Những bộ phim về đại dịch gây ám ảnh
Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, những bộ phim về đại dịch một lần nữa có sức hút trở lại sau nhiều năm. Bên cạnh những bộ phim gây tiếng vang lớn, một số tác phẩm về đại dịch nhận nhiều chỉ trích từ khán giả.
Tuy nhiên, chúng đều có điểm chung là mang lại nỗi ám ảnh cho người xem.
1. The Flu (Đại dịch cúm)
Bộ phim “The Flu” của điện ảnh Hàn Quốc bất ngờ gây sốt trở lại và là từ khóa tìm kiếm có sức nóng, trong bối cảnh Covid-19 bùng phát. Được công chiếu vào năm 2013, “The Flu” đã “làm mưa làm gió” và mang về thành công rực rỡ. Bộ phim cho thấy mối nguy hiểm của bệnh lây qua đường hô hấp, khi người bệnh ho hay hắt hơi - những điều tương đồng với cách lây nhiễm của Covid-19 hiện nay.
Phim bắt đầu với một nhóm người nhập cư trái phép lẩn trốn trong chiếc xe container chở hàng và điểm đến của họ là Hàn Quốc. Điều tồi tệ nhất là trong số đó có một người đang mang trong mình loại virus có khả năng gây tử vong với tốc độ lây lan chóng mặt.
Nhịp phim nhanh, hồi hộp, tình tiết dồn dập khiến khán giả bị lôi cuốn từ xuyên suốt từ đầu tới cuối. Hình ảnh xác người chất đống, người người phải đeo khẩu trang và trợ thở oxy, bỏ chạy khỏi thành phố để thoát thân, hay những cuộc chia lìa không mong muốn đều khiến người xem ám ảnh. Đặc biệt, mạch phim khiến khán giả luôn phải hồi hộp dõi theo diễn biến của dịch bệnh và cầu mong đại dịch sớm chấm dứt.
2. World War Z (Thế chiến Z)
Phim điện ảnh “World War Z” được công chiếu năm 2013 đã phản ánh thế giới loài người khi bị đại dịch zombie (thây ma) tàn phá. Thậm chí, thế giới trong phim đang đứng trước ngưỡng cửa diệt vong. Để giải quyết tình trạng này, cựu nhân viên Liên Hợp Quốc Gerry Lane (Brad Pitt thủ vai) quyết định chạy đua với thời gian và tìm phương thuốc giải cứu loài người.
Trong phim, người xem bị ám ảnh với hình ảnh hàng nghìn zombie giẫm đạp lên nhau tạo thành kim tự tháp xác sống, vượt qua những bức tường thành cao nhất để tấn công con người.
“World War Z” không chỉ phản ánh tình trạng bùng nổ dân số toàn cầu, mà còn chỉ ra sự phát triển “bạo phát, bạo tàn” của loài người là nguyên nhân dẫn tới đại dịch. Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, tiểu thuyết “World War Z” cũng như bộ phim cùng tên được tìm đọc, tìm xem, bởi khán giả tìm thấy nhiều điểm tương đồng giữa tác phẩm hư cấu với hiện thực.
3. Train To Busan (Chuyến tàu sinh tử)
Làng giải trí Hàn gần như chưa từng có một dự án về đề tài thây ma chính thức để kéo khán giả đến rạp. Là phim điện ảnh bom tấn đầu tiên của Hàn Quốc về đề tài zombie, “Train to Busan” (2017) từng được đánh giá là một trong những điểm sáng tại Liên hoan phim Cannes 69.
Bộ phim bắt đầu từ sự cố rò rỉ của khu trung tâm nghiên cứu dự án sinh học của nhà đầu tư - nhân vật chính Seok Woo (Gong Yoo thủ vai). Chỉ vì tính thực dụng và nguyên tắc công việc, Seok Woo bỏ qua mọi rủi ro để tiếp tục rót tiền vào dự án. Chính điều này đã góp phần gây ra cái chết cho nhiều người trên cả nước và biến chuyến tàu đến Busan nhuộm đầy máu, trong đó có cả Seok Woo và con gái anh - Soo Ahn.
Phim đặt những nhân vật chính ở đủ mọi lứa tuổi. Trong đó, cả phụ nữ và trẻ em phải đối mặt với hàng nghìn xác sống hung hãn. Thêm vào đó, căn bệnh quái dị này có thể dễ dàng lây lan chỉ bằng một lần cắn của cá thể đã nhiễm độc.
Không chỉ thành công nhờ nội dung kịch tính, dàn diễn viên “gạo cội”, “Train To Busan” còn “hút” khán giả nhờ kỹ xảo hoành tráng và chân thật.
4. Songbird (Giữa tâm dịch)
“Songbird” (2020) do Adam Mason đạo diễn và Michael Bay sản xuất. Bộ phim giả tưởng lấy bối cảnh năm 2024, khi Covid-19 biến chuyển thành Covid-23 và thế giới bước vào năm thứ tư của đại dịch. Những người nhiễm bệnh sẽ bị ép chuyển đến “Khu Q” (hay còn gọi là Trại tập trung) để chờ chết.
Khi đoạn giới thiệu “Songbird” ra mắt hồi tháng 10, phim đã bị khán giả phản đối kịch liệt tại Mỹ và được coi là “phim gây tranh cãi nhất năm 2020”. Bị mô tả là “vô cảm, dửng dưng và tồi tệ”, phim dựng nên một thế giới nơi người nhiễm Covid-23 bị đối xử như tội phạm. Bệnh nhân bị các nhân viên của Bộ Vệ sinh truy đuổi, bao vây và ép vào trại tập trung. Lực lượng chức năng này được mô tả như thế lực phản diện đáng sợ, vây bắt và uy hiếp tinh thần những bệnh nhân vô tội.
Trên Rotten Tomatoes, “Songbird” có điểm phê bình là 11% và điểm khán giả là 27%. Đây là những con số rất thấp. Thậm chí, không ít khán giả cho rằng, đây là bộ phim “tệ hại” về đại dịch với thông điệp hỗn độn về cuộc sống.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nhung-bo-phim-ve-dai-dich-gay-am-anh-00uSdtxGR.html