Những bi kịch do loạn thần sát hại người thân

Ngày 21-7-2021, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cùng đưa ra xét xử hai vụ án giết người mà các đối tượng là những người có tiền sử tâm thần và loạn thần do chất kích thích. Khi phát bệnh, các đối tượng đã xuống tay sát hại chính người thân trong gia đình. Những vụ án kiểu này liên tục được cảnh báo, nhưng bi kịch đau lòng vẫn xảy ra.

Thương người nghệ sĩ tài hoa

Chiều 21-7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa bị cáo Dương Quang Bình (SN 1977, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) ra xét xử về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án là chính là nghệ sỹ ưu tú Vũ Mạnh Dũng (em rể bị cáo Bình). Trước khi mất, anh Dũng đang là Phó Đoàn trưởng đoàn hát của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Vụ án đau lòng xảy ra cách đây một năm đã cướp đi sinh mạng của một người nghệ sĩ trẻ tài hoa. Và đau lòng hơn, người gây ra bi kịch ấy lại là anh rể của nạn nhân.

Bị cáo Dương Quang Bình được dẫn giải ra xe chuyên dụng.

Bị cáo Dương Quang Bình được dẫn giải ra xe chuyên dụng.

Theo cáo trạng, năm 2006, Bình cai nghiện ma túy xong và được gia đình đưa đi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Trở về, Bình sinh sống ở gia đình Nghệ sĩ Vũ Mạnh Dũng. Hai người sống ở hai căn nhà khác nhau nhưng có chung cổng.

18h ngày 18-2-2020, Bình đến một quán ăn ở đường Bạch Đằng, phường Chương Dương mua 500ml rượu táo mèo. Khoảng 20h30, Bình uống hết rượu và bắt đầu cãi nhau với vợ là chị Lý Thị Lan. Đến 21h45 cùng ngày, Bình tiếp tục chửi bới, gây gổ với em ruột là chị Dương Thị Hoàng Yến và em rể là NSƯT Vũ Mạnh Dũng (ở cạnh nhà và chung sân với nhà Bình).

Do nghi ngờ anh Dũng lắp camera để theo dõi mình, sau khi cãi nhau, Bình đã khóa trái cửa cổng chung giữa nhà Bình và nhà anh Dũng, làm nghiêng chiếc xe máy của vợ chồng Bình khiến xăng bị đổ ra sân chung rồi châm lửa đốt xe máy. Thấy lửa cháy, vợ Bình hô hoán giúp đỡ và kêu Bình chạy lên tầng hai nhà mình để đưa hai con đẻ ra ngoài.

Nghe tiếng hô hoán, bố đẻ Bình là ông Dương Văn Tất chạy vội ra sân tìm hiểu sự việc. Nhìn thấy bố với chiếc điện thoại trên tay, Bình lập tức giật lấy và vứt xuống nền nhà dẫn đến việc hai bố con Bình giằng co. Thấy vậy, em gái Bình đã gọi điện báo lực lượng Cảnh sát 113.

Khi cán bộ của Đội Cảnh sát trật tự (Công an quận Hoàn Kiếm) đang phá khóa cổng để vào ngăn chặn hành vi nguy hiểm, Bình đã lấy dao nhọn uy hiếp mọi người trong gia đình. Vợ Bình do sợ hai con bị ảnh hưởng đến tính mạng nên vội đưa con sang nhà chị Yến.

Trong khi đó, Bình cầm dao chạy ra sau nhà, trèo qua cửa sổ đi sang nhà chị Yến. Thời điểm đó, trong nhà có vợ chồng chị Yến, bố đẻ anh Dũng là ông Vũ Quang Minh và các cháu nhỏ.

Bị cáo Dương Quang Bình phải nhận án tử hình vì giết em rể.

Bị cáo Dương Quang Bình phải nhận án tử hình vì giết em rể.

Anh Dũng thấy Bình trèo qua cửa sổ định vào trong nhà đã chạy ra ôm giữ Bình để ngăn lại. Bị chặn lại, Bình đã dùng dao nhọn đâm thẳng vào vùng ngực trái của anh Dũng khiến nạn nhân tử vong tại chỗ do mất máu cấp. Ngay sau đó, Bình đã bị Công an quận Hoàn Kiếm khống chế, bắt giữ cùng tang vật.

