NHỮNG BÀN TAY VÀNG CỦA NGÀNH Y (*): 'Cứu tinh' cho người liệt

Với bàn tay tài hoa, bác sĩ Nguyễn Cao Viễn đã hồi sinh nhiều cuộc đời tưởng chừng như rơi vào u ám, bi kịch vì không thể cười nói, ăn uống, đi lại sau những biến cố như phỏng, tai nạn giao thông, liệt mặt...

Trong lĩnh vực phẫu thuật vi phẫu tạo hình chấn thương chỉnh hình, khi nhắc đến bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Cao Viễn, Phó Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), có lẽ không đồng nghiệp nào là không biết và gọi ông với cái tên triều mến "Viễn liệt". Bởi lẽ, người bệnh đến với ông đa phần là những người liệt đủ thể loại.

Những mảnh đời được tái sinh

Sau một tai nạn, anh Nguyễn Văn Minh (quê Thanh Hóa) bị cứng khớp và mất toàn bộ da vùng đùi và cẳng chân nên không thể cử động gấp duỗi gối được. Không may bị tàn tật, ngoài nỗi đau thể xác, anh Minh lại thêm nỗi đau tinh thần khi vợ cũng bỏ đi để lại đứa con trai 3 tuổi. Sau nhiều năm đi qua rất nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội với mong muốn chân mình có thể đi đứng tự nhiên hơn một chút nhưng anh Minh vẫn vô vọng.

Tình cờ qua giới thiệu của một nhóm bạn bị liệt, anh đến TP HCM tìm gặp BS Viễn và hy vọng lóe lên. Anh Minh được BS Viễn mổ với phương pháp vi phẫu chuyển vạt da kèm theo tái tạo gân cơ, bao khớp gối, kết quả thành công ngoạn mục.

Sau 6 tháng tập luyện, anh Minh đã phục hồi được 80% chức năng của vùng gối, gấp duỗi gần như ban đầu. "Niềm hạnh phúc này gần như không thể tả nổi, tôi như được tái sinh một lần nữa" - anh Minh xúc động.

Theo BS Viễn, đây là trường hợp hết sức phức tạp do bệnh nhân trước đó đã mổ 7 lần tại Hà Nội; không còn da, cơ vùng cẳng chân và khớp gối nhiều, chỉ lớp cơ vùng giữa đùi lên tới bẹn còn nguyên. Vì vậy, việc phục hồi để đầu gối có thể co duỗi rất khó khăn. "Sau khi vi phẫu, tái tạo, kết quả hiện tại rất khả quan, người bệnh đã có thể đi làm việc kiếm tiền nuôi con" - BS Viễn chia sẻ.

Vi phẫu là một lĩnh vực khó khăn, đòi hỏi sự đam mê và lòng kiên trì của người bác sĩ (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Vi phẫu là một lĩnh vực khó khăn, đòi hỏi sự đam mê và lòng kiên trì của người bác sĩ (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tương tự, bi kịch cuộc đời ập đến với anh Nguyễn Văn Quang sau tai nạn lao động bỏng toàn thân. May mắn tính mạng được giữ lại được nhưng chuỗi ngày sau đó với anh Quang như là "địa ngục" bởi các di chứng: mất 70% khả năng lao động do cổ dính sát ngực, miệng không thể há to nên không thể ăn bình thường, cả hai bàn tay bị co rút không thể hoạt động, khuỷu tay và vai cũng bị co rút không thể dang cánh tay, 2 vành tai bị cắt...

"Tôi đã chịu đựng cảnh tàn tật khốn khổ này suốt 14 năm qua, gia đình cũng tan vỡ. Trong lần nhập viện vì gãy tay, tôi may mắn gặp bác sĩ Viễn và được ông vừa xin kinh phí hỗ trợ vừa trực tiếp mổ. Hiện cuộc đời tôi như đã tìm lại niềm vui sau 2 lần mổ. Vui nhất là ăn được tự nhiên, cổ không còn bị co rút nữa, khuỷu tay đã duỗi thẳng được, vai đã dang ra, cổ và bàn và các ngón tay đã hoạt động trở lại" - anh Quang kể.

