Những bộ phim chuyển thể hoàn hảo từ tiểu thuyết gốc

Việc chuyển thể đòi hỏi nhà làm phim phải khai thác tư duy của tác giả và truyền tải hiệu quả mà không làm mất đi bản chất của câu chuyện. Dưới đây là những tác phẩm làm được như thế.

The Color Purple (1985) - Giữ được sự ấm áp và sức mạnh của tiểu thuyết: Steven Spielberg là một trong số ít đạo diễn phim có tầm nhìn nghệ thuật cần thiết để chuyển thể The Color Purple lên phim, mặc dù tờ The New York Times chỉ trích bộ phim vì đã biến lối viết đơn giản của Alice Walker thành "một xứ sở thần tiên đầy hoa". Tuy nhiên, tờ báo tiếp tục nói thêm rằng: "Bộ phim The Color Purple của ông Spielberg vẫn có được đà phát triển, sự ấm áp và sức hút bền bỉ”. Hơn nữa, Walker rõ ràng là người chịu trách nhiệm tuyển diễn viên cho vai diễn nhân vật chính Celie của mình, và vai diễn cuối cùng thuộc về Whoopi Goldberg. Ảnh: Amblin.

Giết con chim nhại (1962) - Cung cấp một chiều sâu đáng kinh ngạc về bối cảnh xã hội: Cuốn tiểu thuyết định hình thời đại của Harper Lee, Giết Con Chim Nhại, là bức tranh nhạy cảm nhưng đầy ám ảnh về sự bất công chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ. Hai góc nhìn song song của tác phẩm - Scout Finch và xã hội nói chung - mang đến một chiều sâu đáng kinh ngạc về bối cảnh xã hội thời bấy giờ. Bản chuyển thể điện ảnh (với diễn xuất tài tình của Gregory Pick trong vai Atticus Finch) cũng xuất sắc không kém. Thậm chí, Harper Lee còn khen ngợi kịch bản của Horton Foote, gọi đây là "một trong những bản chuyển thể sách thành phim hay nhất từng được thực hiện". Ảnh: Weta.

Joy Luck Club (1993) - Sự hợp tác giữa đạo diễn Wayne Wang và tác giả Amy Tan: Đạo diễn Wayne Wang bắt đầu làm việc với Amy Tan ngay sau khi cuốn sách The Joy Luck Club của bà được phát hành, bằng cách chỉnh sửa các chi tiết không cần thiết và giảm bớt sự phức tạp trong cấu trúc câu chuyện. Cách tiếp cận độc đáo của bộ phim về các gia đình người Hoa ở San Francisco (và những khác biệt giữa các thế hệ) đã được ca ngợi nồng nhiệt, lý giải vì sao phim được đưa vào Viện Lưu trữ Phim Quốc gia Mỹ. Các nhà phê bình Roger Ebert và Gene Siskel cũng xếp The Joy Luck Club vào danh sách 10 phim hay nhất năm 1993. Ảnh: Mubi.

Bộ ba Chúa tể của những chiếc nhẫn - Gần như đã gói gọn hoàn hảo tầm nhìn của Tolkien: Câu chuyện huyền thoại của Tolkien được viết với con mắt tinh tường đến từng chi tiết, từ trang phục, kiến trúc cho đến phong cảnh rộng lớn và đa dạng. Nhiều nhà làm phim, bao gồm Stanley Kubrick, tin rằng Chúa tể những chiếc nhẫn không thể dựng thành phim, và Ralph Bakshi đã tạo ra một phiên bản hoạt hình năm 1978 kết hợp 3 cuốn sách đầu tiên (trong tổng số 6 cuốn). Dự án chuyển thể phim cuối cùng được Peter Jackson đảm nhiệm. Bộ ba phim thành phẩm đã giành được 17 giải Oscar và được công chúng hoan nghênh mặc dù thiếu vắng một số cốt truyện phụ và nhân vật trong sách. Ảnh: GeekTyrant.

Jaws (1975) - Thu gọn lại thành nỗi kinh hoàng cốt lõi - Một con cá mập trắng lớn: Jaws đã chiếm một khoản doanh thu khổng lồ tại phòng vé, trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất khi ra mắt. Các nhà sản xuất tại Universal Studios đã ngay lập tức chấp thuận chuyển thể tiểu thuyết của Peter Benchley thành phim nhờ cốt truyện ly kỳ, cuối cùng trao quyền kiểm soát điện ảnh cho Steven Spielberg. Benchley soạn thảo kịch bản ban đầu, Carl Gottlieb hoàn thành phần còn lại, nhưng Spielberg đã thực hiện một số thay đổi khá lớn trong quá trình viết kịch bản. Ông cắt bỏ những cảnh lãng mạn và liên quan đến mafia, tinh giản Jaws xuống còn nỗi kinh hoàng cốt lõi, một con cá mập trắng lớn tấn công một thị trấn du lịch nhỏ bé. Ảnh: Parkway Theater.

The Pianist (2002) - Giành giải Cành cọ vàng danh giá tại Liên hoan phim Cannes: Cuốn hồi ký cùng tên của nghệ sĩ dương cầm Władysław Szpilman là một góc nhìn sâu sắc về những khó khăn của ông trong Thế chiến thứ hai. Cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, nhưng được biết đến nhiều nhất qua bộ phim xuất sắc của Roman Polanski, The Pianist. Điều thú vị là đạo diễn đã trải qua một trải nghiệm tương tự ở khu ổ chuột Kraków, mặc dù lúc đó ông trẻ hơn Szpilman rất nhiều. The Pianist đã giành giải Cành cọ vàng danh giá năm 2002 cùng ba giải Oscar (bao gồm cả Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất). Ảnh: IMDb.

Sự im lặng của bầy cừu (1991) - Phản ứng hóa học không chính thống giữa Hannibal Lecter và Clarice Starling: Sự im lặng của bầy cừu nổi tiếng nhất với thành tích hiếm có tại Giải thưởng Viện Hàn lâm - bộ phim đã giành được giải thưởng Big Five cho Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính, Nữ diễn viên chính và Kịch bản xuất sắc nhất. Nhân vật phản diện đáng sợ của Thomas Harris đã từng xuất hiện trên phim ảnh qua bộ phim Manhunter (1986), do tài năng Brian Cox thủ vai. Tuy nhiên, phản ứng hóa học không chính thống giữa Hannibal Lecter và Clarice Starling thể hiện rõ nhất trong Sự im lặng của bầy cừu, được xây dựng dựa trên màn trình diễn tuyệt vời của Anthony Hopkins và Jodie Foster. Ảnh: Cbr.

Ngọc Hân

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-bo-phim-chuyen-the-hoan-hao-tu-tieu-thuyet-goc-post1569151.html