Những bữa sáng 0 đồng tặng công nhân nghèo Bình Dương
Thời gian qua, không ít doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương gặp khó khăn về đơn hàng, ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Từ đây, 'bếp ăn 0 đồng' đã xuất hiện nhiều trên các tuyến đường phố ở địa phương này.
Trong những ngày qua, hình ảnh đẹp, đầy tính nhân văn xuất hiện trên nhiều tuyến đường phố của tỉnh Bình Dương. Đó là những “bếp ăn 0 đồng” phục vụ miễn phí cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài các bếp ăn miễn phí của tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương, còn có không ít điểm do doanh nghiệp, người dân thực hiện, tất cả vì mục đích chung tiếp sức cho người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn.
Chị Phạm Nguyễn Phương Thà - Bí thư Thành Đoàn Thuận An (Bình Dương) cho biết, thời gian qua, người lao động, đặc biệt là công nhân xa quê đang gặp khó khăn do doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Thành Đoàn Thuận An đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ người lao động.
“Phiên chợ 0 đồng”, “bữa ăn sáng miễn phí”, thăm hỏi, tặng quà thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn… là các hoạt động được các cấp Đoàn trên toàn tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện liên tục trong thời gian qua.
Ông Đỗ Trọng Chu, Tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần Thiết Kế Và Xây Dựng Chu Du, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương cho biết, từ ngày 25/8/2023, Chi Đoàn công ty đã ra mắt và duy trì mô hình “Bữa cơm đồng hành – Nghĩa cử trái tim” tại tuyến đường D33 (khu phố 4, phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Hàng ngày, đoàn viên thanh niên Chi Đoàn Công ty Chu Du dậy sớm chuẩn bị hàng trăm phần ăn để phát miễn phí cho người lao động. “Chúng tôi sẽ duy trì mô hình để hỗ trợ cho những người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội” - ông Đỗ Trọng Chu chia sẻ.
“Má nuôi” của công nhân nghèo
Bên một góc đường Nguyễn Chí Thanh (phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), hình ảnh một cụ bà bán bánh mì đặc biệt gây ấn tượng trong lòng người dân. Tại đây, khi trời chưa sáng, gánh bánh mì của bà Nguyễn Thị Ngang (86 tuổi) đã nhộn nhịp. Người mua 1 ổ, người lấy 2 ổ, người ngồi ăn tại chỗ, người mang về. Điều đặc biệt là ai cầm trên tay ổ bánh mì của bà đều nở nụ cười đầy vui vẻ, hạnh phúc.
Hình ảnh cụ bà còng lưng, đều đặn 4h sáng mỗi ngày quẩy gánh bánh mì đi bán đã trở nên quen thuộc với người dân lao động nghèo ở Bình Dương. Dù bánh mì của bà chỉ bán với giá 5 ngàn nhưng vẫn đầy đủ chả bì, xíu mại, rau dưa…, khiến không ít người bất ngờ. Với người khó khăn bà không lấy tiền, số tiền kiếm được từ gánh bánh mì, cụ mua quà đi tặng người nghèo.
Nhìn cụ thấy thương, không ít người ngỏ ý muốn mua hết tất cả số bánh mì để cụ được về nghỉ sớm song cụ không đồng ý. “Nếu bán hết cho một người, các em học sinh, những người công nhân, lao động nghèo mất đi một bữa ăn sáng, nên bà không bán. Người nghèo bà không lấy tiền, còn số tiền kiếm được bà mang đi mua quà tặng người nghèo hết” - bà Ngang nói.
Theo bà Ngang, để chuẩn bị cho gánh bánh mì, bà phải dậy từ lúc 2h sáng. Sau khi chuẩn bị xong mọi thứ, 4h bà gánh bánh mì đi bộ cả cây số từ nhà ra điểm ngồi bán. Bà Ngang nói rằng, do sức khỏe không cho phép nên chỉ lo được gần 100 ổ bánh mì.
“Những lúc mệt mỏi, bà tính nghỉ ngơi nhưng nghĩ đến những người công nhân, lao động nghèo cần bữa ăn của mình, bà lại cố gắng. Mấy đứa con khuyên bà nên nghỉ ngơi nhưng bà nhất quyết không chịu. Còn sức thì giúp người, sau này nằm xuống muốn giúp cũng không được” - bà Ngang tâm sự.
"Tôi đang ở trọ, nhà có tới 5 người, nếu mua bánh mì nơi khác 15 nghìn đồng/ổ, mỗi sáng mất 75 nghìn đồng. Tuy nhiên khi mua bánh mì của cụ Ngang, tôi chỉ tốn 25 nghìn đồng/buổi sáng. Nhiều khi cụ không lấy tiền nhưng tôi vẫn trả tiền vì ngày nào cũng ghé. Thấy cụ tuổi cao tôi thương lắm" - chị Nguyễn Thị Mai, quê Sóc Trăng, làm công nhân công ty may mặc ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương nói.