Những bảo vật vô giá trong lễ đăng quang của Vua Charles III

Nhiều bảo vật của Hoàng gia Anh sẽ xuất hiện trong lễ đăng quang của Vua Charles III.

Lễ đăng quang của Vua Charles III sẽ bắt đầu lúc 11 giờ ngày 6-4 (giờ địa phương) và dự kiến kéo dài khoảng 2 giờ.

Theo đài CNN, lễ đăng quang của Vua Charles III sẽ do Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby điều hành. Theo đó, buổi lễ sẽ gồm các phần Công nhận, Tuyên thệ, Bôi dầu thánh, Phong chức, và Trao vương miện.

Tổng Giám mục Canterbury cho biết lễ đăng quang của Vua Charles III sẽ “tôn vinh truyền thống”, đồng thời chứa đựng “những yếu tố mới phản ánh sự đa dạng của xã hội đương đại của chúng ta”. Trong lễ đăng quang, những bảo vật vô giá, tượng trưng cho quyền lực quân vương Anh cũng sẽ xuất hiện.

Ampulla (bình đựng dầu thánh) và chiếc thìa đăng quang

Ampulla có hình dạng con đại bàng, chứa dầu thánh xức cho quân vương Anh trong lễ đăng quang. Nó được sử dụng cho lễ đăng quang của Vua Charles II vào năm 1661. Trong khi đó, thìa đăng quang có từ thế kỷ XII và tồn tại qua Nội chiến Anh.

Ampulla và chiếc thìa đăng quang. Ảnh: GETTY IMAGES

Ampulla và chiếc thìa đăng quang. Ảnh: GETTY IMAGES

Hai vật dụng này được sử dụng khi quân vương Anh ngồi trên ghế đăng quang và được Tổng Giám mục Canterbury xức dầu thánh. Đây được coi là phần thiêng liêng nhất của buổi lễ và được Tổng Giám mục Welby mô tả là khoảnh khắc giữa Nhà vua và Chúa.

Nghi thức này sẽ được thực hiện sau bức bình phong để thể hiện sự tôn nghiêm. Tổng Giám mục Caterbury sẽ đổ dầu thánh từ Ampulla lên chiếc thìa đăng quang và sau đó xức dầu lên đầu, ngực và tay của vua Anh.

Theo Điện Buckingham, nguồn cảm hứng cho thiết kế của Ampulla là từ một truyền thuyết vào thế kỷ XIV.

Công thức làm dầu thánh là bí mật. Tuy nhiên, Tu viện Westminster cho biết dầu thánh có chứa dầu của hoa cam, hoa hồng, hoa nhài và quế.

Thanh kiếm dâng hiến

Trong lễ tấn phong, nhà vua sẽ được trao lễ phục đăng quang. Trong số này có thanh kiếm dâng hiến.

Thanh kiếm dâng hiến. Ảnh: ROYAL COLLECTION TRUST

Thanh kiếm dâng hiến. Ảnh: ROYAL COLLECTION TRUST

Thanh kiếm dâng hiến được làm vào năm 1820 và lần đầu tiên được sử dụng tại lễ đăng quang của Vua George IV. Thanh kiếm có một lưỡi kiếm bằng thép, mạ vàng, khảm ngọc lục bảo, hồng ngọc, ngọc bích và kim cương, tạo thành hình hoa hồng, cây kế, cỏ shamrock, lá sồi, quả sồi và đầu sư tử.

Thanh kiếm được đựng trong một bao da bọc vàng tinh xảo. Thanh kiếm đại diện cho lòng can đảm của nhà vua.

Quả cầu quân vương

Được sử dụng trong các lễ đăng quang kể từ năm 1661, quả cầu quân vương tượng trưng cho quyền lực hoàng gia và thế giới Thiên chúa giáo. Quả cầu có 2 bán cầu rỗng bằng vàng, được gắn với nhau bằng một dải trang sức tinh xảo.

