Những bí ẩn vẫn chưa có lời giải của văn học Anh
Nhà văn nào cũng lấy tư liệu từ chính cuộc sống của mình. Chính vì vậy mà các nhà nghiên cứu văn học mới phải tìm hiểu về cuộc đời của tác giả. Tuy vậy trong làng văn học Anh vẫn có những bí ẩn về cuộc đời của các nhà văn nổi tiếng mà đến nay vẫn chưa ai tìm ra được chân tướng sự việc.
Agatha Christie và vụ mất tích bí ẩn
“Bà hoàng truyện trinh thám” Agatha Christie đã ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc khắp thế giới từ hơn một thế kỷ nay. Theo thống kê của UNESCO, bà là tiểu thuyết gia được dịch nhiều nhất trong lịch sử. Những nhân vật của Agatha Christie như thám tử Hercule Poirot và bà Marple đã trở nên quen thuộc với người yêu văn học toàn cầu. Nhiều người, tuy vậy, không biết bản thân cuộc đời của nhà văn cũng đầy những điều lý thú. Từ tuổi thơ “trôi dạt” giữa Anh và châu Phi, đến những năm tháng dành cho việc khai quật khảo cổ ở Ai Cập cùng chồng, “chuyện đời” của Agatha Christie cũng đầy màu sắc như những tác phẩm của bà vậy.
Bí ẩn lớn nhất về Agatha Christie có lẽ là việc bà mất tích 11 ngày. Vào đêm ngày 3/12/1926, sau khi dỗ con gái Rosalind đi ngủ, nhà văn lên ô tô lái đi đâu không ai biết. Phải đến buổi trưa ngày hôm sau Cảnh sát hạt Surrey mới tìm thấy chiếc Morris Cowley của bà nằm trong bụi rậm. Cảnh sát kết luận nguyên nhân xảy ra tai nạn là tài xế xe mất lái. Vấn đề là không ai tìm thấy Agatha Christie đâu.
Không những nước Anh mà cả nước Mỹ bên kia bờ Đại Tây Dương cũng được phen phát hoảng. Các tờ báo lớn đều đăng tin bà mất tích trên trang đầu, còn trang hai để đồn đoán vì sao bà lại lái xe một mình trong đêm. Người ta đoán già đoán non rằng Agatha Christie vì chồng mà nảy ra ý nghĩ dại dột. Chồng bà là Đại úy Archie Christie trước đó đã xảy ra xung đột với vợ. Ông Archie phải lòng một người phụ nữ trẻ nên đã viết đơn ly dị đưa cho Agatha Christie. Vụ mất tích xảy ra khi Archie đi du lịch cùng mấy người bạn, mà thực chất là tìm cách tránh mặt vợ.
Tất cả những lời đồn đại bị dẹp sang một bên khi cảnh sát tìm thấy Agatha Christie đang trú tại một khách sạn ở Harrowgate, nơi cách nhà bà tận 296 km. Bà lấy lý do mình bị mất trí nhớ tạm thời sau vụ tai nạn để không trả lời bất kỳ câu hỏi của Cảnh sát và báo giới. Ngay người nhà của tiểu thuyết gia sau này cũng thú nhận rằng bà đến tận cuối đời vẫn không hề tiết lộ với họ điều gì.
Giả thuyết được các nhà nghiên cứu đưa ra là Agatha Christie đã phải trải qua một cơn khủng hoảng tâm lý nên mới có những hành vi kỳ lạ. Nhưng đương thời cũng những nhà báo và bạn bè của nhà văn cho rằng bà muốn “dàn dựng” một scandal để làm xấu mặt chồng, nhưng lại không làm tới nơi vì bà chẳng thể ngờ rằng việc mình mất tích lại gây phản ứng dư luận dữ dội đến vậy.
Ai đã biên soạn “Beowulf”?
Sử thi “Beowulf” lâu nay vẫn được coi là hòn “đá tảng” của nền văn học Anh. Trường ca dài 3.182 dòng này kể về hành trình tiêu diệt con quái vật Grendel của người anh hùng “Beowulf”. Tác phẩm là một cái nhìn ngược thời gian về xã hội - văn hóa của các dân tộc miền Bắc Âu hồi thế kỷ thứ 7. Các nhà ngôn ngữ học cũng coi “Beowulf” là tư liệu quan trọng trong việc nghiên cứu sự tiến hóa của tiếng Anh.
Một tác phẩm có tầm ảnh hưởng lớn như vậy nhưng lại chẳng ai rõ danh tính của tác giả. Ý kiến chung của giới chuyên gia cho rằng “Beowulf” vốn là sử thi truyền miệng, sau đó mới có người soạn lại thành sách. Vậy nhưng người sưu tầm và chỉnh biên “Beowulf” là ai?
Bởi vì bản thảo “Beowulf” cổ nhất (đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng quốc gia Anh) có hai nét chữ viết tay khác nhau, một số nhà nghiên cứu cho rằng có hai người đã tham gia vào quá trình biên soạn sử thi. Nhưng hoàn toàn có khả năng bản thảo thực chất chỉ được chép lại từ một nguồn khác. Nghề chép sách thời trung cổ thường có hai, ba người chia nhau một quyển sách ra chép để làm nhanh.
Cố đại văn hào J.R.R. Tolkein vốn là một nhà ngôn ngữ học có tiếng, đã sử dụng các kỹ thuật giám định để kiểm tra bản thảo “Beowulf”. Ông kết luận rằng hai nét chữ giống nhau hơn nhiều người tưởng và có khả năng người biên soạn viết được một phần dang dở rồi nhiều năm sau mới tiếp tục. Cứ theo lối tu từ của người soạn sách thì có thể người đó là một tu sĩ hoặc quý tộc nhỏ nói tiếng Anh (thay vì tiếng Pháp như các tầng lớp cao) ở vùng Tây Saxon. Từng ấy thông tin tuy vậy vẫn chưa đủ để tìm ra được tác giả của bộ sử thi “Beowulf”.