Gieo hạnh phúc, trả nụ cười

Với người phụ nữ, ung thư vú đã là đau khổ nhưng sau phẫu thuật, di chứng phù tay lại là nỗi đau bất tận. Ấy vậy mà qua bàn tay tài hoa của BS Viễn, nỗi đau của họ đã vơi đi rất nhiều.

Điển hình là chị Nguyễn Thị Nguyệt, sau phẫu thuật đoạn nhũ do ung thư vú, chứng viêm mô tế bào liên tục tái đi tái lại, cánh tay trái cứ bị phù không thể làm việc. Chị Nguyệt đi cầu cứu ở nhiều bệnh viện nhưng không ở đâu nhận điều trị.

Cuộc đời của chị tưởng phải sống chung với đau đớn, khốn khổ cho đến khi chị gặp được BS Viễn. Với phương pháp vi phẫu chuyển hạch từ vùng bẹn xuống nối ghép vào cổ tay, sau 6-9 tháng, tay chị Nguyệt giảm phù nề đáng kể và tình trạng viêm mô tế bào không tái diễn.

BS Viễn cho biết tỉ lệ phù tay sau khi nạo vét hạch ung thư vú hoặc xạ trị chiếm khoảng 20%-30%. Để điều trị, phải dùng kỹ thuật vi phẫu chuyển vạt da có hạch kèm theo ở vùng bẹn, cằm, cổ hoặc dùng kỹ thuật siêu vi phẫu để nối bạch mạch và tĩnh mạch.

Những kỹ thuật này đòi hỏi sự khéo léo và tính kiên trì rất cao. Số bệnh nhân mắc chứng này khá nhiều nhưng vẫn chưa tiếp cận được nơi điều trị do kỹ thuật vi phẫu khá phức tạp. Hiện chỉ một vài bệnh viện triển khai kỹ thuật này. Riêng Bệnh viện Nhân dân 115 đã triển khai thường quy.

Ông Nguyễn Trung Quang suốt 50 năm qua sống khép kín, mặc cảm, tự ti vì tình trạng liệt mặt xệ một bên, giao tiếp khó khăn. Sau khi được phẫu thuật chuyển cơ thon từ đùi lên mặt có nối ghép vi phẫu mạch máu và thần kinh, khuôn mặt ông đã cân đối hơn xưa, đồng thời lấy lại được nụ cười sau hàng chục năm quên lãng.

BS Viễn cho hay liệt thần kinh số 7 hay còn gọi là liệt mặt có rất nhiều nguyên nhân, một số sẽ tự hồi phục tùy theo từng nguyên nhân, số còn lại không hồi phục. Với việc phẫu thuật chuyển, nối ghép thần kinh hoặc chuyển cơ để phục hồi chức năng dây thần kinh số 7 sẽ giúp cho người bệnh rất nhiều, quan trọng nhất là họ không còn mặc cảm và tự ti trong giao tiếp.

Vi phẫu: Chỉ đam mê chưa đủ!

Sinh ra từ một vùng quê tỉnh Đắk Lắk, từ nhỏ BS Viễn chứng kiến những khó khăn, trắc trở của người dân vùng cao khi muốn tiếp cận y tế. Thế là ông thi vào Trường Đại học Y Dược Huế với mong muốn góp sức nhỏ vào việc cứu người.

Ra trường năm 2003, ông vào TP HCM bắt đầu sự nghiệp và chọn vi phẫu làm hướng đi vì thấy lĩnh vực này đem nhiều điều hay cho cuộc sống. Sự nghiệp của người bác sĩ trẻ có tâm hồn nghệ sĩ này được nhiều chuyên gia tiền bối dìu dắt và tay nghề ngày càng thăng hoa nhờ đôi tay tài hoa.

