Những 'bóng hồng' lao động tự do
Những ngày tháng 6, trời nắng như đổ lửa, cái nắng chói chang khiến không khí ngột ngạt kéo dài suốt từ sáng sớm đến tận tối đêm. Vậy mà, trên nhiều con phố và các khu chợ, những người phụ nữ lao động tự do vẫn miệt mài, vất vả mưu sinh như chẳng quan tâm đến cái khắc nghiệt của tiết trời.
Hằng đêm, nhiều phụ nữ vẫn vất vả kiếm sống bằng nghề bốc vác ở chợ Đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương.
Ăn vội bát cơm, chị Lê Thị Hải, xã Hoằng Trinh (Hoằng Hóa) nhanh chóng dắt chiếc xe đạp cà tàng đi về phía ngã ba đầu xóm, nơi có 5 – 6 người bạn đồng hương đang đứng chờ sẵn. Cứ buổi sáng, nhóm của chị Hải lại đạp xe gần 20 cây số vào TP Thanh Hóa để mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau. Chị thì đi mua phế liệu, chị lại đẩy xe bán hoa quả, rồi bán đồ nhựa gia dụng, người lại gia nhập vào chợ cửu vạn, người làm trong các công trình xây dựng nhà ở...
Cả quãng đường, trong khi mấy chị em thao thao đủ thứ chuyện thì chị Hải lại lặng thinh cắm cúi đạp. Trong đầu chị chộn rộn nhiều suy nghĩ. Chị lo lắng không biết những ngày ế ẩm kéo dài đã chấm dứt chưa? Rồi thì việc mua bán phế liệu hôm nay có thuận lợi không, hy vọng mình sẽ mua được nhiều món hàng lớn để dồn lấy một khoản sắp tới sửa căn bếp bị dột lép nhép lâu nay.
Con đường dài quen thuộc dường như được rút ngắn lại. Đi sâu vào nội thành, họ tách ra nhiều ngả. Chị Hải chọn tuyến đường Đội Cung để bắt đầu buổi rong ruổi kiếm sống. Cất tiếng rao kéo dài như chào mời mấy cô, bác nội trợ mang lon bia, bìa giấy, dép nhựa... ra bán, tai chị căng ra để nghe xem có tiếng gọi từ trong nhà ai đó vọng ra không. Mồ hôi đã lấm tấm trên trán, nắng đã bắt đầu chói chang xuyên qua lớp nón dày rọi vào làn da rám nắng, lúc này, trong lòng chị Hải vừa sốt ruột vừa ngổn ngang nhiều suy nghĩ. May mắn, nơi cánh cổng sắt xa xa có một người phụ nữ lớn tuổi vẫy chị lại. Mừng thầm vì sẽ mua được món mở hàng, chị vội vàng tiến đến. Quả thật, một chồng giấy lộn cùng mấy tấm bìa giấy, vài thanh nhôm, sắt chỏng chơ một góc hè đang chờ chị. May quá, hôm nay mở hàng suôn sẻ, bà chủ nhà dễ tính không đòi giá cao cũng chẳng kì kèo thêm bớt nên loáng một lát chị đã buộc gọn ghẽ đống phế liệu lên xe. Rồi cứ thế, hình như được “giải ế”, từ đó đến cuối buổi, chị Hải mua được khá nhiều hàng.
Dừng chân dưới chân cầu vượt Phú Sơn, nơi nghỉ trưa quen thuộc của nhiều người lao động tự do, chị Hải tháo khẩu trang, mũ vải và chiếc nón đã tối màu, rồi giở cập lồng cơm ra ăn với 2 người bạn cùng làng lúc sáng. Không biết do đói bụng hay vì niềm vui đắt hàng khiến bát cơm đạm bạc chỉ vài đũa rau muống luộc với mấy miếng thịt mặn đậm màu trở nên ngon lành đến thế. Chị Hải vừa ăn vừa nói với bạn: “Hôm nay đỏ thật, mình buổi sáng đã mua được một xe hàng nặng, bù cho mấy ngày hôm trước, ế chỏng ế chơ. Buổi chiều mà đắt hàng như sáng nay thì “ấm cật”. “Thì cũng có hôm này hôm khác chứ, nhìn thế này, chắc cũng phải kiếm được mấy trăm ấy nhỉ. Chẳng bù cho tôi, không biết phải vía ai mà khách toàn trả giá không bằng vốn, thành ra chả ăn thua gì”, một chị đáp lại. Cứ thế những câu chuyện qua lại xen lẫn những tiếng thở dài chỉ dừng lại ở đũa cơm cuối cùng còn lại trong bát. Uống tạm cốc nước chè xanh mang sẵn trong chai nhựa, họ trải tấm nilon xuống nền gạch rồi kéo chiếc nón che mặt nằm nghỉ trưa.
