Những bóng hồng trên sân khấu xiếc
Vào trường xiếc lúc hơn 10 tuổi, đổ mồ hôi sôi nước mắt hàng năm trời để tập một tiết mục, các nữ diễn viên 9X ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã đưa niềm đam mê vào những màn biểu diễn độc đáo, thể hiện sự dũng cảm, sáng tạo và những kỹ năng đặc biệt ở loại hình nghệ thuật này.
Những con đường đến với đam mê
26 tuổi, Trịnh Trà My đã có trong tay huy chương vàng, bạc tại các liên hoan xiếc quốc tế. Khán giả “nghẹt thở”, trầm trồ kinh ngạc khi xem tiết mục Đế kiếm của Trà My. Treo mình trên dải lụa, nữ diễn viên ngậm chặt cán dao trong khi mũi kiếm đặt gá lên mũi dao nhọn. Lơ lửng trong không trung, Trà My giữ cho thanh kiếm không rơi khỏi mũi dao và luôn thẳng đứng, trên chuôi kiếm đặt một chiếc đĩa, bên trên có mấy cái ly mỏng manh.
Biểu diễn với dao và kiếm, giữ thăng bằng trên mặt đất đã khó, giữ thăng bằng trên dải lụa, trong không trung càng khó bội phần và nguy hiểm bội phần. Lúc mới tập, Trà My thường bị mũi kiếm chệch ra, đâm vào người nhưng vẫn kiên trì luyện tập. Ngoài niềm đam mê, cô gái trẻ muốn thử thách bản thân và mang đến cho khán giả một tiết mục hấp dẫn, lôi cuốn, để khán giả thấy rằng nghệ sĩ xiếc Việt Nam có thể làm được những điều như thế. Với Đế kiếm, Trà My đã đoạt 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc tại 2 kỳ liên hoan xiếc quốc tế.
Trà My là con “nhà nòi”. Từ nhỏ đã xem mẹ biểu diễn trên sân khấu, nghe những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả, cô bé ao ước lớn lên trở thành diễn viên xiếc, như mẹ. Đã quá hiểu rằng muốn gắn bó với nghệ thuật xiếc thì phải khổ luyện vất vả đến mức nào nên cả nhà phản đối. Thế nhưng, Trà My vẫn không từ bỏ ước mơ; mẹ “đành” phải gật đầu cho con vào Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.
“Tôi vào trường xiếc từ năm 12 tuổi, đến 14 tuổi tôi bắt đầu tập tiết mục Đế kiếm, ba năm sau thì ra trường. Đế kiếm với tôi là một cái duyên. Sau 2 năm dạy những môn cơ bản, giáo viên sẽ nhận ra chúng tôi có những khả năng nào và nên tập tiết mục nào. Cô giáo nhận thấy khả năng của tôi và dạy Đế kiếm cho tôi… Đến nay, mẹ thấy rằng sự lựa chọn của tôi là đúng và luôn ủng hộ tôi”, Trà My chia sẻ trong lần đến Phú Yên biểu diễn.
Khác với Trà My, gia đình Nguyễn Thị Thu Hường không ai gắn bó với xiếc, song diễn viên trẻ này được truyền lửa đam mê từ những lần đi xem xiếc. Khi biết con gái muốn trở thành diễn viên xiếc, cha mẹ Thu Hường lập tức phản đối vì biết nghề xiếc rất vất vả, tuổi nghề lại ngắn. Nhưng rồi thấy con thích quá, cha mẹ tặc lưỡi đồng ý. Thu Hường vào trường xiếc từ năm 12 tuổi, sau 5 năm học, cô ra trường và làm việc tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho đến nay.
