Những bệnh xá, trạm phẫu thuật giữa rừng

Trong kháng chiến chống Mỹ, để kịp thời cứu thương cho cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ở chiến trường, tỉnh ta đã thành lập nhiều bệnh xá và các trạm phẫu thuật.

Sáng ngời y đức trong gian khó

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, song đối với ông Đinh Hồng Khánh (79 tuổi), ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi), nguyên là y sĩ của Bệnh xá Ba Nhà (Chú Tám), ký ức về những năm tháng phẫu thuật ngay giữa rừng để cứu thương binh vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông. “Giữa rừng núi hiểm trở, khó khăn, thiếu thốn đủ bề, có lúc chúng tôi phải dùng nẹp tre cố định xương bị gãy, nấu nước tro thay xà phòng để giặt sạch băng gạc rồi dùng lại. Chúng tôi vừa thay băng, tiêm thuốc, vừa nấu ăn, giặt giũ phục vụ thương binh, vừa đi cõng gạo, mắm muối dưới miền xuôi và trồng mì, làm lúa rẫy để tăng cường lương thực thương binh và cho mình”, ông Khánh bồi hồi kể lại.

Hòa bình lập lại, nguyên Trạm trưởng Trạm phẫu thuật A100 Trần Thanh Mai (bên phải) và ông Đinh Hồng Khánh, nguyên là y sĩ của Bệnh xá Ba Nhà đảm nhận nhiệm vụ kết nối, liên lạc với đồng đội từng là quân y trong kháng chiến.

Hòa bình lập lại, nguyên Trạm trưởng Trạm phẫu thuật A100 Trần Thanh Mai (bên phải) và ông Đinh Hồng Khánh, nguyên là y sĩ của Bệnh xá Ba Nhà đảm nhận nhiệm vụ kết nối, liên lạc với đồng đội từng là quân y trong kháng chiến.

Đã ngoài 80 tuổi, nhưng ông Trần Thanh Mai, ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi), nguyên là Trạm trưởng Trạm phẫu thuật A100 vẫn còn nhớ rõ những năm tháng mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Trạm phẫu thuật A100 làm nhiệm vụ như một bệnh xá tiền phương, đặt tại địa đạo Đám Toái, xã Bình Châu (Bình Sơn). Sau đó, trạm phẫu thuật cơ động di chuyển khắp các xã ở chiến trường Đông Sơn - một trong những chiến trường ác liệt nhất thời kháng chiến chống Mỹ, để cấp cứu kịp thời cho thương binh. “Vào tháng 3/1972, khi đang đóng tại một ngọn núi ở xã Bình Tân (Bình Sơn), đội phẫu thuật đã tiếp nhận một thương binh bị thương rất nặng. Anh bị pháo bắn trúng phần bụng và đùi, tiên lượng tử vong cao. Cùng với đó, địch càn liên tục, áp sát khu vực mà đội phẫu thuật đang đóng. Song, vượt lên trên tất cả, chúng tôi vừa bố trí các y tá cầm súng sẵn sàng chiến dấu, vừa tiến hành cấp cứu, mổ ngay cho thương binh. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, thiếu thốn, giường mổ lúc đó được bện bằng cây sặt, các dụng cụ mổ, thuốc men thì thiếu đủ thứ. Vậy mà, chiến sĩ ấy đã sống như một kỳ tích”, ông Mai hồi tưởng.

Vui sao nước mắt lại trào...

Tần ngần sắp xếp lại bộ dụng cụ dùng trong phẫu thuật ở chiến trường mà mình đã cất công gìn giữ đến tận ngày hôm nay, ông Đinh Hồng Khánh xúc động lấy ra một dụng cụ y tế mà nhờ nó, ông đã cứu sống được một thương binh bị thương nặng ở vùng cổ. “Năm 1972, Trạm phẫu thuật A80 của chúng tôi đóng tại một ngọn đồi ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành). Trên đường cùng dân công khiêng thương binh về trạm, tôi phát hiện một thương binh được anh em dân công dùng vải băng bó kín vết thương phần cổ. Thương binh này đang có dấu hiệu khó thở và lịm dần. Giữa tình thế nguy cấp, tôi lập tức kiểm tra vết thương và chẩn đoán, nếu không cấp cứu ngay tại chỗ, e rằng thương binh này khó lòng qua khỏi. Vậy là, vừa di chuyển, tôi vừa thao tác mở khí quản, thông đường thở cho người bị thương nặng. Quyết định kịp thời đó đã giúp tôi giành lại được sự sống cho người thương binh ấy", ông Khánh kể.

Năm 1961, Bệnh xá Ba Nhà (Chú Tám) được thành lập tại xã Ba Điền (Ba Tơ), phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các huyện phía nam của tỉnh. Theo Phó Trưởng Ban liên lạc Quân y thời kỳ chống Mỹ cứu nước tại Quảng Ngãi Trần Thanh Mai, đây là bệnh xá quân dân y kết hợp đầu tiên của tỉnh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đến năm 1965, khi Ban Quân - Dân y tỉnh tiến hành tách thành 2 bộ phận Quân y và Dân y thì Quân y tỉnh tiếp tục củng cố Bệnh xá B23, ở xã Trà Tân, (Trà Bồng), xây dựng Bệnh xá B25. Bệnh xá Ba Nhà được chuyển thành Bệnh xá B21. Năm 1966, thành lập thêm Bệnh xá B27, đặt tại Dốc Cọp, xã Ba Điền (Ba Tơ). Cùng với đó, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh ta có 4 Trạm phẫu thuật A100, A90, A80, A70.

Thương binh từng được ông Khánh cứu sống năm xưa quê ở xã Đức Phú (Mộ Đức). Vào dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ông đã tìm đến nhà y sĩ Khánh để nói lời cảm ơn. “Tôi gặp lại người thương binh ngày xưa. Vết sẹo trên cổ anh còn đó. Anh ôm chầm lấy tôi để cảm ơn và gọi tôi là bác sĩ. Tôi cười bảo tôi chỉ là y sĩ thôi, nhưng anh vẫn nhất định gọi tôi là bác sĩ Khánh và cảm ơn tôi vì đã cứu anh, để anh có cơ hội được trở về nhà, chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già. Chúng tôi, những người đàn ông sống sắp hết đời người, đã khóc cùng nhau trong niềm hạnh phúc không diễn tả được thành lời”, ông Khánh rưng rưng.

Hòa bình lập lại, những người lính mặc áo blouse trắng năm xưa tiếp tục kết nối, liên lạc cùng nhau thông qua Ban liên lạc Quân y thời kỳ chống Mỹ tại Quảng Ngãi. “Trong những năm qua, ban liên lạc luôn ra sức tìm kiếm thông tin về những người từng làm quân y thời kháng chiến chống Mỹ. Chúng tôi tìm kiếm nhau để thăm hỏi, gặp mặt nhau và giúp đỡ nhau khi cần. Quân y chúng tôi là thế. Dù là trong chiến tranh hay khi hòa bình cũng luôn thương yêu, đoàn kết và sẻ chia cùng nhau”, ông Trần Thanh Mai, Phó Trưởng Ban liên lạc Quân y thời kỳ chống Mỹ cứu nước tại Quảng Ngãi, bày tỏ.

Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202409/nhung-benh-xatram-phau-thuat-giua-rung-fcc1c2d/