Những bữa sáng đong đầy yêu thương
Vào 4 giờ 30 phút hằng ngày, bộ phận nuôi quân của Đồn Biên phòng (BP) cửa khẩu Lóng Sập, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sơn La lại nổi lửa chuẩn bị bữa sáng. Xong xuôi, cơm và thức ăn chia làm ba phần gồm: Phần bày biện trên bàn cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị; phần 14 suất cho Điểm trường mầm non Buốc Pát và 50 suất còn lại gửi đến Điểm trường THCS - tiểu học dân tộc bán trú Lóng Sập.
Tất cả những phần cơm này đều được các cán bộ, chiến sĩ giữ ấm cẩn thận và đưa đến tận tay những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trước khi bắt đầu một ngày mới…
Thương lắm Buốc Pát
Buốc Pát là bản nằm sát đường biên giới Việt Nam - Lào thuộc xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Cả bản có 15 hộ với 94 khẩu đều là người H’Mông, cuộc sống vô cùng khó khăn. Cơn lốc ma túy đã để lại những câu chuyện mà bất cứ ai nghe cũng không cầm lòng được. Ai đó đã nói về Buốc Pát, rằng: “Nhà tù cho đàn ông, khổ đau, nước mắt cho phụ nữ, người già và trẻ nhỏ” cũng không hẳn là sai vì hầu hết các gia đình đều có người nghiện hoặc đang thi hành án liên quan đến ma túy.
Tám năm trước, Trung tá Đào Mạnh Tưởng, Phó Chủ nhiệm chính trị BĐBP Sơn La khi ấy còn là Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập trong một lần đi tuần tra có ghé thăm điểm trường mầm non Buốc Pát. Xót xa trước cảnh các cháu nhỏ đến trường nhưng không đủ cơm ăn, không có quần áo mặc, Chính trị viên phó Đào Mạnh Tưởng đã đưa vấn đề đó ra trong cuộc họp của đơn vị để xin ý kiến giúp các cháu. Và câu chuyện “Bữa sáng cho em” được bắt đầu như thế.
Nói là bữa ăn sáng, nhưng thực ra đó là bữa ăn chính của 14 học sinh nhà trẻ, mầm non của Điểm trường Buốc Pát. Trước khi có “Bữa sáng cho em” của BĐBP, những đứa trẻ đến trường chỉ mang theo củ sắn, củ khoai, ai khá hơn thì có nắm cơm nguội để ăn trưa. Một chút thức ăn đấy khiến những đứa trẻ cứ xơ xác vì đói vì lạnh. Phần cơm của cô giáo Hà Thị Xuyên, giáo viên phụ trách Điểm trường mầm non Buốc Pát mang theo cứ sẻ làm ba làm bốn. Từ ngày có những người lính biên phòng giúp đỡ, cứ buổi sớm, Thượng úy Mùi Văn Ngọc chở phần cơm đã được để sẵn trong các thùng giữ ấm lên Puốc Bát. Cơm có rồi, bộ đội và giáo viên lại đến từng nhà để vận động học sinh đến lớp. Hôm nào nhanh thì cũng phải 8 giờ và bữa sáng bắt đầu.
Cô giáo Hà Thị Xuyên chia sẻ: “Lớp có 14 cháu gồm bốn độ tuổi nhưng hơn nửa là không đủ hồ sơ để có tiêu chuẩn tiền ăn trưa theo quy định học sinh bán trú. Đa số là bố mẹ các cháu chưa đủ tuổi kết hôn nên các cháu không có giấy khai sinh, hoặc từ nơi khác chuyển đến không có hộ khẩu. Các chú bộ đội thương thường mang nhiều thức ăn, vậy là tôi sẻ bớt lại, buổi trưa nấu thêm nồi cơm hoặc các cháu ăn với cơm, sắn mang theo. Thật sự, không có các chú biên phòng thì cũng không biết các cháu sẽ thế nào”.
Thiếu vắng cha mẹ lại nghèo khó, những đứa trẻ ở Buốc Pát cứ như những cây nhỏ sống lay lắt bên bìa rừng. Cái ăn còn chưa đủ nên cũng chẳng ai quan tâm đến việc học của chúng. Ngày nào cũng thế, cô Xuyên cũng phải đi sớm để đến từng nhà, gọi từng học sinh đến lớp. Sau này, có tổ công tác BĐBP đóng chân thì có cán bộ, chiến sĩ đi vận động giúp. Có nhiều người thắc mắc, vì sao phải vất vả thế, nhưng nếu đến đây một lần, biết được hoàn cảnh các em thì ai cũng sẽ làm như vậy.