Quả cầu quân vương. Ảnh: ROYAL COLLECTION TRUST

Quả cầu quân vương. Ảnh: ROYAL COLLECTION TRUST

Quả cầu được chia thành 3 phần, đại diện cho 3 lục địa được con người biết đến trong thời kỳ trung cổ. Quả cầu được nạm 365 viên kim cương, 18 viên hồng ngọc, 9 viên ngọc lục bảo và 9 viên ngọc bích. Viên ngọc quý nhất là viên thạch anh tím đậm phía trên quả cầu.

Quyền trượng quân vương

Quyền trượng quân vương gắn thập tự được tạo nên vào năm 1661, biểu thị cho quyền lực và sự cai trị tốt của nhà vua.

Năm 1911, quyền trượng được gắn thêm viên kim cương Cullinan I, nặng 530 carat. Viên kim cương này còn được gọi là “Ngôi sao vĩ đại của châu Phi”, được cắt ra từ một viên kim cương thô nặng 3.106 carat. Viên kim cương thô được khai thác ở Nam Phi vào năm 1905 và được chính quyền thuộc địa bàn giao cho Hoàng gia Anh.

Quyền trượng quân vương gắn thập tự. Ảnh: ROYAL COLLECTION TRUST

Quyền trượng quân vương gắn thập tự. Ảnh: ROYAL COLLECTION TRUST

Trong khi đó, quyền trượng quân vương gắn bồ câu tượng trưng cho uy quyền tâm linh. Con chim tráng men trên quyền trượng tượng trưng cho Chúa Thánh Thần.

Ghế đăng quang.

Ghế đăng quang còn được gọi là ghế Thánh Edward, được làm theo yêu cầu của Edward I.

Ghế đăng quang được làm bằng gỗ sồi Baltic, được trang trí bằng hoa văn động vật, tán lá và chim trên nền mạ vàng. Trên lưng ghế có hình một vị vua đang gác chân lên sư tử. Tu viện Westminster mô tả chiếc ghế là "một trong những đồ nội thất quý giá và nổi tiếng nhất trên thế giới".

Ghế đăng quang. Ảnh: PA

Ghế đăng quang. Ảnh: PA

Vương miện Thánh Edward

Vương miện Thánh Edward được xem là một phần quan trọng của lịch sử hoàng gia và được coi là trung tâm của lễ đăng quang. Vương miện được chế tác vào năm 1661 và được sử dụng riêng cho nghi thức trao vương miện.

Trên đỉnh vương miện là một quả cầu và cây thánh giá tượng trưng cho thế giới Thiên Chúa giáo, nặng 2,23 kg. Khung của vương miện được tạo thành từ các chi tiết bằng vàng nguyên khối gắn với nhau.

Vương miện Thánh Edward. Ảnh: GETTY IMAGES

Vương miện Thánh Edward. Ảnh: GETTY IMAGES

Vương miện được trang trí bằng 444 viên đá quý, bao gồm hồng ngọc, thạch anh tím, ngọc bích và các loại đá quý khác. Vương miện bao phủ trên một chiếc mũ nhung màu tím có viền lông chồn.

Vương miện Imperial State

Vương miện Imperial State được chế tác vào năm 1937 cho lễ đăng quang của Vua George VI. Vương miện được lấy cảm hứng từ các mái vòm khép kín vào thế kỷ XV, biểu thị nước Anh không chịu sự lệ thuộc vào bất kỳ thế lực trần gian nào khác.

Vương miện Imperial State. Ảnh: GETTY IMAGES

Vương miện Imperial State. Ảnh: GETTY IMAGES

Vương miện có 2.868 viên kim cương lấp lánh. Trong số này có viên kim cương Cullinan II, nặng 317,4 carat. Cullinan II được cắt ra từ viên kim cương thô khổng lồ được tìm thấy ở Nam Phi vào năm 1905.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-bao-vat-vo-gia-trong-le-dang-quang-cua-vua-charles-iii-post731822.html