Những 'bệ phóng' liên vùng đã mở

Chưa bao giờ người dân Cố đô Huế lại nhắc đến nhiều công trình, dự án xây dựng giao thông như hiện nay. Không chỉ đường nhỏ mà nhiều đường lớn đã, đang mở ra với mục tiêu 'đại lộ sinh đại phú', góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

 Từ cầu Dã Viên nhìn lên Kim Long. Ảnh: Bảo Châu

Từ cầu Dã Viên nhìn lên Kim Long. Ảnh: Bảo Châu

Cú hích cho sự phát triển

Những năm gần đây, giao thông đối nội, đối ngoại ở Thừa Thiên Huế đã được thúc đẩy, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới.

Nhiều người dân, nhất là ở phường Thuận An (TP. Huế) rất háo hức khi tuyến đường Phú Mỹ - Thuận An dài gần 4,2km hoàn thiện, đưa vào hoạt động gần 1 năm nay. Đây chính là chuyển động đầu tiên mà người dân địa phương gọi là “đại lộ” phía đông, đưa đô thị Huế gần hơn với biển. Từ điểm cuối “đại lộ” này kết nối dự án đường dẫn và cầu vượt cửa biển Thuận An dài hơn 2,36km, với tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng (giai đoạn 1) sẽ hoàn thành vào cuối quý I/2025, giúp Thuận An “thuận hơn” trong giao thương, kết nối giữa đô thị Huế với các vùng biển ở huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang…

Ông Huỳnh Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An chia sẻ, với các công trình, dự án giao thông lớn hình thành đi qua địa phương sẽ tạo động lực cho Thuận An hiện thực “giấc mơ phố biển” ấp ủ bấy lâu nay. Khi có đường, quỹ đất lợi thế hai bên cũng hình thành. Hiện địa phương đang “dọn dẹp”, quy hoạch và nâng cấp, chỉnh trang các tuyến đường cùng các khu dân cư mới để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến phát triển kinh tế du lịch biển.

Ở cửa ngõ phía bắc, tuyến đường Phong Điền - Điền Lộc có điểm đầu nối QL1A đi qua địa bàn thị trấn Phong Điền, điểm cuối đến biển Điền Lộc (Phong Điền) dài 16,5km, với nhiều đoạn rộng hơn 36m, tổng vốn đầu tư hơn 671 tỷ đồng đang vào giai đoạn hoàn thiện. Tuyến đường này kỳ vọng sẽ kết nối hoàn chỉnh hệ thống giao thông từ vùng đồi đến đồng bằng và khu vực ven biển. Đây cũng là trục “xương sống” của Phong Điền kết nối vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua Tỉnh lộ 9 và vào KCN Phong Điền, ra cụm Ngũ Điền. Từ đây, sẽ kết nối với đường ven biển Bắc - Nam của tỉnh dài hơn 100km nối từ Phong Điền đến Phú Lộc - nơi giàu tiềm năng đất đai, hệ sinh thái nuôi trồng thủy, hải sản và tạo đột phá về kinh tế du lịch biển.

Ông Hoàng Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng Khu vực huyện Phong Điền cho biết, từ trước đến nay, chưa bao giờ Phong Điền mơ đến con đường lớn như tuyến Phong Điền - Điền Lộc. Thế mà nay giấc mơ ấy đã thành hiện thực nên không kể hết sự vui mừng, hạnh phúc của người dân sở tại. Đường lớn đã mở, nhiều cơ hội mới sẽ đến, mà trước mắt là rộng mở “cánh cửa” chào đón các nhà đầu tư về KCN Phong Điền, giao thương buôn bán liên vùng cũng dễ dàng hơn.

“Đường Phong Điền - Điền Lộc mở ra, góp phần thực hiện “giấc mơ” thị xã. Hiện những chủ trương, chính sách ở địa phương không còn mang còn tính định hướng mà bằng nhiều hành động cụ thể, đánh thức khát vọng Phong Điền trở thành đô thị động lực phía bắc tỉnh nhà” - ông Hòa khẳng định.

 Đường lớn kết nối, đưa đô thị Huế về hướng biển. Ảnh: M. Văn

Đường lớn kết nối, đưa đô thị Huế về hướng biển. Ảnh: M. Văn

Không chỉ đột phá kinh tế địa phương

Mới đây, tại hội nghị quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung diễn ra tại TP. Huế, nhiều chuyên gia nhận định, Thừa Thiên Huế có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kết nối liên kết vùng, nhất là trong liên kết phát triển kinh tế - xã hội. Từ vị trí nằm giữa miền Trung, đây là địa phương “hạt nhân” tạo động lực tăng trưởng kinh tế du lịch, kinh tế biển ở khu vực… mà hệ thống giao thông, nhất các đường lớn có vai trò là những “bệ phóng”.

Điều đó cũng đã được lãnh đạo tỉnh nhìn nhận khá sớm, nên từ nhiều năm nay tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực, xây dựng nhiều tuyến đường lớn “tạo nền” thúc đẩy kinh tế - xã hội liên vùng phát triển. Điều người dân cảm nhận rất rõ thời gian qua khi hầm đường bộ Hải Vân 2 hoàn thiện, Nhà ga T2, Cảng HKQT Phú Bài cũng như cao tốc La Sơn - Túy Loan, cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi vào hoạt động đã giúp Thừa Thiên Huế kết nối với các tỉnh, thành khu vực miền Trung nhanh hơn, gần hơn; đồng thời, khắc phục tình trạng ách tắc, giảm tai nạn giao thông cũng như giải quyết nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa ở địa phương…

Cùng với các công trình giao thông trọng điểm quốc gia hình thành ở Thừa Thiên Huế, hàng loạt đường lớn, tạo mắt xích kết nối liên vùng, liên huyện ở địa phương đã lần lượt ra đời, như đường Phú Bài - Vinh Thanh, đường phía tây ven phá Tam Giang, đường chợ Mai - Tân Mỹ...

 Nhiều đường lớn ở huyện Phong Điền đã khai mở. Ảnh: M. Văn

Nhiều đường lớn ở huyện Phong Điền đã khai mở. Ảnh: M. Văn

Thời điểm này, Thừa Thiên Huế đang đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng tuyến Vành đai 3 nối liên hoàn giữa TX. Hương Trà, TP. Huế và Phú Vang dài hơn 6,5km, rộng 43m, với kinh phí hơn 750 tỷ đồng. Tuyến đường này hoàn thành sẽ giảm tải cho Quốc lộ 1A qua nội đô TP. Huế, kết nối các đô thị vệ tinh. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển quỹ đất, thương mại, dịch vụ, công nghiệp ở các địa phương mà tuyến đi qua.

Tuyến đường Tố Hữu nối dài từ TP. Huế về sân bay Phú Bài (TX. Hương Thủy) cũng khởi động thi công dài khoảng 9,5km, kinh phí thực hiện 1.143 tỷ đồng, sẽ tạo ra nhiều quỹ đất lợi thế hai bên để phát triển hạ tầng các đô thị và tạo cơ sở nền tảng quy hoạch đô thị sân bay Phú Bài trong thời gian đến…

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải nhìn nhận, lâu nay, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ chính là điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nói riêng và các tỉnh khu vực miền Trung nói chung. Vì vậy, với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn đã và đang được triển khai thực hiện, Thừa Thiên Huế và cả khu vực miền Trung được kỳ vọng rất lớn trong việc tạo ra sự đột phá để phát triển, nhất là Huế đang đứng trước cơ hội trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Minh Văn

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nhung-be-phong-lien-vung-da-mo-145525.html