Những bí thư 8X – bước tiến trẻ hóa đội ngũ cán bộ cơ sở của Châu Thành
Xác định tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ trẻ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Châu Thành đã mạnh dạn quy hoạch, bố trí, luân chuyển cán bộ trẻ về cơ sở giữ chức danh lãnh đạo chủ chốt. Những bí thư 8X là bước tiến mới nhằm tạo môi trường để cán bộ trẻ rèn luyện, trưởng thành, qua đó kiểm tra năng lực lãnh đạo, điều hành, phục vụ nhân dân, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị cơ sở.
Khẳng định năng lực
Năm 2013, đồng chí Trần Quốc Phong (sinh năm 1981) được luân chuyển về cơ sở giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Ninh khi ở tuổi 32. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, đồng chí Phong đã khơi dậy nhiều phong trào, chọn những việc cần làm ngay, những việc còn vướng mắc để tháo gỡ. Đồng chí Phong chia sẻ: “Bác đã từng dạy “cán bộ là đầy tớ của dân” nên phải có thái độ phục vụ đúng mực. Khi công tác ở cơ sở, tôi luôn nhắc nhở đồng chí của mình đề cao trách nhiệm này, vì dân mà phục vụ, khi dân đến cơ quan liên hệ giải quyết thủ tục hành chính thì cán bộ phải nói năng nhẹ nhàng, hướng dẫn tận tình”. Tiêu biểu là đồng chí Trần Quốc Phong đã chỉ đạo xây dựng mô hình cải cách hành chính phục vụ nhân dân, thứ tư hàng tuần sẽ có đoàn công tác của bộ phận 1 cửa trực tiếp xuống địa bàn vùng sâu, vùng xa giải quyết thủ tục hành chính cho dân. Để tránh tiêu cực, Đảng ủy xã cũng phân công đại diện mặt trận, đoàn thể phối hợp để thực hiện chức năng giám sát.
Đồng chí Trần Quốc Phong - Bí thư Đảng ủy xã An Ninh luôn sâu sát cơ sở để hiểu hơn về cuộc sống của nhân dân. Ảnh: Song Lê
Nhờ sâu sát cơ sở, đồng chí Trần Quốc Phong nhanh chóng nắm bắt tình hình đời sống nhân dân và tham mưu Ban Thường vụ ban hành những nghị quyết quan trọng trong thực hiện những mô hình phù hợp với địa phương. Điển hình nhất là tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã lãnh đạo phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng trồng lúa đặc sản để nâng cao năng suất, thu nhập, phát triển kinh tế tập thể, vận động nhân dân tận dụng đất rẫy, đất trống, đưa màu xuống chân ruộng, xây dựng mô hình giảm nghèo thông qua chăn nuôi bò thịt, bò sữa. Từ đó, nâng cao thu nhập bình quân đầu người từ 25 triệu đồng/năm lên 45 triệu đồng/năm.
Qua thời gian thử thách và khẳng định được năng lực, đồng chí Trần Quốc Phong được bổ nhiệm chức danh Bí thư Đảng ủy xã vào năm 2020 và được bầu tái đắc cử với số phiếu cao tại Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020 - 2025. “Gần 7 năm công tác ở cơ sở, điều mà tôi có được là những trải nghiệm và có được những kinh nghiệm quý giá để vận dụng hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao” – đồng chí Trần Quốc Phong cho biết.
Dám nghĩ, dám làm
Được luân chuyển về cơ sở giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân vào năm 2019, đồng chí Dương Thị Trang (sinh năm 1986) nghĩ ngay đến việc phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, bởi nội dung này có tác động trực tiếp đến quá trình lãnh đạo của Đảng và quá trình nhận thức của mỗi đảng viên.
Theo đồng chí Dương Thị Trang, thực tế công tác quản lý đảng viên từng lúc, từng nơi chưa chặt, công tác giáo dục đảng viên chưa được chú trọng; nội dung sinh hoạt chi bộ chưa sâu, tính gương mẫu, tính chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình còn yếu; một số cấp ủy chưa thực hiện tốt công tác nắm và hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đảng viên. Một số nơi chi bộ chưa thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, giáo dục, quản lý, kiểm tra, giám sát và rèn luyện đội ngũ đảng viên. Từ đó, vai trò hạt nhân của chi bộ, tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên chưa được thể hiện rõ nét, ít nhiều làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền cơ sở.
