Những 'bảo mẫu' của voi rừng Tây Nguyên
Lúc voi Jun, voi Gold đưa về còn hoang dã nên để tiếp cận làm quen với voi, các 'bảo mẫu' ở bên cạnh cả ngày cả đêm, gần như những người bạn thân.
Nhìn voi Gold (6 tuổi) và voi Jun (17 tuổi) lớn lên từng ngày giữa cánh rừng khộp xanh rì, vết thương dần lành lặn, ít ai biết chúng đã trải qua hành trình cứu hộ, chăm sóc tận tình của những "bảo mẫu" là cán bộ Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk).
Mắc võng ăn ngủ giữa rừng cứu voi
Ngồi trong ngôi nhà chăm sóc, huấn luyện voi dựng giữa khu rừng khộp xanh rì, anh Cao Xuân Ninh (29 tuổi, ngụ huyện Buôn Đôn), cán bộ Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk kể, năm 2014, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành thú y, anh xin về trung tâm công tác. Đến năm 2015 - 2016, chính anh là người đầu tiên cứu hộ voi Jun, voi Gold về và trở thành "bảo mẫu" của chúng đến bây giờ.
"Học thú y nhưng có ai biết cách chăm sóc, chữa trị voi như thế nào đâu. Mới chân ướt chân ráo ra trường, được đi cứu hộ voi, gần gũi gắn bó với voi rừng và tôi đã yêu quý loài động vật khổng lồ này từ khi nào không hay", anh Ninh bộc bạch.
Năm 2015, trung tâm nhận tin báo có voi rừng bị thương, chân đi cà nhắc, vòi gần bị đứt do dính bẫy, theo voi nhà về buôn. Lúc đó trung tâm cử người xuống, mang theo hai con voi nhà áp sát để cứu hộ.
"Nó là voi hoang dã nên rất khó tiếp cận. Lúc này vết thương voi rừng đang nhiễm trùng, rớt luôn cả móng chân. Sau đó, trung tâm mời các chuyên gia nước ngoài về thăm khám, chụp X-quang và phát hiện dưới lớp da chân của voi dính một đoạn dây kẽm của bẫy.
Các chuyên gia quyết định phẫu thuật để lấy dị vật ra. Một thời gian, voi dần bình phục, khỏe mạnh và được đặt tên là voi Jun", anh Ninh kể.
Cũng theo anh Ninh, tháng 3/2016, khi đang chăm sóc voi Jun, trung tâm thêm lần nữa nhận tin báo có voi con bị rớt xuống giếng nước sát bìa rừng, cách trung tâm 40km. Khi đến nơi, các cán bộ trung tâm chứng kiến voi con nặng khoảng 80kg, nằm kiệt sức dưới lớp bùn dưới giếng.
Sau đó, voi con đưa được lên bờ, cho uống nước, uống sữa rồi đưa về trạm quản lý bảo vệ rừng. Lúc đó, nhìn voi tỉnh táo lại nên mọi người quyết định thả về lại tự nhiên.
"Chờ đợi đến khoảng 17h, anh em đưa voi vào rừng, làm một chuồng tạm để đêm xuống bày đàn vào cứu. Nhưng đợi mãi, đêm đó bày đàn và mẹ nó không tới, voi con lại khát nước, khát sữa, phá chuồng ra ngoài. Đến sáng hôm sau, người dân báo lại thấy voi con đang đi lang thang trên rẫy. Nghe vậy, anh em lại quay vào để cứu.
Khoảng 1 tháng trời, anh em mắc võng ăn ngủ trong rừng phục, theo dõi đàn voi rừng để tiếp cận và thả voi con về với mẹ, với rừng. Nhiều lần đàn voi về la hét, tấn công khiến anh em phải bỏ chạy, suýt chết mấy lần.
Tuy nhiên, sau khi nhập đàn thì đàn không nhận, voi con bị bỏ bơ vơ. Vì thế trung tâm quyết định đưa về, đặt tên là voi Gold và chăm sóc tới bây giờ", anh kể.
