Những bất thường trong nhập khẩu cá tầm

Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) vừa có văn bản gửi các bộ: Quốc phòng, Tài chính, Công an, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và BCĐ 389 các tỉnh và thành phố trực thuộc T.Ư về chỉ đạo của Chính phủ đối với việc nhập khẩu (NK) và kinh doanh cá tầm. Theo đó, các bộ và địa phương có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc các DN có hoạt động NK cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam bảo đảm đúng pháp luật...

Những bất thường trong nhập khẩu cá tầm

Bài & ảnh: VIẾT ĐOÀN, CHÍ KIÊN

Thứ Hai, 22-03-2021, 15:21

+ | Print

Người nuôi cá tầm trong nước đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cá tầm nhập khẩu.

Người nuôi cá tầm trong nước đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cá tầm nhập khẩu.

Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) vừa có văn bản gửi các bộ: Quốc phòng, Tài chính, Công an, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và BCĐ 389 các tỉnh và thành phố trực thuộc T.Ư về chỉ đạo của Chính phủ đối với việc nhập khẩu (NK) và kinh doanh cá tầm. Theo đó, các bộ và địa phương có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc các DN có hoạt động NK cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam bảo đảm đúng pháp luật...

Bất chấp thủ đoạn để đòi được cấp phép?

Cuối năm 2020, bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý Cites Việt Nam (Cites Việt Nam) thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã gửi đơn đến Công an TP Hà Nội, tố giác giám đốc hai doanh nghiệp (DN) (có địa chỉ tại Hà Nội) về tội vu khống.

Theo trình bày của bà Nga, với vị trí là Giám đốc Cites Việt Nam, bà đã từ chối cấp phép cho Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy hải sản Thanh Tú (Công ty Thanh Tú) và Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Sỹ Hưng (Công ty Sỹ Hưng) với lý do:

Trước ngày 28-1-2020, bà Nga đã thực hiện cấp một số Giấy phép Cites NK cá tầm sống cho hai DN nêu trên. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát và có diễn biến phức tạp và động vật hoang dã được coi là một trong những nguồn lây bệnh nguy hiểm. Ngày 28-1-2020, Bộ Y tế đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg (CT 05) về việc phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung “Cấm NK động vật hoang dã”.

Cho nên, việc Cites Việt Nam từ chối cấp phép là sự chấp hành chính xác, kịp thời nội dung chỉ đạo của Chính phủ, theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Cũng tại văn bản này, bà Nga nêu rõ: “Là công chức có trách nhiệm, tôi đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Thủ tướng, trong đó có việc từ chối không cấp giấy phép Cites NK cho hai DN trên vào ngày 13-8-2020 tại Văn bản số 169/TCVN-THGP và số 170/TCVN-THGP theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 36 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP. Việc từ chối cấp giấy phép do qua rà soát, đối chiếu dữ liệu cấp giấy phép Cites NK và dữ liệu kiểm soát xuất khẩu (XK) mẫu vật Cites của Cục Hải quan các tỉnh/thành phố, tôi nhận thấy DN Thanh Tú còn 40 giấy phép Cites và DN Sỹ Hưng còn 13 giấy phép không được sử dụng trong thời gian Thủ tướng Chính phủ cấm NK, phải trả lại Cơ quan thẩm quyền quản lý Cites Việt Nam theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 36 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ”.

Thực tế, tháng 8-2020, bà Nguyễn Thị Thư, Giám đốc Công ty Sỹ Hưng và Công ty Thanh Tú đã ba lần gửi đơn kiến nghị và khiếu nại về bà Nga lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp cùng nhiều bộ, ngành có liên quan. Đồng thời đã có nhiều tin nhắn vào điện thoại cá nhân bà Nga.

Theo bà Nga, cùng thời điểm gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng với những nội dung kêu cứu, khiếu nại không chính đáng, vu khống bôi nhọ cá nhân bà Nga và cơ quan Cites Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thư còn liên tục nhắn tin vu khống, đe dọa tới số điện thoại cá nhân của bà Nga… Theo bà Nga, những nội dung vu khống đó không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, công việc và cuộc sống của cá nhân bà, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp, Cites Việt Nam.

Cấp phép liệu có vi phạm Chỉ thị số 05/CT-TTg?

