Những bi kịch bị lãng quên

Tai họa này là sự kết hợp thảm khốc của khí độc, lửa và sự im lặng của quân đội. Nó được che giấu trong bí mật đến nỗi rất ít thông tin để lại, mặc dù gần 40 năm sau khi sự cố xảy ra.

Ngọn lửa chết chóc ở đường hầm Salang

Năm 1982, các lực lượng quân sự Liên Xô ở Afghanistan đã bị kéo vào một cuộc chiến dường như không bao giờ kết thúc với các chiến binh mujahedeen. Bị cản trở bởi địa lý cực kỳ khắc nghiệt, các đơn vị quân đội liên tục bị tổn thất, đặc biệt do sự cô lập về địa hình xung quanh. Tại đèo Salang lạnh lẽo trong dãy núi Hindu Kush, những nỗ lực cải thiện địa hình với con đường hầm dài 2,7 km đã trở thành hiện trường của một thảm họa.

Tất cả các phân tích đều cho thấy, một đoàn xe quân sự của Liên Xô đã di chuyển về phía Nam qua đường hầm vào ngày 3/11/1982 và đã có sự cố nghiêm trọng xảy ra. Các nguồn tin có nhiều sự khác biệt. Một số người cho rằng một tàu chở nhiên liệu đã phát nổ, do một vụ tai nạn giao thông hoặc một cuộc tấn công của mujahedeen (mặc dù quân nổi dậy địa phương đã phủ nhận bất kỳ vai trò nào). Những người khác nói rằng không hề có vụ nổ, mà chỉ có một vụ tắc đường khi hai đoàn xe cố gắng vượt qua nhau. Nhưng tất cả các nguồn tin đều cho rằng đã có nhiều cái chết xảy ra nhanh chóng sau đó.

Khi hỏa hoạn xảy ra, ngọn lửa dễ dàng lan truyền từ phương tiện này sang phương tiện khác, làm nổ tung các vật liệu dễ cháy, thùng nhiên liệu và thiêu đốt bất kỳ ai gần khu vực cháy nổ. Ngọn lửa cũng nhanh chóng hút hết oxy trong đường hầm, khiến những người khác chết vì ngạt khói. Mặt khác, hồ sơ quân sự của Liên Xô tuyên bố rằng rất nhiều người lính của Liên Xô và người Afghanistan đã chết vì ngộ độc khí carbon monoxide do nhiều động cơ xe hoạt động trong một không gian hạn chế. Các quân nhân chiến đấu kiệt sức để chống lại ngọn lửa, nhưng dường như mọi nỗ lực của họ đều vô ích. Ước tính số người thương vong ít nhất khoảng từ 100 - 200 người. Một số cho rằng con số có thể lên tới 2.700 người. Dù con số thực tế là bao nhiêu đi nữa, thì đường hầm Salang đã trở thành nấm mồ kinh hoàng trong lịch sử.

Cho dù đó là một vụ tai nạn thương tâm hay là một cuộc tấn công thành công của quân nổi dậy, hoặc là sự kết hợp của cả hai, thì sự cố đường hầm Salang bí ẩn vẫn được cho là vụ tai nạn đường bộ khủng khiếp nhất trong lịch sử giao thông trên mặt đất.

(Còn tiếp)

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/nhung-bi-kich-bi-lang-quen-4025140-b.html