Cô gái nhỏ Mùa Thị Sênh, mới 4 tuổi, có mái tóc vàng râu ngô và đôi mắt lúc nào cũng cụp xuống. Bố của Sênh là Mùa A Dê, năm trước phải đi tù. Mẹ Thào Thị Dợ bỏ về nhà ngoại từ ngày ấy để lại Sênh ở với ông nội. Hay cậu bé Mùa A Phự đã 5 tuổi rồi nhưng chỉ nhỏ như đứa trẻ lên ba. Kể từ ngày bố đi cai nghiện, Phự sống với mẹ Sồng Thị Pòng, cứ quẩn quanh từ nhà ra nương, hai mẹ con cứ bữa đói nhiều hơn bữa no, sống lay lắt chờ ngày bố về. Những chuyện ấy khiến hai chàng lính trẻ Thào A Quả và Quảng Văn Khởi chiến sĩ nuôi quân của Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập lại nhớ đến tuổi thơ của mình. Đã nhiều lần, Khởi và Quả trút cả hai phần ăn sáng của mình vào thùng thức ăn cho Điểm trường mầm non Buốc Pát với ý nghĩ, để các em no thêm cho đến lúc tan trường.
Lan tỏa sự yêu thương
Sồng A Sếnh hiện đang học lớp 5 Trường THCS - tiểu học dân tộc bán trú Lóng Sập. Nhà Sếnh ở bản Phu Nhan, nghèo lắm. Bố Sếnh mấy năm trước phải chịu án tù, mẹ lại mắc bệnh hiểm nghèo. Với hoàn cảnh như vậy, cậu bé người Mông này thường xuyên bụng rỗng đến trường. Trường hợp như Sếnh không phải là hiếm, dù có đầy đủ cả cha và mẹ.
Trường THCS - tiểu học dân tộc bán trú Lóng Sập có 120 học sinh chỉ có 70 cháu có chế độ ăn bán trú, còn lại 50 cháu ở những bản gần phải tự túc. Do địa lý ở gần chứ thực sự ở đây nhà ai cũng nghèo cả. Một lần nữa, vấn đề “Bữa sáng cho em” được đưa ra cuộc họp của Hội đồng quân nhân của Đồn BP Cửa khẩu Lóng Sập. Tất cả đều đồng ý với chủ trương, thay vì trích một khẩu phần bữa ăn sáng ngày thứ bảy và chủ nhật của bộ đội, cần phải tạo ra nguồn kinh phí ổn định hơn, để có thể nuôi được nhiều học sinh hơn và nuôi trọn vẹn cả năm học.
Thật mừng, tại cuộc họp, 100% cán bộ, chiến sĩ thống nhất, tự nguyện ủng hộ đóng góp quỹ chung cho chương trình. Từ năm học 2019-2020, Đồn BP Cửa khẩu Lóng Sập nhận cung cấp 50 suất ăn cho các cháu ngoài danh sách bán trú. Cứ 6 giờ 30 phút sáng, các thầy cô Trường THCS - tiểu học dân tộc bán trú Lóng Sập lại đến Đồn BP mang đồ ăn về chia cho học sinh. Phải thêm việc nhưng ai cũng vui, nhất là khi thấy những học sinh của mình vui vẻ, được ăn no để có thể bắt đầu một ngày học mới.
Trung tá Lê Quý Bôn, Đồn trưởng Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập (người trực tiếp phụ trách mô hình) chia sẻ, sở dĩ việc đóng góp để duy trì “Bữa sáng cho em” nhận được sự thống nhất cao của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị vì là chúng tôi đều là những người cha, người anh trong mỗi gia đình. Trước hoàn cảnh của các cháu, ai cũng thương cảm bởi vậy mà không ngại ngần đóng góp dù cuộc sống riêng còn rất nhiều thứ phải lo.
Đơn vị luôn cố gắng sắp xếp, tổ chức lại mô hình cho phù hợp giai đoạn mới, bằng việc tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các ban ngành đoàn thể địa phương cùng vào cuộc. Bên cạnh đó, qua nhiều kênh, đơn vị kêu gọi sự chung tay, đồng hành của nhiều nhà hảo tâm, hỗ trợ thêm các nhu yếu phẩm thiết yếu, như gạo, mỳ tôm, cá khô, mắm muối, dầu ăn, thậm chí cả chăn màn, quần áo, giúp bảo đảm sức khỏe cho các cháu trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt, đặc biệt là mùa đông lạnh giá ở vùng cao.
“Hiện nay, ngoài chương trình “Bữa sáng cho em” do các cán bộ, chiến sĩ Đồn BP cửa khẩu Lóng Sập quyên góp, ủng hộ 64 suất mỗi ngày tặng các học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các điểm trường nêu trên thì BĐBP tỉnh đang triển khai, thực hiện các chương trình, như: Phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành huyện Mộc Châu, xã Lóng Sập cứng hóa nền nhà, cứng hóa mái (14/14 nền nhà và mái nhà đã được cứng hóa); hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết; kiên cố hóa điểm trường; động viên các đoàn từ thiện hỗ trợ vật chất cho các hộ gia đình bản Buốc Pát.
Với những thành tựu đã đạt được, thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh sẽ tăng cường phối hợp đoàn thể địa phương, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm tiếp tục thực hiện tốt các chương trình nêu trên. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc trong việc tiếp tục thực hiện những chương trình đồng hành cùng bà con dân tộc vùng biên giới tỉnh Sơn La”.
Đại tá ĐỖ NGỌC CẢNH, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La