Những biến tướng từ kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê chính thức hết đất sống kể từ ngày 1/1/2021 sau một thời gian dài gây bất ổn cho xã hội bởi kiểu hoạt động đậm chất… giang hồ.
Trước khi bị “khai tử”, các công ty đòi nợ thuê có nơi tính toán giải thể, có nơi chuyển đổi ngành nghề và cũng không ít doanh nghiệp quyết “bám trụ” bằng cách lách luật, thành lập công ty mua bán nợ rồi hoạt động… y như cũ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn TP HCM có 67 công ty đòi nợ thuê, trong đó có 45 doanh nghiệp (711 lao động) được cấp phép, tổng vốn điều lệ hơn 111 tỷ đồng. Số doanh nghiệp còn lại hoạt động "chui", tức không hoạt động tại địa điểm đã đăng ký.
Ðại tá Nguyễn Ðăng Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP HCM từng khẳng định, 99% công ty thu hồi nợ hoạt động không đúng quy định của pháp luật; có biểu hiện câu kết với các băng nhóm ở bên ngoài sử dụng nhiều chiêu trò gây rối, khủng bố tinh thần, ném mắm tôm, nước sơn… vào nhà người nợ tiền.
Do vậy mà việc cấm kinh doanh loại hình này được sự đồng thuận rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước và người dân. Tuy nhiên, giữa năm 2020, khi Quốc hội thông qua Luật Ðầu tư đến 1-1-2021 sẽ cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, dịch vụ đòi nợ thuê sẽ không mất đi mà có thể biến tướng sang một dạng khác và lo ngại này đã trở thành hiện thực…
Một số công ty đòi nợ thuê khá có tiếng ở TP HCM như: Đ.T, S.L (Tân Bình), H.P (Bình Tân), T.T (Gò Vấp)… bỗng chốc trở thành công ty mua bán nợ sau thời điểm có quyết định chính thức việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Trong vai một người cần bán khoản nợ khó đòi hơn 500 triệu đồng, tôi liên hệ qua tổng đài của công ty mua bán nợ Đ.T.
Đầu dây bên kia, một người đàn ông tự xưng là giám đốc công ty hỏi tôi chi tiết về khoản nợ rồi nói: “Anh biết rồi đó, do đòi nợ thuê bị cấm kinh doanh từ đầu năm sau nên tôi thành lập công ty mua bán nợ là để có pháp nhân thôi chứ thực chất vẫn đòi nợ thuê. Anh muốn đòi thì tôi giúp”. Tôi nói chỉ muốn bán đứt khoản nợ này với giá phân nửa cũng được thì người đàn ông kia từ chối và cúp máy. Tôi tiếp tục liên hệ với một số công ty mua bán nợ khác thì cũng được trả lời là đòi nợ chứ không mua.
Không chỉ mua bán nợ (thực chất là đòi nợ thuê) từ các cá nhân, doanh nghiệp; các công ty mua bán nợ biến tướng còn là “sân sau” của các ngân hàng, công ty tài chính cho vay tín chấp. Và kiểu đòi nợ thì tất cả đều phải sử dụng chiêu trò theo kiểu… giang hồ. Trường hợp Ngân hàng T.V là một ví dụ. Ông T. ở quận Gò Gấp vay nợ và mất khả năng chi trả vốn cộng lãi 80 triệu đồng. Sau khi không đòi được nợ, Ngân hàng T.V đã bán nợ cho công ty H.L. Ngay sau đó công ty này tìm đến nhà ông T. chửi bới, đe dọa và tạt nước sơn để đòi nợ…
Một chuyên gia luật cho biết, theo Nghị định 69/2016/NĐ-CP, điều kiện để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là doanh nghiệp phải có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phù hợp với quy định. Người quản lý của doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện là có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhận. Có ít nhất 5 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, pháp luật, định giá tài sản hoặc mua bán nợ và có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng.
