Những bóng hồng trong âm nhạc

"Những bóng hồng trong âm nhạc" của tác giả Trương Văn Khoa do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành tháng 3-2020. Sách dày 250 trang, khổ 13x21cm. Nội dung bao gồm 20 bài viết về các nhạc sĩ tên tuổi Việt Nam như: Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Lê Trọng Nguyễn, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, Vũ Thành An... cùng những "bóng hồng" tạo nguồn cảm hứng cho họ viết nên những bài tình ca bất hủ, sống mãi với thời gian.

Bìa tập sách "Những bóng hồng trong âm nhạc".

Bìa tập sách "Những bóng hồng trong âm nhạc".

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lẽ là người chiếm vị trí khá quan trọng trong trái tim ngưỡng mộ của tác giả Trương Văn Khoa, nên ngay phần đầu tập sách, người đọc đã gặp gỡ một loạt bài viết về Trịnh Công Sơn, nhắc đến nhiều chi tiết thú vị các tình yêu thơ mộng đã đi vào những ca khúc vang danh của người nhạc sĩ tài hoa này, đó là: người đẹp Ph. Th. và các ca khúc "Nhìn những mùa thu đi", "Nắng thủy tinh", "Gọi tên bốn mùa"; Ngô Thị Bích Diễm với "Diễm xưa"; Dao Ánh với "Ru em từng ngón xuân nồng", "Xin trả nợ người"…; Sơn Khê với "Biển nhớ", Vân Anh với "Tôi ơi đừng tuyệt vọng"...

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương, tác giả của "Ly rượu mừng" cùng những ca khúc phổ thơ được yêu chuông qua nhiều thế hệ như: "Đôi mắt người Sơn Tây" (thơ Quang Dũng), "Mộng dưới hoa" (thơ Đinh Hùng), "Nửa hồn thương đau" (thơ Thanh Tâm Tuyền)... qua bài viết "Nửa hồn thương đau và bi kịch của một gia đình", người đọc có dịp biết nhiều hơn về sự ra đời của Ban hợp ca Thăng Long do Phạm Đình Chương cùng anh em trong gia đình thành lập một thời vang bóng trong hoạt động âm nhạc miền Nam, bên cạnh đó là mối tình đớn đau, đầy bi kịch của ông và ca sĩ Khánh Ngọc.

Với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, tác giả nổi tiếng của những tình ca phần lớn viết về mùa thu, tác giả Trương Văn Khoa nhấn mạnh: "trong suốt cuộc đời âm nhạc của mình, Đoàn Chuẩn không ngớt ca tụng những bóng hồng thướt tha trong tà áo, ngập đầy sắc thu. Thứ á phiện muôn đời này, có lẽ chính là niềm đam mê vô tận của những sáng tác bất hủ của ông sau này". Cũng theo tác giả: "Đoàn Chuẩn chịu lối trình tấu vuốt, lướt trên những cung quãng rộng của cây đàn Hạ uy cầm. Giai điệu đẹp, ca từ trau chuốt khiến cho ca khúc của ông như một bức tranh cổ điển hút hồn người xem. Ở đó có mùa thu, trăng vàng, lá rơi bên thềm... và bóng giai nhân".

"Thu, hát cho người", ca khúc nổi tiếng nhất của Vũ Đức Sao Biển được viết từ thời trẻ tuổi, vốn ra đời bởi hình ảnh một bóng hồng ở thị trấn Hà Lam (Thăng Bình, Quảng Nam) lại là quê hương của tác giả tập sách, nên lời dẫn chuyện thật gần gũi: "Thời trung học, cứ mỗi lần đi học ở trường Tiểu La, tôi vẫn có thói quen hay uống cà-phê tại một quán rất quen thuộc tên là cà-phê Thu...", để rồi câu chuyện ngược dòng về một thời dĩ vãng mà nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã đeo đuổi theo nàng nữ sinh Hồ Thị Thu. Và đến năm 1969, "Thu, hát cho người", với những lời ca: Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương/ Trong mênh mông chiều sương/ Giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín/ Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay… Ở bài viết "Thu trong Thu, hát cho người", tác giả tập sách còn hé lộ chi tiết: từ "bóng hồng" ở miền quê hương Thăng Bình này đã tạo nguồn cảm xúc cho ca khúc "Ru con tình cũ" và một số bài thơ của Đinh Trầm Ca.

