Những bí ẩn trong vụ lính Mỹ trốn sang biên giới Triều Tiên

Một người lính Mỹ trong chuyến tham quan Khu vực an ninh chung (JSA) giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã băng qua đường phân định quân sự mà không được phép, theo các quan chức Mỹ và Liên hợp quốc cho biết.

Điều gì đã xảy ra?

Các quan chức Mỹ cho biết một binh sĩ nước này đã bị chính quyền Triều Tiên bắt giữ sau khi dường như cố tình vượt biên giới mà không được phép trong một chuyến thị sát bên phía Hàn Quốc.

 Binh sĩ Hàn Quốc tuần tra trong khu vực phi quân sự (DMZ), trải dài theo chiều ngang của Bán đảo Triều Tiên - Ảnh: WSJ

Binh sĩ Hàn Quốc tuần tra trong khu vực phi quân sự (DMZ), trải dài theo chiều ngang của Bán đảo Triều Tiên - Ảnh: WSJ

Đại tá Isaac Taylor, phát ngôn viên của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, cơ quan giám sát khoảng 28.500 quân nhân Mỹ, cho biết người lính kia khi đang tham quan Khu vực An ninh chung (JSA) giữa hai quốc gia trên Bán đảo Triều Tiên, đã vượt qua ranh giới quân sự để vào CHDCND Triều Tiên.

Các quan chức Mỹ cho biết người lính, được xác định là binh nhì Travis King, gần đây đã bị giam giữ ở Hàn Quốc vì vi phạm kỷ luật. King đã bị buộc tội hành hung và được trả tự do vào ngày 10 tháng 7 sau thời gian thụ án. Anh ấy được đưa về nhà ở Fort Bliss, Texas, vào thứ Hai, nơi anh ấy có thể phải đối mặt với các hành động kỷ luật quân sự bổ sung và giải ngũ.

Theo các quan chức, King, 23 tuổi, đã được đưa đến sân bay và được hộ tống đến hải quan. Nhưng thay vì lên máy bay, anh ta đã rời sân bay và sau đó tham gia chuyến tham quan làng biên giới Panmunjom của Triều Tiên. Anh ta lao qua biên giới, nơi có lính gác và thường đông đúc khách du lịch, vào chiều thứ Ba theo giờ địa phương ở Hàn Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bày tỏ lo ngại cho người lính, người mà quân đội Mỹ tại Hàn Quốc cho biết đã tham gia chuyến tham quan định hướng tại Khu vực An ninh chung giữa hai miền Triều Tiên và "cố ý và không được phép vượt qua Đường phân định quân sự để vào Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên".

"Có rất nhiều điều mà chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm hiểu", ông Austin nói trong một cuộc họp báo. "Chúng tôi tin rằng anh ấy đang bị Triều Tiên giam giữ và vì vậy chúng tôi đang theo dõi và điều tra chặt chẽ tình hình, đồng thời làm việc để thông báo cho người thân của người lính".

Trao đổi với CBS News, một người nói rằng mình đã chứng kiến sự kiện và là thành viên cùng một nhóm du lịch với Travis King cho biết, khi đoàn tham quan đến một trong những tòa nhà tại JSA thì King hét lớn 'ha ha ha' và chạy vào giữa một số tòa nhà".

“Ban đầu tôi nghĩ đó là một trò đùa quá khích, nhưng khi anh ấy không quay lại, tôi nhận ra đó không phải là một trò đùa, rồi mọi người hoảng sợ và mọi thứ trở nên điên rồ", nhân chứng nọ nói thêm.

Sau khi xảy ra sự việc, Đại tá Taylor cho biết phía Mỹ tin rằng King đang bị Triều Tiên giam giữ. Ông Taylor nói thêm rằng, Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc do Mỹ đứng đầu đang liên lạc với các đối tác của họ ở Triều Tiên để “giải quyết vụ việc này”.

JSA, nằm trong khu phi quân sự DMZ, khu vực trải dài hơn 200 km và rộng gần 4 km giữa hai miền Triều Tiên, là một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng đối với người Hàn Quốc. Đây là nơi duy nhất mà quân đội CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đứng đối mặt dọc theo DMZ. Tại JSA, hai miền Triều Tiên bị chia cắt ở giữa bởi đường phân giới quân sự.

JSA cũng là một địa điểm lịch sử, nơi thường diễn ra các cuộc họp cấp cao liên quan đến Triều Tiên. Năm 2019, cựu Tổng thống Donald Trump đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại địa điểm này, trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên bước vào Triều Tiên.

Hai hội nghị Thượng đỉnh liên Triều gần đây cũng diễn ra ở đó. Cựu Tổng thống Jimmy Carter đến Triều Tiên từ JSA vào năm 1994 trước cuộc gặp của ông ở Bình Nhưỡng với ông Kim Nhật Thành, ông của nhà lãnh đạo Kim Jong Un hiện tại.

Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?

Triều Tiên đã không phản hồi ngay lập tức về vụ Travis King. Theo các nhà quan sát, bất kỳ cuộc đàm phán nào về việc trả tự do cho người lính Mỹ này, nếu diễn ra, nhiều khả năng sẽ đến vào thời điểm căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Triều hạ nhiệt.

Hai bên đã không tổ chức các cuộc đàm phán giải trừ quân bị chính thức trong gần 4 năm. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần nỗ lực thuyết phục Bình Nhưỡng, đề nghị gặp nhau ở bất cứ đâu và không cần điều kiện tiên quyết. Nhưng hôm thứ Ba (18/7), Triều Tiên một lần nữa tuyên bố sự can dự của Mỹ là vô ích, rằng bất kỳ cam kết nào cũng có thể dễ dàng bị chính quyền tương lai đảo ngược.

