm nay.
Dương Trang Hương