Theo kết luận giám định pháp y tâm thần của Viện pháp y Tâm thần Trung ương, trước, trong, sau khi thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm giám định, Dương Quang Bình mắc bệnh rối loạn loạn thần do sử dụng nhiều loại ma túy và chất kích thích khác nhau. Bình bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Tại phiên tòa, bị cáo Bình khai nhận, trong cuộc sống hằng ngày, Bình và gia đình em gái không hề có mâu thuẫn gì xảy ra. “Buổi chiều hôm xảy ra vụ án, bị cáo say rượu tại quán tới mức không nhớ được mình về nhà bằng cách nào. Bị cáo hầu như không nhớ gì về những việc mình làm hôm đó, không nhớ là mình đã đốt xe, cãi nhau với vợ hay là cầm dao đi đâu”. Lý giải về hành vi của mình, Bình bao biện “do bị cáo uống rượu say nên không nhớ sự việc đã xảy ra”, đồng thời Bình đổ lỗi cho rượu, rằng hành vi của mình là bị “loạn thần” do lạm dụng chất kích thích, không kiểm soát được hành vi và bày tỏ sự hối hận, mong tòa án xem xét hoàn cảnh gia đình, nhân thân khi lượng hình.

Xét hành vi phạm tội của bị cáo Dương Quang Bình là đặc biệt nghiêm trọng đã tước đoạt tính mạng nạn nhân, gây tang thương mất mát không gì bù đắp cho gia đình bị hại và gây mất an ninh trật tự tại địa phương nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Với hành vi của bị cáo, dù phạm tội khi bị bệnh tâm thần hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do sử dụng chất kích thích và tại phiên tòa đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, ăn năn hối cải nhưng xét hành vi của bị cáo rất côn đồ, hung hãn, đã được giáo dục nhiều lần lại địa phương khi gây rối do sử dụng rượu bia, ma túy nên cần thiết loại trừ vĩnh viễn bị cáo ra khỏi đời sống xã hội. Trên cơ sở đó, HĐXX đã tuyên phạt Tử hình bị cáo về tội Giết người. Đây cũng là cái giá phải trả cho việc sử dụng chất kích thích là rất lớn.

Truy sát chú họ và hàng xóm vì phát bệnh

Cũng trong ngày 21-7, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đưa bị cáo Đỗ Văn Đạt (SN 1988, ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội) ra xét xử về tội “Giết người”. Bị hại trong vụ án là chú họ và hàng xóm của Đạt.

Theo hồ sơ vụ án, Đỗ Văn Đạt là đối tượng mắc bệnh tâm thần. Các năm 2011 và 2017, Đạt điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 về bệnh “Tâm thần phân liệt không biệt định”, “Rối loạn cảm xúc lưỡng cực”. Năm 2015, Đạt tiếp tục điều trị bệnh “Tâm thần phân liệt” tại Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội. Và từ năm 2018, Đạt điều trị ngoại trú tại phòng khám tâm thần – Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai.

Công an quận Hoàn Kiếm khống chế đối tượng Dương Quang Bình thời điểm gây án.

Công an quận Hoàn Kiếm khống chế đối tượng Dương Quang Bình thời điểm gây án.

Trưa 13-10-2019, gia đình Đạt tổ chức giỗ ông nội Đạt tại nhà. Đến khoảng 17h cùng ngày, Đạt tái phát bệnh tâm thần, tự chửi một mình: “Đ. mẹ chúng mày khinh tao nghèo, khinh tao thần kinh”. Vừa chửi, Đạt vừa đập vỡ bát, gương, cốc trong nhà.

Thấy Đạt như vậy, chị Phùng Thị Hương (vợ Đạt) và chị Đỗ Thị Hương (em gái Đạt) sợ bị đánh nên chạy sang nhà anh Hà Danh Hùng (hàng xóm) nói cho anh biết sự việc. Nghe vậy, anh Hùng đã gọi điện cho những người khác và bảo họ tới nhà Đạt khuyên bệnh nhân đi chữa bệnh thần kinh.

Đến khoảng 18h cùng ngày, anh Hùng và ông Đỗ Ngọc Lực (trưởng họ Đỗ) ngồi trong nhà uống nước, nói chuyện với Đạt. Những người khác đứng ngoài sân nói chuyện.