Nếu phía Mỹ muốn giải cứu binh nhì King, Bình Nhưỡng có khả năng sẽ được trao một đòn bẩy hoặc một thiện chí trong các cuộc đàm phán.

 Lực lượng Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc và một binh sĩ Hàn Quốc đứng gác tại đường phân giới quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên. Ảnh: WSJ

Lực lượng Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc và một binh sĩ Hàn Quốc đứng gác tại đường phân giới quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên. Ảnh: WSJ

Vào năm 2018, để đảm bảo việc trả tự do cho ba công dân Mỹ bị Triều Tiên giam giữ, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó, Mike Pompeo đã có chuyến thăm Bình Nhưỡng. Vài tuần sau khi Triều Tiên thả người, Tổng thống Mỹ thời điểm ấy, ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã gặp nhau lần đầu tiên tại Singapore.

Các binh sĩ của Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc tại khu vực biên giới đã không tiếp xúc trực tiếp với Triều Tiên trong thời gian xảy ra đại dịch, do Triều Tiên cắt giảm sự hiện diện của họ trong JSA. Không có cuộc họp chính phủ cấp cao nào diễn ra ở đó kể từ cuộc trao đổi năm 2019 với giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong Un.

Vào tháng 9 năm 2018, hai miền Triều Tiên đã làm ấm mối quan hệ và ký kết “Thỏa thuận quân sự toàn diện”, trong đó có quyết định phi quân sự hóa JSA. Tiền đồn và vũ khí đã được gỡ bỏ khỏi khu vực. Căng thẳng giữa Seoul và Bình Nhưỡng gia tăng sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, một chính trị gia ủng hộ đường lối cứng rắn hơn với Triều Tiên, nhậm chức vào năm ngoái.

Vào tháng 4 năm nay, Triều Tiên ngừng trả lời các cuộc gọi liên Triều qua đường dây nóng quân sự, một trong số ít đường dây liên lạc trực tiếp giữa nước này với Hàn Quốc. Thông thường hai miền Triều Tiên tổ chức các cuộc gọi hai lần một ngày.

Lằn ranh không được vi phạm

Người Mỹ đã bị cấm đi du lịch đến Triều Tiên kể từ năm 2017, sau sự kiện Otto Warmbier, một sinh viên Mỹ bị giam giữ ở Bình Nhưỡng và chết khi trở về Mỹ. Chính phủ Mỹ đã gia hạn lệnh cấm đi lại hàng năm kể từ đó.

Việc vượt biên của bất kỳ ai tại JSA là cực kỳ hiếm. Một ngoại lệ xảy ra vào năm 2017, khi một người lính Triều Tiên bị bắn khi băng qua phía Nam qua JSA. Người này sống sót và sau đó được ở lại Hàn Quốc.

 Quang cảnh và mô hình địa điểm JSA thuộc khu Phi quân sự (DMZ) ở biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc với đường phân định quân sự được vẽ màu vàng. Ảnh: AP

Quang cảnh và mô hình địa điểm JSA thuộc khu Phi quân sự (DMZ) ở biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc với đường phân định quân sự được vẽ màu vàng. Ảnh: AP

Các binh sĩ từ Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc, Hàn Quốc hoặc Triều Tiên đều bị cấm vượt qua ranh giới quân sự để tìm ai đó, theo hiệp định đình chiến kéo dài gần 7 thập kỷ giữa hai miền Nam - Bắc.

Các chuyến tham quan JSA đã bị tạm dừng trong thời gian xảy ra đại dịch nhưng đã được nối lại từ năm ngoái. Thông thường, khoảng 40 người được phép tham gia một chuyến tham quan theo nhóm đến JSA, hiện tại giới hạn trong một ngày.

Trong một chuyến tham quan điển hình tại JSA, du khách có thể nhìn vào Triều Tiên từ đài quan sát và ghé thăm tòa nhà T-2 có phòng hội nghị nơi diễn ra các cuộc họp cấp cao giữa hai miền Triều Tiên. Đường ranh giới quân sự không được quan sát thấy trong tòa nhà T-2.

Người nước ngoài muốn đến thăm JSA phải được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc, bao gồm cả việc nộp bản sao hộ chiếu ít nhất một tuần trước ngày đi. Một số hạn chế lỏng lẻo hơn đối với công dân Hàn Quốc.

Lee Kyung Ryoon, người thành lập một công ty có trụ sở tại Seoul chuyên tổ chức các chuyến tham quan DMZ trong hai thập kỷ qua, cho biết một câu hỏi phổ biến đối với du khách đến JSA là liệu có thể bước vào bên trong Triều Tiên hay không, mặc dù câu trả lời là không.

Các nhà tổ chức tour được quyền đưa du khách đến gần đường phân định. Lee cho biết không khó để vượt qua ranh giới. "Nhưng không ai làm điều đó" - Lee nói. “Đó là một rủi ro lớn. Không ai trong các chuyến tham quan của tôi từng cố gắng vượt qua ranh giới quân sự để vào miền Bắc. Bất cứ ai có vẻ khả nghi đều không được phép lên xe buýt”.

Do đó, việc Travis King vượt qua JSA để đặt chân vào Triều Tiên là một sự kiện gây sốc với ngay cả những nhà tổ chức tour vốn quá quen thuộc với việc qua lại khu vực biên giới độc nhất vô nhị này.

Nguyễn Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-bi-an-trong-vu-linh-my-tron-sang-bien-gioi-trieu-tien-post256829.html