Liên quan đến việc NK cá tầm, theo CT 05, ngày 3-8-2020, Cites Việt Nam đã có Văn bản số 75/CTVN gửi Tổng Cục trưởng Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị. Trong đó, có nêu rõ tại CT 05, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cấm thực hiện nhiều biện pháp nhằm phòng, chống dịch nguy hiểm này và có nội dung “cấm NK động vật hoang dã vào Việt Nam”. Ngay sau khi có CT 05, Cites Việt Nam đã ban hành Văn bản số 17/CTVN-HTQT ngày 6-2-2020 thông báo tạm dừng cấp phép NK động vật hoang dã thuộc các phụ lục của Cites vào Việt Nam kể từ ngày 28-1-2020. Tuy vậy, sau thời điểm này đã có bốn DN là Công ty Thanh Tú, Công ty Sỹ Hưng, Công ty TNHH Đầu tư và XNK An Hưng và Công ty CP XNK Thảo Nguyên vẫn tiếp tục NK cá tầm sống (Acipenser baerii).

Theo văn bản của Cites Việt Nam, loài cá tầm (Acipenser baerii) là động vật hoang dã thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã. Do đó, hoạt động NK, cho phép NK cá tầm là vi phạm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại CT 05.

Ngay sau khi Chỉ thị số 29/CT-TTg (CT 29) ngày 23-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã được ban hành, Cites Việt Nam đã nhận được bốn hồ sơ xin phép NK cá tầm, trong đó có Công ty Sỹ Hưng, Công ty Thanh Tú, Công ty TNHH Đầu tư và XNK An Hưng.

Với vai trò quản lý chuyên ngành được giao, Cites Việt Nam đã đề xuất Tổng Cục trưởng xem xét một số vấn đề như: Tạm dừng xử lý hồ sơ đề nghị cấp phép của DN nêu trên cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm các điều cấm theo chỉ đạo của Thủ tướng tại CT 29; Tổng cục Lâm nghiệp có văn bản thông báo cho Cơ quan Hải quan, Cơ quan kiểm dịch thú y về những vi phạm trong thực hiện CT 05 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 20-8-2020, Tổng cục Lâm nghiệp đã có Thông báo số 1159/TB-TCLN-VP (TB 1159) về chỉ đạo của Tổng Cục trưởng Nguyễn Quốc Trị với nội dung: Cites Việt Nam xem xét, cấp giấy phép Cites cho Công ty Thanh Tú và Công ty Sỹ Hưng nếu hai DN này nộp đủ hồ sơ theo quy định về cấp phép theo Điều 25 Nghị định 06/2019/NĐ-CP và đã sử dụng hết các giấy phép được cấp trước ngày 28-1-2020, được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép NK trước ngày 23-7-2020; Cơ quan Cites Việt Nam có báo cáo chi tiết, cụ thể các dấu hiệu vi phạm CT 05 đối với tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện NK cá tầm sống và có đề xuất xử lý theo quy định.

Vấn đề đặt ra là: Sau khi có TB 1159, các DN đã ồ ạt NK cá tầm vào trong nước, mặc dù CT 05 vẫn còn nguyên giá trị. Nhất là vào thời điểm cuối năm 2020 và đầu năm 2021 khi dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, bùng phát ở nhiều địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh... Cụ thể, trong tháng 1 và 2-2021, Công ty Sỹ Hưng đã NK khoảng 140 tấn cá tầm; Công ty Thanh Tú đã NK 234,8 tấn cá tầm.

Chưa kể, có ý kiến cho rằng với TB 1159, Tổng cục Lâm nghiệp đã tự đánh mất cơ hội đẩy mạnh XK cá sấu sống của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc dưới dạng trao đổi hàng hóa hai chiều.

Theo ông Thái Truyền, Chủ tịch Hiệp hội bò sát lưỡng cư Việt Nam, từ thời điểm tháng 11-2019 đến nay, việc XK cá sấu sống sang Trung Quốc bị tê liệt hoàn toàn. Năm 2019, 2020, các cơ sở đã đăng ký đạt 120.000 cá thể cá sấu (tương đương khoảng 2.000 tấn) và riêng năm 2019 đã XK được 115.776 cá thể cá sấu sống (giá trị khoảng 60 đến 70 USD/con), trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 99,96%. Hiện còn tồn khoảng hơn 200.000 con cá sấu chưa XK được.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-kinhte/nhung-bat-thuong-trong-nhap-khau-ca-tam-639322