Bí ẩn về bản thảo "Voynich"
Sau “Beowulf”, bản thảo "Voynich" có lẽ là cuốn sách “vô chủ” nổi tiếng nhất trong văn học Anh. Ngay cả nội dung của tác phẩm cũng khiến nhiều người tranh cãi. Quyển sách chép tay dày 240 trang này chứa đựng rất nhiều hình vẽ sao trời, cây cỏ, nhân vật không có thật. Những đoạn văn trong sách được viết bằng một thứ ngôn ngữ nhân tạo chỉ mình người soạn biết. Chỉ có một số dòng chữ ngoài lề được viết bằng chữ La tinh.
Chủ sở hữu đầu tiên của bản thảo "Voynich" là nhà giả kim thuật Georg Baresch sống tại Prague (Séc) vào thế kỷ 17. Sau khi tìm thấy cuốn sách trong thư viện gia đình, nhà giả kim dành hết cuộc đời để đi tìm ý nghĩa của tác phẩm. Nhiều thế hệ các nhà sử học, ngôn ngữ học, ký tự học sau đó đã đi theo vết chân của Georg Baresch và đều thất bại. Hiện bản thảo đang được lưu giữ tại thư viện của Trường Đại học Yale (Mỹ).
Theo một nhóm chuyên gia giải mã do giáo sư William F. Friedman (Mỹ) dẫn đầu, bản thảo "Voynich" thực chất là một tài liệu mã hóa, cần có bảng mã để giải ra được. Giả thuyết này có phần đáng nghi ngờ, vì cách tu từ của thứ ngôn ngữ trong sách có phần giống với tiếng Anh trước thế kỷ 15. Cũng có lý do để tin rằng tác giả từng sống ở Đức hoặc một quốc gia Bắc Âu khác chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ Saxon. Vấn đề còn lại là tìm ra liệu người viết sách sử dụng tiếng địa phương, chữ tốc ký hay một hệ thống ngôn ngữ - ký hiệu khác để chuyển đổi thứ tiếng anh ta dùng thành những đoạn văn mà không ai hiểu cả.
Cái chết của Christopher Marlowe
Trước William Shakespear, kịch trường Anh có Christopher Marlowe. Nhà biên kịch thiên tài này chỉ để lại cho đời sáu vở kịch, nhưng đây đều là những tác phẩm mang tính “bước ngoặt” với nền nghệ thuật kịch nước Anh khi đó. Khán giả biết đến Christopher Marlowe nhiều nhất qua vở kịch “Tamburlaine” về hoàng đế Mông Cổ Thiếp Mộc Nhi. Tác phẩm được coi như “tiếng kèn” cho khúc khải hoàn của kịch trường Anh dưới thời nữ hoàng Elizabeth.
Cuộc đời của Marlowe cũng đầy sóng gió như nhân vật của ông vậy. Nhà biên kịch bỏ học đại học giữa chừng để du ngoạn khắp châu Âu. Chuyến du lịch này thực chất là vỏ bọc để ông làm gián điệp cho Chính phủ Anh. Trở về Anh, ông chia sức lực của mình ra làm hai, một phần để sáng tác, phần còn lại để truyền bá tư tưởng vô thần của mình.
Marlowe từng viết không ít truyện ngắn và tiểu luận châm biếm hiện tượng tha hóa đạo đức, tham nhũng trong giới thầy tu thời đó. Chưa hết, ông là một trong những người nổi tiếng đầu tiên ở Anh dám công khai mình đồng tính. Tất cả những điều nói trên đã khiến không biết bao nhiêu người sinh ra lòng thù ghét Christopher Marlowe.
Vào ngày 30-5-1593, nhà biên kịch bước vào quán rượu ở quận Deptford (London) cùng ba người bạn. Một trận ẩu đả xảy ra giữa những người trong quán, và Marlowe bị đâm một nhát vào trán. Kẻ bị buộc tội giết người lại là một trong ba người bạn đi cùng Marlowe vào quán rượu.
Ngay từ thời điểm đó đã xuất hiện nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ vụ sát hại Christopher Marlowe. Mấy ngày trước khi ông bị giết, Marlowe đến ở tạm tại biệt thự nhà Thomas Walsingham, người đưa tin của Hoàng hậu Elizabeth và là một “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới tình báo Anh khi đó. Cả ba người bạn của nhà biên kịch cũng có quan hệ với Thomas Walsingham. Điều quan trọng nhất là Marlowe chỉ vừa mới được thả ra khỏi trại tạm giam. Ông bị bắt do có người cáo buộc đã viết truyền đơn chỉ trích nhà thờ đạo Cải Cách, khi đó là tôn giáo chính thức của vương quốc Anh.
Một khả năng được các nhà nghiên cứu đưa ra là mạng lưới gián điệp Anh quốc coi Christopher Marlowe là “gánh nặng” lên chính họ nên mới tổ chức “trừ khử” ông. Nếu kịch bản này là thật, thì rất có thể người ra lệnh ám sát kịch tác gia không ai khác ngoài Thomas Walsingham. Giả thuyết thậm chí còn được người bạn thân William Shakespear của Marlowe nhắc đến trong vở kịch “As You Like It” sáng tác không lâu sau khi nhà biên kịch mất.