Những bông hoa đẹp giữa vùng 'chảo lửa' Krông Pa
Phát huy vai trò người phụ nữ thời đại mới, nhiều cán bộ nữ người dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa (Gia Lai) luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt khó, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Với địa hình khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, Krông Pa được mệnh danh là "chảo lửa" của vùng Tây Nguyên. Thế nhưng những người phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây luôn tự tin tỏa sáng trên các lĩnh vực. Họ như những bông hoa giữa núi rừng, tỏa hương làm đẹp cho đời.
Đảm nhận cương vị Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn Teng xã Uar, huyện Krông Pa gần 3 năm nay, nhưng chị Rah Lan H’Nguit (dân tộc Jrai) đã được chính quyền địa phương cùng các Hội, đoàn thể đánh giá cao bởi tinh thần luôn cầu thị học hỏi, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ. Với mục tiêu tạo sân chơi bổ ích rèn luyện sức khỏe, thu hút chị em vào Hội, chị H’Nguit thành lập Câu lạc bộ bóng chuyền nữ, thường xuyên tập luyện. Tại giải bóng chuyền do xã tổ chức, Câu lạc bộ của thôn buôn Teng đã xuất sắc giành chức vô địch. Chị duy trì các mô hình “Phụ nữ tiết kiệm từ 5-10 triệu đồng”, “Mỗi gia đình một cây ăn trái, một vườn rau xanh” để giúp đỡ nhiều hộ gia đình vươn lên phát triển kinh tế. Đến nay, khoảng 60% hội viên phụ nữ trong buôn có vườn rau sạch cải thiện bữa ăn, có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, chị Rah Lan H’Nguit là một người tiên phong đi đầu di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn và chuyển từ hình thức chăn thả sang nuôi nhốt.
Chị trồng 1 sào cỏ, rau xanh và mua rơm tích trữ để chủ động nguồn thức ăn cho 10 con bò và 4 con heo rừng lai. Mô hình nuôi nhốt chuồng không chỉ đảm bảo vệ sinh môi trường mà còn giúp gia đình tiết kiệm được thời gian chăn thả, tận dụng nguồn phân bón cải tạo ruộng rẫy hoặc bán tăng thu nhập. Từ mô hình điểm của gia đình chị, nhiều chị em phụ nữ đã học tập, làm theo. Chị H’Nguit còn tích cực hướng các hội viên cách thức làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Năm 2024, Chi hội phát triển được 3 hội viên mới, phấn đấu đến cuối năm giúp 1 hội viên thoát nghèo.
Chị Giang Thị Thu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Uar, huyện Krông Pa cho biết, hiện nay, nhiều phụ nữ trong xã đã mạnh dạn tự tin giữ các vai trò, vị trí quan trọng trong xã hội. Trong đó, chị H’Nguit là điển hình tiêu biểu. Năng nổ, nhiệt tình trong công việc, chị H’Nguit được bà con tin yêu, quý mến. Các mô hình phát triển kinh tế của chị được nhiều chị em học hỏi làm theo, qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Tận tụy với công việc, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, chị Ksor H’Druin (dân tộc Jrai) cũng là cán bộ nhiệt huyết, giỏi giang, khẳng định vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số. Ngoài ra, chị Ksor H’Druin luôn miệt mài với công tác thiện nguyện, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, giúp họ vơi bớt phần nào cơ cực. Đây cũng là điểm nổi bật trong công tác của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Chư Drăng. Chị H’Druin chia sẻ, trong 3 năm qua, chị cùng Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ xã nhận đỡ đầu 2 trẻ mồ côi và phối hợp với Chi hội 5 thôn, buôn nhận đỡ đầu 5 em học sinh mồ côi tại địa phương. Không chỉ động viên về mặt tinh thần, hướng dẫn các em trong học tập, nhân các dịp lễ, Tết, đầu năm học mới, chị cùng Ban Chấp hành Hội, Chi hội đến thăm, tặng quà, tạo niềm tin, động lực giúp các em vượt qua khó khăn, tiếp tục đến trường, theo đuổi giấc mơ con chữ. Nụ cười trên khuôn mặt các em làm ấm lòng tất cả các mẹ đỡ đầu.
Theo chân chị H’Druin đến thăm em Ksor Thai (sinh năm 2011, buôn Chư Krik, xã Chư Drăng), chúng tôi mới cảm nhận hết nghĩa cử cao đẹp, tính nhân văn của những việc các chị đang thực hiện. Ksor Thai mồ côi mẹ từ năm 4 tuổi, lên 6 tuổi cha em cũng qua đời vì bạo bệnh. Chị em Thai sống nương tựa bà ngoại. Nhưng ngoại đã già yếu, không đủ sức lao động nuôi 2 chị em nên Thai có ý định nghỉ học. Nắm được hoàn cảnh gia đình em, Hội Liên hiệp phụ nữ xã nhận đỡ đầu, giúp đỡ thường xuyên, giúp em tiếp tục đến trường theo học con chữ.
Bà Ksor H’Rung (bà ngoại Thai) cho hay, bà thương cháu mồ côi nhưng vì tuổi cao, sức yếu, bà không giúp được gì nhiều. May mắn các cháu được Hội Liên hiệp phụ nữ xã nhận làm con nuôi. Đầu năm học mới, Hội đến tặng sách vở, quần áo mới, đồ dùng học tập và một số nhu yếu phẩm. Nhìn cháu phấn khởi trong bộ quần áo mới tiếp tục tới trường, bà mừng rơi nước mắt. Bà thay mặt gia đình cảm ơn chị H’Druin và các chị em trong Hội.
Tại vùng "chảo lửa" Krông Pa còn có những bông hoa luôn xinh đẹp, hiến dâng cho đời với những hành động thiết thực. Mỗi người một nhiệm vụ, công việc, nhưng ở bất cứ lĩnh vực nào dù là chính trị, phát triển kinh tế hay công tác Hội, hình ảnh người phụ nữ dân tộc thiểu số Krông Pa vẫn luôn tỏa sáng. Các chị đã góp phần xóa bỏ hoàn toàn định kiến về giới và khẳng định vai trò người phụ nữ dân tộc thiểu số trong thời đại mới “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.