Không làm việc ban ngày, công việc chủ yếu của chị Nguyễn Thị Hoàn, 34 tuổi (huyện Đông Sơn), lại làm bốc vác thuê vào ban đêm tại chợ Đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương (chợ Đầu mối). Từ 5 năm nay, cứ khoảng 23 giờ tối, chị Hoàn lại đến đây kiếm sống. Đứng bên chiếc xe kéo tự chế ngay ngoài cổng chợ, mắt nhìn xung quanh tìm các xe hàng cần thuê người bốc vác, chị nói: “Làm ở đây bấp bênh lắm, hôm nào khỏe mà nhiều việc thì làm đến 5 giờ sáng, thu nhập cũng được vài trăm nghìn, còn bình thường chỉ làm đến 2 – 3 giờ là về nghỉ, có nhiều hôm mưa gió, hàng họ ế ẩm, chờ dài cổ cũng chỉ được vài chục nghìn mà thôi”.
Vừa xong câu nói, thấy một chiếc xe tải chở gần 4 tấn thanh long đến gần, chị Hoàn cùng 4 người khác, cả nam và nữ chạy tới nhận việc. Xếp từng thùng thanh long chừng 40 – 50 cân lên xe kéo, chị Hoàn cúi người cầm tay kéo rồi oằn mình, nặng nề đi về phía gian hàng bên trong chợ. Mệt, mỏi chân, đau tay, hai bả vai cũng đã trĩu nặng nhưng chị vẫn phải cố gắng chở cho xong chuyến hàng để lấy tiền nộp học cho con vào sáng mai. Lau mồ hôi trên trán, chị Hoàn chia sẻ thêm: Những dịp rằm, mùng 1 là hoa quả về chợ nhiều nên tôi thường dốc sức vào mấy ngày ấy. Ở đây, việc làm không đều, thường thì chủ hàng trả tiền theo khối lượng hàng hóa. Những ngày đầu, tay ai cũng phồng rộp, sau đó thì đau xương, đau khớp vì phải ghì cả chiếc xe hàng vài tạ xuống đất. Khổ nhất là lúc kéo qua các khúc cua, xe nặng quật ngã cả người, trẹo tay, bong gân như chơi ấy chứ. Chị chìa đôi bàn tay gân guốc, chai cứng như minh chứng cho lời nói của mình.
Ở góc chợ, không khí làm việc tất bật của một nhóm phụ nữ khiến không ai nghĩ lúc này đã là 3 giờ sáng. Dưới ánh sáng rực của những bóng đèn công suất lớn, họ đang cùng nhau nhặt nhạnh, phân loại hành, tỏi rồi trút vào bì xếp thành từng chồng lớn. Đưa tay ra sau lưng đấm thùm thụp cho đỡ mỏi, bà Ngô Thị Thu, 55 tuổi (huyện Hoằng Hóa), cho biết: Từ tối đến giờ tôi kiếm được ngót nghét 100.000 đồng. Thanh niên trẻ khỏe thì làm nhanh, chứ như chúng tôi cũng chỉ túc tắc, được đồng nào hay đồng ấy, ngày nhiều bù ngày ít, mỗi đêm cũng được từ 100.000 - 150.000 đồng”.
Rời chợ Đầu mối cũng là lúc trời đã tang tảng sáng, tôi cảm thấy nặng lòng khi nghĩ đến hình ảnh những người phụ nữ nhỏ bé đang tất bật với công việc nặng nhọc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro tai nạn, ngày đêm vật lộn với miếng cơm manh áo. Có cách nào giúp họ có một công việc ổn định? Và quan trọng, cần có các giải pháp liên quan đến quyền lợi của những đối tượng là lao động tự do, giúp họ được hưởng lợi từ nhiều chính sách của Nhà nước.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhung-bong-hong-lao-dong-tu-do/102361.htm