Lúc mới vào nghề, có những khó khăn thử thách chưa thể vượt qua, đôi lúc Thu Hường cũng thấy nản và dừng bước trong một thời gian. Nhưng rồi cô nhớ sân khấu “không chịu được” nên tiếp tục tập luyện và trở lại sân khấu. “Tôi nhận ra rằng đây chính là chỗ của mình”, nữ diễn viên sinh năm 1992 thổ lộ. Cô thích biểu diễn trên không trung. Từ trên cao nhìn xuống khán giả, cảm giác thích thú khó có thể nói hết bằng lời. “Lần đầu tiên tung mình lên cao, tôi hồi hộp lắm. Rất run. Biểu diễn xong thì rất thích thú”, Thu Hường kể. Xiếc là nghề nguy hiểm, nhất là với những diễn viên biểu diễn trong không trung. Để ngăn ngừa sự cố không may xảy ra, Thu Hường thường xuyên kiểm tra dây treo và thay dây trước khi chúng “mệt mỏi”. Bạn diễn với Thu Hường, anh Nguyễn Văn Thái, là chồng cô. Họ biết nhau từ trong trường xiếc, ra trường thì được xiếc se duyên, nên vợ nên chồng.
Tình yêu ngấm vị mồ hôi
Diễn viên xiếc mất cả năm trời để luyện tập một tiết mục biểu diễn. Tiết mục càng công phu và nguy hiểm, thời gian luyện tập càng dài: một năm rưỡi, hai năm, thậm chí lâu hơn. Nghệ sĩ trẻ Trà My nói rằng để thành công trong nghề xiếc thì không thể thiếu đam mê, nhiệt huyết và sự quyết tâm, kiên trì. Nếu không kiên trì thì không thể gắn bó với xiếc. Ngoài việc luyện cho thuần thục kỹ năng, diễn viên xiếc cần phải có thể lực tốt và nhanh nhẹn. “Chúng tôi tập luyện hàng ngày, tập kỹ thuật sau đó thì tập để nâng cao thể lực”, Trà My cho biết.
Diễn viên xiếc Hoàng Lệ Phương, người biểu diễn tiết mục Đế vòng, nói rằng để giữ thăng bằng trên các đạo cụ đặc biệt, cách duy nhất là luyện tập và kiên trì luyện tập. Cô đã tập một năm để có tiết mục biểu diễn này. “Niềm đam mê giúp tôi kiên trì và sự cổ vũ của khán giả là động lực”, Hoàng Lệ Phương chia sẻ. Nữ diễn viên quê ở Ba Vì (Hà Nội) này thổ lộ rằng cô sẽ gắn bó với xiếc đến khi nào có thể. Trà My thì cho biết khi không còn đủ nhanh nhẹn để biểu diễn Đế kiếm, cô sẽ biểu diễn một tiết mục ở dưới đất, ít nguy hiểm hơn hoặc chuyển sang trợ giảng. Còn Thu Hường kể rằng lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam rất hiểu trăn trở này của các diễn viên nên tạo điều kiện, bố trí công việc phù hợp sau khi họ chia tay sân khấu.
Những ai thường xem xiếc sẽ nhận ra một điều: Các nữ diễn viên đều nhỏ nhắn xinh xắn. Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Đỗ Văn Hùng, người có 30 năm gắn bó với sân khấu xiếc, Trưởng đoàn Nghệ thuật Xiếc đương đại (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), lý giải: “Đúng là các diễn viên nữ đều nhỏ nhắn xinh xắn. Nếu các bạn ấy mà to và nặng ký thì sẽ rất khổ cho các diễn viên nam làm trụ ở bên dưới. Vì thế, khi tập một tiết mục, các diễn viên nam làm trụ bao giờ cũng chọn diễn viên nữ nhỏ nhỏ xinh xinh, vì cân nặng của diễn viên nữ liên quan đến sức khỏe của diễn viên làm trụ, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến cơ, khớp, cột sống”.
NSƯT Đỗ Văn Hùng cho biết, hầu hết diễn viên vào Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam từ năm 11-12 tuổi, vừa học văn hóa vừa học xiếc. Đến khi ra trường, họ phải có kỹ năng tốt, đáp ứng được yêu cầu thì mới có thể gắn bó với loại hình nghệ thuật tổng hợp này. “Tồn tại trên sân khấu xiếc là rất khó, phải có khả năng và phải yêu nghề, phải ngày càng chuyên nghiệp, ngày càng nâng cao để sánh ngang các đồng nghiệp trên thế giới”, NSƯT Đỗ Văn Hùng nói.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/230669/nhung-bong-hong-tren-san-khau-xiec.html