Với quy định này, mới tìm hiểu qua có lẽ mọi người cho rằng điều kiện “khó nuốt” nhất là phải có vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng. Nhưng thực chất đây lại là điều kiện dễ nhất, bởi cũng theo quy định hiện hành, nếu đăng ký ngành nghề kinh doanh không yêu cầu mức vốn pháp định thì người thành lập muốn ghi vốn điều lệ bao nhiêu cũng được mà không cần phải chứng minh nguồn vốn. Cho nên chuyện thành lập công ty với vốn điều lệ 100 tỷ đồng là chuyện dễ như trở bàn tay.
Thời hạn góp vốn điều lệ vào công ty là 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau ngày này, nếu các thành viên không góp đủ thì sẽ phải điều chỉnh về số vốn thực tế đã góp. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, có rất nhiều doanh nghiệp đăng ký mức vốn điều lệ công ty “khủng” nhưng sau đó cũng không cần điều chỉnh hay thay đổi gì.
Trong trường hợp bị phát hiện không góp đủ số tiền theo vốn điều lệ thì doanh nghiệp có thể bị phạt từ 10-20 triệu đồng nhưng trên thực tế việc hậu kiểm này đang bỏ ngỏ, rất ít khi nghe doanh nghiệp nào bị phạt không góp đủ vốn điều lệ. Từ bất cập này nên chuyện các công ty đòi nợ thuê chuyển thành công ty mua bán nợ chẳng mấy khó khăn. Và như vậy chuyện công ty mua bán nợ đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” như các công ty đòi nợ thuê trước đây là điều khó tránh khỏi vì thực tế chỉ là “bình mới rượu cũ”.
Bên cạnh biến tướng trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này con lo ngại sẽ xuất hiện thêm một kiểu “lách luật” khác, đó là đòi nợ thuê núp bóng dưới hình thức cho thuê lao động. Tức các công ty đòi nợ thuê sẽ chuyển sang thành lập công ty cho thuê lao động. Sau đó ký kết với đối tác (chủ nợ) cho thuê lao động (vốn là những nhân viên thu hồi nợ trước đây) và sử dụng số người này vào mục đích đi đòi nợ.
Có một thực tế không thể phủ nhận, sở dĩ dịch vụ thu hồi nợ có nhiều biến tướng là xuất phát từ nhu cầu thực tế trong xã hội. Khi chuyện vay mượn nợ nhau trong cộng đồng rồi mất khả năng thanh toán hoặc chây ì không trả nợ vay vẫn còn xảy ra nhiều. Các doanh nghiệp không có thực lực tài chính, thiếu tính toán trong kinh doanh, làm liều vay bên ngoài để kinh doanh, đến khi thất bại thì lẩn tránh chủ nợ còn xảy ra khá nhiều.
Và cũng không ít người ham mê bài bạc, số đề, cá độ đá bóng… vay tiền nặng lãi để thỏa nhu cầu sát phạt, đến khi “cháy túi” thì bỏ trốn, để lại khoản nợ cho gia đình gánh chịu. Trong khi đó, việc đòi nợ hợp pháp bằng con đường khởi kiện tại tòa án thì lại kéo dài thời gian, mất thêm công sức, tiền của nhưng đến khi thắng kiện thì chưa chắc lấy lại được tiền vì người nợ không có tài sản để thi hành án.
Đặc biệt hơn, việc xử lý hình sự về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hiện nay cũng gặp không ít khó khăn. Bởi một trong những điều kiện cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Bộ luật Hình sự đó là “vay, mượn, thuê tài sản hoặc nhận tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”. Theo một điều tra viên Phòng CSHS Công an TP HCM, chẳng có ai dại đột khai với cơ quan điều tra là đã sử dụng số tiền mình chiếm đoạt vào mục đích bất hợp pháp cả nên rất khó xử lý về hành vi này.
Qua những vấn đề phân tích ở trên, cho thấy, để hạn chế vấn nạn đòi nợ thuê cùng nhiều hậu quả đi kèm, đòi hỏi phải trám nhiều kẽ hở của pháp luật, liên quan đến nhiều lĩnh vực chứ không đơn thuần là tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự của lực lượng Công an.