Những biến số lớn có thể 'xoay vần' tương lai xung đột Nga-Ukraine, vì sao Kiev không còn tìm cách vào NATO bằng mọi giá?

Nga và Ukraine đang lên kế hoạch cho các chiến lược quan trọng trong năm 2025. Có nhiều yếu tố quan trọng mà cả hai cần phải tính đến để quyết định cục diện xung đột.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sẽ phải cân nhắc chiến lược trước nhiều biến số khó lường. (Nguồn: AP)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sẽ phải cân nhắc chiến lược trước nhiều biến số khó lường. (Nguồn: AP)

Bốn yếu tố có tính quyết định

Trong một bài viết gần đây trên tờ The Interpreter, tác giả Mick Ryan, thành viên cao cấp về nghiên cứu quân sự trong Chương trình an ninh quốc tế của Viện Lowy đã nhận định rằng Ukraine, Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang xem xét chiến lược cho các chiến dịch quân sự vào năm 2025.

Theo ông Mick Ryan, 6 tháng vừa qua là khoảng thời gian tồi tệ đối với Ukraine trong xung đột với Nga. Bắt đầu từ việc Tổng thống Ukraine thừa nhận vào tháng 12 năm ngoái rằng cuộc phản công năm 2023 đã thất bại, Ukraine cũng đứng trước tình trạng thiếu hụt đạn dược do cuộc tranh luận kéo dài nhiều tháng tại Quốc hội Mỹ và sự thiếu hụt đáng kể về nhân sự tiền tuyến.

Nga đã tránh các cuộc tấn công quy mô lớn và thay vào đó thực hiện nhiều cuộc tấn công nhỏ nhằm từ từ giành ưu thế trên thực địa.

Chuyên gia Mick Ryan cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có ý định thực hiện chiến lược này vô thời hạn. Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách của Ukraine sẽ bắt đầu suy nghĩ về những hoạt động tấn công trong tương lai để giải phóng nhiều lãnh thổ hơn.

Ông Mick Ryan cho rằng những sự kiện diễn ra trong 6 tháng qua sẽ tác động cơ bản đến cách Ukraine, Nga và NATO xem xét chiến lược của mình trong năm 2025. Tuy nhiên, ông Mick Ryan nhấn mạnh một số nhân tố ảnh hưởng đến quỹ đạo của cuộc xung đột ở Ukraine trong năm tới.

Đầu tiên sẽ là khả năng hỗ trợ của châu Âu. Đứng trước nhiều sức ép, ngân sách quốc phòng của châu Âu đã bắt đầu tăng lên. Đồng thời, các khoản đầu tư vào năng lực sản xuất quốc phòng, bao gồm thiết bị và đạn dược, đang làm tăng sản lượng cũng như tăng khả năng hỗ trợ các thiết bị phục vụ cho Ukraine.

Nếu việc mở rộng chi tiêu quốc phòng của châu Âu tiếp tục diễn ra sẽ có thể cung cấp một tỷ lệ lớn hơn cho nhu cầu quân sự của Ukraine từ năm 2025 trở đi.

Ảnh hưởng thứ hai đến quỹ đạo của xung đột là sự phát triển khái niệm "chiến thắng" của Ukraine. Chính xác thì "chiến thắng" theo quan điểm của Ukraine có "hình hài" như thế nào và họ có thể đạt được bằng cách nào? Có khả năng "chiến thắng" đó sẽ bao gồm cả quân sự, kinh tế, ngoại giao, thông tin và cả việc phát triển học thuyết quân sự tấn công mới, hiệu quả hơn.

Thứ ba là khả năng các sự kiện bên ngoài Trung Âu có thể để đánh lạc hướng những người ra quyết định quan trọng ở Mỹ và những người ủng hộ Ukraine hay chuyển hướng các nguồn lực quan trọng sang những điểm nóng khác hay không, căng thẳng ở Dải Gaza là một ví dụ.

Cuối cùng là kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Chuyên gia Mick Ryan cho rằng Tổng thống Putin sẽ hy vọng vào chiến thắng của ứng cử viên Đảng Cộng hòa.

Cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy sự chia rẽ giữa cử tri Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ trong vấn đề Ukraine: 49% đảng viên Cộng hòa tin rằng Mỹ đang hỗ trợ quá nhiều cho Ukraine, trong khi chỉ có 16% đảng viên Dân chủ có suy nghĩ này.

Do đó, một chiến thắng của Đảng Cộng hòa trong cuộc đua tổng thống, cũng như trong các cuộc bầu cử Thượng viện và Hạ viện, có thể có lợi cho Nga. Tuy nhiên, theo chuyên gia Mick Ryan, điều này không nên được coi là một điều chắc chắn. Nếu Tổng thống đắc cử là ông Donald Trump không thể “kết thúc xung đột trong 24 giờ”, ông ấy có thể sẽ chống lại Tổng thống Vladimir Putin.