BS Nguyễn Cao Viễn (thứ 3 từ phải qua) chụp ảnh cùng đồng nghiệp trong một lần chia sẻ chuyên môn tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

BS Nguyễn Cao Viễn (thứ 3 từ phải qua) chụp ảnh cùng đồng nghiệp trong một lần chia sẻ chuyên môn tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Người thầy đầu tiên định hướng BS Viễn là bác sĩ chấn thương chỉnh hình Võ Văn Toàn (giảng viên Đại học Tây Nguyên). Cầm tay chỉ việc cho ông là PGS-TS-BS Cao Thỉ (Bệnh viện Chợ Rẫy). Tiếp đến là sự dìu dắt của BS Võ Văn Châu (nguyên Trưởng Khoa Vi phẫu - Tạo hình Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, một trong những người đặt nền móng cho vi phẫu tại Việt Nam).

Về Bệnh viện Nhân dân 115, BS Viễn được Phó Giám đốc bệnh viện là TS-BS Nguyễn Đình Phú, lúc đó là Trưởng Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình, tin tưởng tạo điều kiện cho đàn em phát huy sở trường. Ông cũng được truyền đạt chuyên môn kỹ thuật khó bởi giáo sư người Pháp Rene Esser - người đi khắp thế giới để chia sẻ chuyên môn chỉnh hình các dị tật.

Theo BS Viễn, vi phẫu rất cần trong lĩnh vực ngoại khoa, ứng dụng rất rộng rãi nhưng đòi hỏi phải có sự kiên trì, tỉ mỉ. Để có được một bác sĩ vi phẫu lành nghề đòi hỏi thời gian đào tạo khá lâu, sự hy sinh tương đối lớn, bởi thời gian thực hiện một ca mổ vi phẫu thường rất dài, sự phục hồi của người bệnh rất chậm. "Người đam mê vi phẫu nhiều nhưng số lượng bác sĩ vi phẫu rất ít, bởi con đường này không dễ đi, nhất là với người trẻ. Một bác sĩ mất 12 năm đèn sách và muốn thành thạo vi phẫu phải thêm 5-10 năm" - BS Viễn nói.

Nhiều bệnh viện làm chủ được kỹ thuật vi phẫu

Quá trình vi phẫu nếu tự mò mẫm tìm đường sẽ rất lâu nếu không có người hướng dẫn. Với mong muốn lan tỏa lĩnh vực này, BS Viễn không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn cũng như đào tạo chuyển giao tại chỗ. Ông mời những bác sĩ ở khu vực lân cận TP HCM có niềm đam mê vi phẫu tới cùng học cùng làm, sau đó giúp đỡ, bổ sung kiến thức, nâng cao chuyên môn lẫn nhau.

Với hành trình 20 năm trong nghề, BS Viễn cho rằng điều ông hạnh phúc nhất là hiện rất nhiều cơ sở y tế ở địa phương từ miền Trung đến miền Tây đã tự làm chủ được kỹ thuật vi phẫu sau khi được chuyển giao, điển hình như: Bệnh viện Thống Nhất Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), Bệnh viện Quân y 17 (Đà Nẵng), Bệnh viện 199 (Đà Nẵng), Bệnh viện Đa khoa Long Khánh (Đồng Nai), Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (Nghệ An), Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình), Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa...

BHYT chi trả cho bệnh nhân tái tạo phỏng

BS Nguyễn Cao Viễn cho biết hiện nay những bệnh nhân bị di chứng phỏng rất nhiều. Nhiều trường hợp không biết được nơi điều trị, phần thì thời gian điều trị quá nhiều lần, quá dài dẫn đến kiệt quệ tài chính, đành chấp nhận bệnh tật và sống trong mặc cảm.

"BHYT hiện chi trả gần hết chi phí cho những trường hợp bệnh nhân tái tạo phỏng có tham gia BHYT. Còn về phục hồi các di chứng phỏng, hiện với sự phát triển của vi phẫu tạo hình đã đạt được nhiều bước tiến mới, có thể trả lại chức năng và thẩm mỹ cho người bệnh" - BS Viễn khẳng định.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-2

NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/nhung-ban-tay-vang-cua-nganh-y-cuu-tinh-cho-nguoi-liet-20230224213448052.htm