Những biến chứng nguy hiểm của viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa là bệnh rất phổ biến và lứa tuổi nào cũng có thể mắc. Dấu hiệu của bệnh dễ nhận biết như: đau bụng quanh rốn, từ 5-6 giờ sau cơn đau sẽ chuyển sang bên phải, sốt. Bệnh nếu được phát hiện sớm điều trị đơn giản và ít gây biến chứng.

Bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai tư vấn về bệnh viêm ruột thừa cho một bệnh nhân. Ảnh: S.Mai

Bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai tư vấn về bệnh viêm ruột thừa cho một bệnh nhân. Ảnh: S.Mai

Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Ngọc Lưỡng, Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, vẫn còn một số bệnh nhân chủ quan nên khi bệnh trở nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm mới vào bệnh viện để điều trị.

* Vẫn còn chủ quan

Vì chủ quan và tự ý mua thuốc uống nên vào ngày 25-2 vừa qua, bệnh nhân N.T.B.L. (61 tuổi, ở P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) phải vào Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai phẫu thuật cấp cứu do viêm ruột thừa.

Trước đó, bà L. có triệu chứng đau bụng quanh rốn, sau đó cơn đau chuyển sang phải và có kèm theo các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa như: đi cầu, nôn ói. Cứ nghĩ mình bị rối loạn tiêu hóa nên bà L. đã mua thuốc về uống, 1 ngày sau đó bệnh không khỏi mà trở nên nặng hơn, cơn đau nhiều hơn và sốt. Lúc này người nhà mới đưa bà L. vào viện khám và được chẩn đoán bà L. bị viêm ruột thừa và tiến hành mổ khẩn cấp.

Là người trực tiếp phẫu thuật cho bà L., bác sĩ Lưỡng cho hay: “Trong quá trình phẫu thuật, chúng tôi phát hiện bệnh nhân bị viêm phúc mạc và hoại tử do viêm ruột thừa để quá lâu. Bình thường, sau khi cắt phần ruột thừa bị viêm sẽ cột thắt lại bằng chỉ, còn trường hợp bà L. phải khâu lại đáy manh tràng, vì gốc ruột thừa không còn mềm mại do bị hoại tử”.

Viêm ruột thừa nếu được phát hiện, điều trị sớm khả năng hồi phục nhanh, từ 3-4 ngày có thể xuất viện, còn để muộn thì không những thời gian mổ kéo dài, xử lý khó mà bệnh nhân lâu hồi phục, chi phí điều trị cao.

Cứ trung bình 1 tháng, bệnh viện phẫu thuật điều trị cho khoảng 90 ca bị viêm ruột thừa, trong đó có hơn 10 ca bị nhiễm trùng, hoại tử, viêm phúc mạc do chủ quan vào viện trễ.

* Cần được phát hiện sớm

Theo bác sĩ Lưỡng, mặc dù số bệnh nhân nhập viện phẫu thuật điều trị vì lý do chủ quan không nhiều, nhưng nếu để bệnh kéo dài sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Thời gian mổ ruột thừa tốt nhất là từ khi bệnh khởi phát 8-10 giờ đầu, còn để quá lâu nguy cơ vỡ ruột thừa rất cao, dẫn đến khó khăn cho việc phẫu thuật cũng như hồi sức sau mổ.

Viêm ruột thừa phần lớn là do bít tắc lòng ruột thừa (các dịch, chất nhầy không thông) dẫn đến tắc nghẽn ở ruột thừa và khiến ruột thừa bị viêm. Bệnh nhân không nên nhầm lẫn giữa viêm ruột thừa với rối loạn tiêu hóa, vì có một số bệnh nhân khi có những triệu chứng của viêm ruột thừa và kèm theo tiêu chảy, nôn ói, từ đó tự kết luận mình bị rối loạn tiêu hóa rồi tự ý mua thuốc uống, như vậy rất nguy hiểm. Khi có các dấu hiệu của bệnh viêm ruột thừa, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa khám, chẩn đoán phát hiện sớm để được điều trị kịp thời.

“Người bệnh không nên chủ quan chịu đựng cơn đau, vì khi cơn đau không chịu được mới đi khám thì khi đó bệnh đã tiến triển nặng và rất khó điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân nên chú ý trong vấn đề ăn uống, không nên nuốt các hạt ổi, ớt… vì những hạt này khi nuốt vào sẽ khó tiêu hóa và có thể dẫn đến bí tắc lòng ruột thừa và gây viêm ruột thừa” - bác sĩ Lưỡng khuyến cáo.

Sao Mai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202003/nhung-bien-chung-nguy-hiem-cua-viem-ruot-thua-2991214/