Trong tập sách "Những bóng hồng trong âm nhạc", tác giả cũng dành khá nhiều thời lượng cho mối lương duyên, giao cảm của các tác phẩm thơ nhạc được công chúng yêu chuộng, mà nơi ấy luôn thấp thoáng những "bóng hồng"... Điển hình như Từ Công Phụng và Du Tử Lê được coi là một sự hòa quyện độc đáo của ca khúc "Trên ngọn tình sầu". Ngô Thụy Miên và Nguyễn Sa là cuộc gặp gỡ đầy thú vị của hai tâm hồn lãng mạn qua ca khúc "Áo lụa Hà Đông", và từ những giai điệu tuyệt vời ấy làm sống mãi hình ảnh người đẹp Lý Lệ Hằng (từng là hoa hậu Bắc Kỳ năm 1930, sau là người yêu của vua Bảo Đại): Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/ Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng… Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn...

Đặc biệt, khi viết về nhạc sĩ Phạm Duy, ngoài câu chuyện tình ly kỳ của người nhạc sĩ đa tài, đa cảm cùng nàng Alice trẻ tuổi, để hình thành nên những bài ca "Ngày đó chúng mình", "Đừng xa nhau", "Cỏ hồng", "Nghìn trùng xa cách"..., tác giả Trương Văn Khoa đã chú tâm tìm hiểu thêm những bóng hồng "bí ẩn" trong những ca khúc phổ thơ của ông. Đó là "Ngày xưa Hoàng Thị" trong bài viết "Phạm Thiên Thư- Tu sĩ lãng mạn". Ngay từ thập kỷ 70, bài thơ tuyệt tác này hóa thân vào ca khúc Phạm Duy đã trở thành một hiện tượng trong giới trẻ miền Nam. Công chúng yêu thơ nhạc luôn đặt nghi vấn: "bóng hồng" trong tác phẩm này là ai? Tác giả thơ trả lời rất cụ thể, nêu rõ một cái tên: Hoàng Thị Ngọ, một mối tình thoảng nhẹ vu vơ thời trai trẻ, giờ đã định cư ở một phương trời xa xôi... Ngoài "Ngày xưa Hoàng Thị", Phạm Duy còn phổ thơ Phạm Thiên Thư thành nhiều ca khúc nổi tiếng khác từ những câu chuyện tình yêu có thật như: "Thoáng hương qua", "Em lễ chùa này", "Đưa em tìm động hoa vàng", "Gọi em là đóa hoa sầu"…

Đó là "Thuyền viễn xứ" trong bài viết "Huyền Chi với ca khúc Thuyền viễn xứ", tác giả Trương Văn Khoa đã không quản ngại lặn lội, tiếp cận nữ sĩ Huyền Chi, tác giả lời thơ đang ẩn cư tại TPHCM. Câu chuyện của nữ sĩ Huyền Chi kể lại cho thấy, cuộc gặp gỡ tình cờ của cô nữ sinh 18 tuổi (vào thời điểm 1952) với nhạc sĩ Phạm Duy cùng tập thơ của cô vừa ấn hành trên tay không ngờ là lần gặp duy nhất cho đến tận khi ông rời bỏ cõi đời. Thế nhưng, cái tên của nữ sĩ Huyền Chi sẽ kề cận, đồng hành cùng nhạc sĩ Phạm Duy mãi mãi còn đó mỗi khi khúc hát Thuyền viễn xứ còn vang vọng trong tim người yêu nhạc...

TRẦN TRUNG SÁNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_222142_nhung-bong-hong-trong-am-nhac.aspx