Nghề đặc biệt
Anh Y Diệu Ksơr (33 tuổi, ngụ xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), nguyên là nài voi ở huyện Buôn Đôn chia sẻ, anh tiếp xúc với voi từ năm 16 tuổi nên rất hiểu về tính cách của voi. Năm 2020, anh xin về trung tâm công tác và chăm sóc, huấn luyện những chú voi rừng được cứu hộ về. Hằng ngày, mỗi ca trực có 4 người, chia ra mỗi ca 2 người làm việc trong 2-3 ngày, để cắt cỏ, tìm thức ăn cho voi…
"Voi rừng cứu hộ đưa về có đặc tính hoang dã nên rất khó chăm sóc, huấn luyện. Quá trình giao tiếp, làm việc với nó là cả một quá trình dài, kéo dài từ 2 - 3 năm mới bắt đầu quen dần", anh cho hay.
Lúc voi Jun, voi Gold đưa về còn hoang dã nên để tiếp cận làm quen với voi, các "bảo mẫu" ở bên cạnh cả ngày cả đêm, gần như những người bạn thân.
"Ngày cứu hộ voi Gold về, vì là voi con đang bú sữa nên anh em phải chăm bẵm như đứa trẻ. Cứ 2 tiếng lại pha sữa cho uống", anh Y Diệu kể.
"Bảo mẫu Ninh" cũng nhớ lại: "Ngày đó cứu hộ voi Gold khổ lắm, thức cả đêm để đút sữa cho voi. Ban ngày thì phải sát trùng vết thương, cắt gọt những phần móng hư để voi Jun không bị nhiễm trùng.
Nhớ nhất những lúc dỗ dành voi uống thuốc, phải nấu cơm trộn thuốc vào cho voi ăn. Nhưng được một lần, voi biết lại không ăn thuốc nữa, anh em phải tìm quả dưa hấu, quả chuối rồi nhét thuốc vào trong, lừa voi uống".
Cũng theo anh Ninh, chăm sóc voi rất khó và mất thời gian dài mới có thể huấn luyện được thành thục như bây giờ. Các "bảo mẫu" phải tập từng tí cho voi hiểu được từng hành động, cử chỉ của mình.
"Khi nói điều gì đó và voi làm đúng theo ý mình thì thưởng cho voi món ăn mà nó ưa thích. Cứ thế, những lần sau nói gì chúng đều hiểu và làm theo. Đặc biệt, quá trình huấn luyện không bao giờ được dùng đòn roi với voi.
Voi Gold uống sữa 2 năm trời rồi lớn dần lên thì cai sữa và tập cho ăn thức ăn. Hiện nay, voi Gold đã được gần 1,3 tấn, voi Jun được hơn 1,8 tấn. Hằng ngày, sau khi huấn luyện xong, chúng được thả ra ngoài khu rừng khộp bán hoang dã, có hàng rào điện rộng khoảng 10ha để voi được tự do.
Hằng ngày, các "bảo mẫu" thay phiên nhau vào rừng tìm kiếm lá le, cỏ, lá cây lim, lá cây hương… để bổ sung thức ăn cho voi. Mục đích bổ sung thức ăn từ cây rừng giúp cho voi nhận biết được thức ăn tự nhiên, nếu có thả về tự nhiên sẽ tự tìm kiếm thức ăn.
Hiện tại ngoài chăm sóc huấn luyện voi Gold và Jun, các "bảo mẫu" của trung tâm còn theo dõi, chăm sóc 37 con voi nhà.
Theo anh Ninh, nhiều anh em làm việc ở trung tâm nhưng nhà ở tận TP Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, cách xa hơn 50km. Đi lại xa xôi, mất thời gian nên đa số đều quyết định ở lại trung tâm. "Ở đây tất cả là một gia đình, cùng sinh hoạt chung ở dãy nhà phía sau nơi có phòng ngủ tập thể, có bếp ăn đàng hoàng", anh Ninh kể.
Ông Mai Đức Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng cho biết, mục đích hoạt động của trung tâm là kiểm soát, duy trì số lượng voi nhà, voi rừng, đồng thời chăm sóc, cứu hộ voi bị nạn và sau đó giúp chúng tái nhập đàn.
"Những cán bộ ở đây có một tình yêu đặc biệt với voi rừng và chính họ là "bảo mẫu" chăm sóc, thuần dưỡng những chú voi rừng bị lạc đàn, dính bẫy được cứu hộ", ông Vĩnh chia sẻ.