Những 'bữa cơm yêu thương' ở phường ven biển Ba Ngòi
Ngoài nhiệm vụ quản lý, bảo vệ địa bàn 9 xã, phường tuyến biển thuộc thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, những năm qua, Đồn Biên phòng Cam Ranh, BĐBP Khánh Hòa thường xuyên tham gia các hoạt động an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Nổi bật là mô hình 'Bữa cơm yêu thương' do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh và Đồn Biên phòng Cam Ranh phối hợp tổ chức. Những suất ăn miễn phí từ mô hình này trong hơn 2 năm qua đã giúp nhiều mảnh đời cơ cực giảm bớt phần nào khó khăn, có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Biến nhà riêng thành bếp ăn từ thiện
Một ngày giữa tháng 7, chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Kim Yến (số 73, tỉnh lộ 9, phường Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh) để tìm hiểu về bếp ăn từ thiện của mô hình “Bữa cơm yêu thương”. Căn nhà của gia đình bà Yến rất đơn sơ, song lại rất dễ nhận ra từ xa nhờ tấm bảng hiệu phía trước với dòng chữ “Điểm phát suất ăn miễn phí dành cho người mù, người già, trẻ em nghèo, khuyết tật”.
9 giờ sáng, bà Yến cùng một số thành viên trong nhóm thiện nguyện của Hội LHPN phường Ba Ngòi và các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cam Ranh trở về nhà sau buổi chợ, với những túi thực phẩm tươi ngon để chuẩn bị cho một ngày hoạt động của bếp ăn từ thiện. Mỗi người một việc, người nhóm bếp, người nhặt rau, người thái thịt..., ai nấy đều luôn tay để chuẩn bị hàng trăm suất ăn chiều. Theo bà Nguyễn Thị Diễm Duyên, Chủ tịch Hội LHPN phường Ba Ngòi, mỗi bữa ăn đều phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, thức ăn phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
15 giờ, các suất ăn đã được các thành viên cho vào túi, buộc cẩn thận, xếp vào những khay lớn đặt lên bàn. Lần lượt những “khách hàng” quen thuộc và khá đặc biệt như người già, trẻ em nghèo, người khuyết tật... ghé đến, được các thành viên nhóm thiện nguyện niềm nở hỏi thăm và trao tận tay những túi thức ăn do chính tay họ nấu. Trong khi đó, một vài thành viên trẻ cùng các chiến sĩ Biên phòng cũng mang theo những suất ăn tương tự đến trao tận nơi cho những người mù, những người già yếu, khó khăn, người khuyết tật không có khả năng đi lại.
Bà Yến chia sẻ: “Ban đầu, tôi cùng một số phật tử tự quyên góp tiền để mua đồ ăn phát miễn phí cho những người mù, người già, trẻ em nghèo trên địa bàn. Điều kiện kinh tế gia đình tôi không khá giả, nhưng trong cuộc sống còn nhiều người có hoàn cảnh cơ cực nên tôi lập bếp ăn từ thiện ngay tại nhà mình để thuận tiện hơn trong việc phát cơm miễn phí. Mình tự nấu nên chi phí sẽ thấp hơn mà chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng bảo đảm hơn”. Từ suy nghĩ đó, bếp ăn từ thiện tại nhà bà Yến đã duy trì từ năm 2018 đến nay.
Theo bà Yến, bình quân mỗi ngày “đỏ lửa”, bếp ăn cung cấp từ 200 – 300 suất ăn miễn phí cho những người mù, người già, trẻ em nghèo, khuyết tật. Trong đó, có khoảng 1/3 trường hợp không thể đi lại, được các thành viên của nhóm thiện nguyện mang đồ ăn đến phát tận nhà.
Ấm lòng những mảnh đời khốn khó
Trong hàng chục người đến nhận suất ăn miễn phí của bếp ăn từ thiện tại nhà bà Yến, chúng tôi thương cảm nhất với hoàn cảnh của bà Trần Thị H. (trú tại tổ dân phố Ngô Mây, phường Ba Ngòi). Bà H. có 2 người con trai và 1 người con gái, nhưng cả 3 đều bị bệnh tâm thần. Càng bất hạnh hơn khi người con gái bị kẻ xấu lợi dụng dẫn đến mang bầu, sinh con nay đã hơn 2 tuổi. Từng bữa ăn của cả gia đình 5 người chỉ dựa vào tiền công dọn dẹp ở chợ của bà H. Vì thế, từ khi được bếp ăn từ thiện phát cơm miễn phí đã góp phần giúp gia đình bà vơi bớt phần nào khó khăn. “Trước đây, tôi sinh sống bằng công việc dọn dẹp vệ sinh ở chợ, nhưng từ khi đứa con gái bất hạnh bị kẻ xấu lợi dụng rồi sinh con, tôi đành phải nghỉ việc để chăm cháu. Từ đó đến nay, miếng ăn hằng ngày của gia đình đều dựa vào tấm lòng từ thiện của các mạnh thường quân, trong đó có bếp ăn từ thiện này” - Bà H. chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Tôn, 55 tuổi, cũng là một trong nhiều trường hợp được các thành viên trong bếp ăn từ thiện phát những suất ăn miễn phí tận nhà trong suốt thời gian qua. Ông Tôn không những bị liệt, mà còn mắc nhiều bệnh mãn tính, thường xuyên phải đi bệnh viện khiến gia cảnh ông càng khốn cùng hơn. “Nghe các cô, các chú ở bếp ăn từ thiện gọi điện báo hôm nay có phát đồ ăn và mang đến tận nhà biếu, tôi thấy rất vui mừng và xúc động. Ngoài việc phát đồ ăn, thời gian qua, các cô trong Hội LHPN phường Ba Ngòi và các chú BĐBP cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình tôi cả về vật chất lẫn tinh thần”.
Lan tỏa yêu thương
Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm giống nhau ở họ đều khó khăn về vật chất, thiếu thốn về tinh thần... Bởi vậy, rất cần sự cảm thông, chia sẻ của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện để tiếp thêm sức mạnh cho họ trong cuộc sống. Chính điều này mà ý tưởng thành lập nhóm Sen Vàng do bà Nguyễn Thị Kim Yến, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Sông Tiên, phường Ba Ngòi khởi xướng và đi vào hoạt động hơn 2 năm nay để chăm lo những mảnh đời cơ cực, mang đến niềm vui cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Từ những ngày đầu đi vào hoạt động, do khó khăn về kinh phí, các hội viên phụ nữ phải tự nguyện quyên góp. Tiếng lành đồn xa, nhiều người biết đến bếp ăn từ thiện, người thì hỗ trợ tiền mặt, người thì đóng góp rau, củ quả, công sức... Sức lan tỏa và hiệu ứng tích cực của bếp ăn từ thiện ngày càng lan rộng, từ buổi đầu chỉ có 4-5 thành viên, đến nay đã có 20 thành viên tham gia.
Để duy trì bếp ăn từ thiện một cách lâu dài, hiệu quả, đã có nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị cùng chung tay góp gạo, dầu ăn, nước tương... Khi những suất cơm cuối cùng được phát hết, trong lòng mỗi thành viên trong nhóm đều có chung một niềm vui khó tả. Vì ý nghĩa lớn nhất mà “bữa cơm yêu thương” mang lại không chỉ là giá trị vật chất, mà còn là giá trị tinh thần, giúp những người bệnh cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ, sự yêu thương ấm áp từ cộng đồng, xã hội.