Từ đó, đồng chí Dương Thị Trang chỉ đạo việc sinh hoạt chi bộ phải chuẩn bị kỹ nội dung, xác định và chọn những việc cụ thể, thiết yếu liên quan đến thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ và quyền lợi của đảng viên, quần chúng, nhất là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để đưa ra thảo luận, bàn biện pháp khắc phục. Kịp thời biểu dương, động viên những đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhắc nhở, giúp đỡ những đảng viên còn những mặt hạn chế, khuyết điểm.
Theo đồng chí Dương Thị Trang, qua thời gian củng cố, hiện tại Đảng bộ xã Phú Tân có 13 chi bộ với 252 đảng viên (trong đó có 128 đảng viên là người Khmer). Đảng ủy cũng thực hiện chặt chẽ việc xem xét để có hướng giải quyết đối với trường hợp đảng viên đi làm ăn xa một cách “thấu tình đạt lý”.
Vừa làm vừa học hỏi
Đồng chí Lý Ngân - Bí thư Đảng ủy xã Phú Tâm có thể được coi là một trong những Bí thư của thế hệ 8X (sinh năm 1985) năng động, nhiệt huyết. Xuất thân từ cán bộ đoàn, đồng chí Lý Ngân được rèn luyện, trưởng thành từ đội dự bị tin cậy của Đảng, sự nhiệt tình, tâm huyết với phong trào là điều mọi người nhìn nhận đối với Ngân. Tháng 5-2020, đồng chí Lý Ngân được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy xã trong Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Phú Tâm nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Lý Ngân chia sẻ: “Ban đầu cũng có nhiều bỡ ngỡ, đòi hỏi bản thân phải cố gắng rèn luyện và học hỏi nhiều hơn. May mắn là ở xã Phú Tâm có nhiều cô, chú lão thành cách mạng từng công tác ở tỉnh, ở huyện chỉ dạy, tôi cũng không ngần ngại học hỏi kinh nghiệm của những cán bộ cao niên trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành để hoàn thiện bản thân”.
Đồng chí Phan Văn Sơn - Bí thư Chi bộ ấp Thọ Hòa Đông A, chia sẻ: “Có bí thư trẻ, anh em đảng viên chúng tôi mừng lắm vì trẻ thì luôn năng động, nhiệt huyết, không ngại khó, ngại khổ, gắn bó, gần gũi với nhân dân ở xã có đông đồng bào Khmer như Phú Tâm”.
Đồng chí Lý Ngân cũng quan niệm: “Với vai trò là người đứng đầu, tôi luôn nhắc nhở mình phải luôn gương mẫu, có tinh thần học hỏi, phê bình và tự phê bình, nghiêm khắc với bản thân, đồng thời nói phải đi đôi với làm. Ngoài ra, luôn chú trọng đến vấn đề cán bộ phải gần dân, sống với dân để hiểu và đi sâu vào tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”.
Cơ hội để trưởng thành
Đồng chí Sơn Pô - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Châu Thành cho biết: “Trong công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ trẻ, tạo nguồn kế thừa, không ngần ngại tạo điều kiện thuận lợi nhất để thế hệ này phát huy tối đa năng lực, trình độ. Điển hình là trước và sau đại hội cấp cơ sở và Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy đã luân chuyển hơn 10 cán bộ thế hệ 8X giữ chức danh chủ chốt như bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND các xã, thị trấn. Đặc biệt đối với những bí thư Đảng ủy xã trẻ đều được cơ cấu và được đại hội bầu trúng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Châu Thành khóa XII. Theo đánh giá bước đầu, các cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm đều phát huy được năng lực, vai trò, vị trí của mình trong lĩnh vực công tác, góp phần tích cực vào công tác xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã của địa phương”.
Có thể nói, luân chuyển là một trong những yêu cầu quan trọng trong công tác tổ chức cán bộ nhằm đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ từ điều kiện thực tiễn cơ sở. Lấy khó khăn, thử thách, rèn luyện để trưởng thành. Quan trọng hơn, việc luân chuyển cán bộ đã được thực hiện theo đúng nguyên tắc dân chủ, khách quan, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của cán bộ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng chí Dương Vĩnh Hưng - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành đánh giá: “Tại những nơi có cán bộ luân chuyển, công tác chuyên môn ngày càng được nâng cao, ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở được nâng lên, nhân dân đồng thuận và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng quan trọng là những cán bộ này phải luôn giữ vững được lập trường, tư tưởng, không dao động trước khó khăn, không mơ hồ về mục đích phấn đấu, chạy theo thành tích, đừng “thay giọng, đổi tướng” nếu được cân nhắc ở vị trí lãnh đạo cao hơn”.