Ukraine và Nga sẽ lên kế hoạch cho các hoạt động mùa Đông năm 2024 và dự tính các hoạt động tấn công vào năm 2025. Chuyên gia Mick Ryan cho rằng có một loạt biến số như trên sẽ tác động đến tư duy và sự hoạch định chiến lược này. Ngoài ra, trong môi trường công nghệ và địa chính trị đang phát triển nhanh chóng, những bất ngờ chiến lược có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo của cuộc xung đột.

Ukraine khó có thể trở thành thành viên của NATO. Ảnh minh họa.(Nguồn: Adobe Stock)

Ukraine khó có thể trở thành thành viên của NATO. Ảnh minh họa.(Nguồn: Adobe Stock)

Bảo đảm an ninh quan trọng hơn

Câu chuyện về việc Ukraine trở thành thành viên NATO trong tương lai cũng đang được tranh luận sôi nổi trước thềm hội nghị thượng đỉnh sắp tới của liên minh này tại Washington.

Vừa qua, hàng chục chuyên gia chính sách đối ngoại đã kêu gọi các thành viên NATO tránh việc thúc đẩy tư cách thành viên Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh, cảnh báo rằng điều đó sẽ gây nguy hiểm cho Mỹ cùng các đồng minh và sẽ phá vỡ liên minh.

Nhóm này lập luận rằng nếu Ukraine được kết nạp, việc Nga tấn công Ukraine trong tương lai sẽ kích hoạt Điều 5 của NATO, trong đó kêu gọi các đồng minh bảo vệ thành viên bị tấn công.

Điều 5 của NATO đã trở thành lập luận phổ biến của những người phản đối tư cách thành viên của Ukraine, và lập trường công khai như vậy của hơn 60 nhà phân tích cung cấp một cái nhìn sơ lược về các lập luận có thể sẽ được đưa ra tại sự kiện kéo dài 3 ngày, bắt đầu vào 9/7.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã hạn chế ủng hộ tư cách thành viên trực tiếp của Kiev nhưng nhiều quan chức hàng đầu gần đây cho biết một “cầu nối” để gia nhập liên minh sẽ được cung cấp cho Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh NATO lần này.

Các quan chức cho biết NATO cũng sẽ cung cấp cho Ukraine một trụ sở mới để quản lý viện trợ quân sự - một cử chỉ thiện chí rằng phương Tây sẽ ủng hộ Ukraine về lâu dài, ngay cả khi nước này không đủ khả năng trở thành thành viên ngay bây giờ.

Trên trang Foreign Affairs ngày 3/7, Tổng thư ký NATO sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg không đề cập rõ ràng tư cách thành viên của Ukraine nhưng ám chỉ tương lai của Kiev khi sát cánh cùng liên minh và những lo ngại về vấn đề này: “Chúng tôi muốn nói rõ rằng chúng ta sẽ mắc kẹt trong tình trạng này trong một thời gian dài… Việc tăng cường hỗ trợ của chúng tôi không khiến NATO trở thành một bên trong cuộc xung đột này”.

Tuy vậy, về phần mình, Ukraine không mong đợi có nhiều chuyển biến về tư cách thành viên tại hội nghị thượng đỉnh. Đúng hơn, bảo đảm an ninh là những gì họ đang tìm kiếm.

Phó thủ tướng Ukraine về hội nhập EU và Euro-Atlantic Olga Stefanishyna chia sẻ với Politico gần đây: “Bỏ lời mời chính thức sang một bên, chúng tôi cũng mong đợi các quyết định cụ thể liên quan đến tư cách thành viên của Ukraine vào NATO, trong một gói có các bảo đảm khác về tính liên tục của viện trợ quân sự và tăng cường khả năng tương tác”.

Reuters gần đây đưa tin đã có những tín hiệu đầy hy vọng cho Kiev: Các thành viên NATO đồng ý về việc duy trì nguồn tài trợ quân sự cho Ukraine ở mức 43 tỷ USD vào năm 2025, bằng mức tài trợ mà liên minh này đã cung cấp kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt. Ngày 2/7, Mỹ công bố gói an ninh mới trị giá 2,3 tỷ USD cho Ukraine.

(theo The Interpreter, Reuters, Politico)

Vy Vy

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-bien-so-lon-co-the-xoay-van-tuong-lai-xung-dot-nga-ukraine-vi-sao-kiev-khong-con-tim-cach-vao-nato-bang-moi-gia-277923.html