Khoảng 10 phút sau, ông Lực ra sân nói với mọi người cần đưa Đạt đi bệnh viện điều trị bệnh tâm thần. Nói xong, ông Lực quay vào nhà bảo Đạt đi chữa bệnh.

Lúc này, Đạt nói: “Lại đi viện à”. Nói xong, Đạt chạy vào buồng lấy con dao quắm chạy ra phòng khách. Thấy chồng cầm dao chạy ra, chị Phùng Thị Hương hô to: “Anh Đạt cầm dao, chạy đi”. Vừa lúc đó, Đạt cầm dao chạy đến chỗ anh Hùng đang ngồi, giơ dao chém nhiều nhát vào đầu anh Hùng. Bị chém, anh Hùng giơ tay lên đỡ và ngã nằm xuống đất, bị thương đứt gân ngón tay, gãy xương trụ.

Chứng kiến cảnh đó, những người xung quanh đã chạy vào can ngăn, giằng con dao trong tay Đạt. Không giằng được dao, mọi người bỏ chạy ra sân. Đạt đuổi theo, chém người thì bị ông Lực ôm từ phía sau lưng giữ lại.

Lúc này, Đạt đẩy ông Lực ra. Sau đó, Đạt cầm dao quắm chém nhiều nhát vào người ông Lực khiến nạn nhân gục tại chỗ. Gây án xong, Đạt đóng cửa nhà lại, cố thủ bên trong.

Bị cáo Đỗ Văn Đạt tại tòa.

Bị cáo Đỗ Văn Đạt tại tòa.

Đến khoảng 20h cùng ngày, Công an huyện Quốc Oai cùng các lực lượng chức năng đến hiện trường đã phá cửa nhà và bắt giữ Đạt, đưa ông Lực đi cấp cứu. Tuy nhiên, ông Lực đã tử vong trước khi đến bệnh viện. Anh Hùng bị thương cũng được đưa đến bệnh viện cấp cứu và tổn hại 18% sức khỏe.

Mở tòa xem xét tội trạng của bị cáo, HĐXX sơ thẩm Toàn án nhân dân Thành phố Hà Nội khẳng định cáo trạng truy tố là có căn cứ, đúng pháp luật. Bị cáo đã phạm tội “Giết người” với tình tiết định khung là giết nhiều người.

Tuy nhiên ở thời điểm phạm tội, bị cáo bị hạn chế nhận thức và điều khiển hành vi. Trên cơ sở đó, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Đỗ Văn Đạt 20 năm tù, theo đúng tội danh bị truy tố.

Quản lý người tâm thần tại gia đình thế nào cho hiệu quả?

Bác sĩ Lê Thị Thanh Thu, Chuyên khoa 2, Trưởng Khoa Bán cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết: có hai loại tâm thần là tâm thần không gây án và tâm thần gây án. Có những loại tuy biểu hiện bên ngoài nặng như chửi bới, gây gổ, đập phá, đánh người khác… nhưng chưa chắc đã là bệnh nặng và ngược lại. Có thể chỉ là do họ sử dụng ma túy, sử dụng chất kích thích lâu dài. Ngược lại, có những người biểu hiện ra bên ngoài nhẹ nhưng chưa chắc bệnh đã nhẹ.

Gia đình cần phải đưa đến khám và điều trị tại các bệnh viện chuyên về sức khỏe tâm thần. Khi đó, người bệnh được uống thuốc đầy đủ. Tất cả các loại bệnh tâm thần nếu được khám và điều trị đầy đủ sẽ được khống chế, bệnh thuyên giảm. Hậu quả đối với xã hội, cộng đồng sẽ giảm hơn.

Đa phần các vụ án đau lòng do người tâm thần gây nên nạn nhân đều là những người trong gia đình. Chỉ vì chủ quan, không đề phòng chính người thân của mình, không theo dõi sát sao bệnh tình của họ mà thảm án xảy ra. Người thân của người bệnh sẽ là người gần gũi, nắm bắt bệnh tình và đặc biệt là phải đưa người bệnh đi chữa trị triệt để. Phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, không để các đồ dùng dễ gây sát thương cạnh bệnh nhân, đặc biệt là tránh gây kích động cho bệnh nhân.

Trâm Anh

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/nhung-bi-kich-do-loan-than-sat-hai-nguoi-than-652232/