Những bức ảnh khiến thế giới thức tỉnh về biến đổi khí hậu
Hai biên tập viên khách mời cho series 'Tiếng gọi Trái Đất' của CNN đã chọn ra những hình ảnh mà họ tin rằng đã cảnh báo thế giới về cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra và kêu gọi mọi người cần hành động ngay để ngăn chặn tình trạng này.
Nhiếp ảnh gia người Canada Paul Nicklen cho biết ông đã chụp bức ảnh thác nước trên khối băng Nordaustlandet vào tháng 8/2014. Tại thời điểm đó, khu vực này có nhiệt độ ấm áp bất thường, dao động trong khoảng 21 độ C.
“Đó là khung cảnh nên thơ, đẹp đẽ nhất mà tôi từng thấy, nhưng cũng đầy ám ảnh và đáng sợ”, ông Nicklen nói. Bức ảnh thác trên băng trở thành biểu tượng cho hiện thực về biến đổi khí hậu và là hình ảnh nghệ thuật bán chạy nhất của ông Nicklen.
Tuy nhiên, câu chuyện đằng sau bức ảnh tuyệt đẹp này chính là thực trạng các dòng sông băng trên Trái Đất đang tan chảy với tốc độ nhanh chưa từng có.
Hiện thực ám ảnh qua những bức hình
Trong khi đó, nhiếp ảnh gia Cristina Mittermeier - vợ của ông Nicklen, cho biết đã chụp được bức ảnh một con gấu Bắc cực gầy còm đang loạng choạng đi tìm thức ăn vào năm 2017. Bức ảnh đã nhanh chóng được chia sẻ trên toàn cầu và khơi dậy phản ứng của mọi người về tình trạng biến đổi khí hậu.
Ông Nicklen cùng bà Mittermeier và nhiếp ảnh gia Andy Mann, đã đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận SeaLegacy - sử dụng phim và nhiếp ảnh để nâng cao nhận thức của nhân loại về các vấn đề khí hậu và giúp bảo vệ hành tinh.
“Nhiếp ảnh là một trong những công cụ hiệu quả và mạnh mẽ nhất mà chúng tôi sử dụng để kể lại những câu chuyện phức tạp, như về biến đổi khí hậu”, bà Mittermeier nói.
Trong những thập kỷ gần đây, các thảm họa khí hậu đang diễn ra với tần suất thường xuyên và dữ dội hơn. Các hình ảnh được chụp lại đã góp phần thể hiện rõ ràng hơn mức độ cấp bách của tình hình.
Bức ảnh 6 con hươu cao cổ đã chết, cơ thể gầy gò vì thiếu thức ăn và nước uống, do nhiếp ảnh gia Ed Ram chụp tại ngoại ô làng Eyrib, khu bảo tồn động vật hoang dã Sabuli, Kenya, vào năm 2021.
Bức ảnh mô tả tình trạng khắc nghiệt tại do hạn hán kéo dài đang diễn ra tại Kenya và các quốc gia ở vùng Sừng châu Phi, khiến động vật và con người phải rời bỏ nơi sinh sống.
Bà Mittermeier cũng giới thiệu những bức ảnh về các vụ cháy rừng cho thấy quy mô của sự tàn phá, với những ngôi nhà bốc cháy và động vật hoang dã chạy trốn trong tuyệt vọng. "Biến đổi khí hậu không chỉ xảy ra ở một nơi nào khác, mà nó đang xảy ra ở mọi nơi”, bà nói.
Các chuyên gia cho biết, tác động của biến đổi khí hậu gây ra sự mất mát nghiêm trọng về đa dạng sinh học. Theo Báo cáo Sức sống Hành tinh năm 2022 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), kể từ năm 1970, quần thể động vật hoang dã đã giảm mạnh 69%, chủ yếu là do thay đổi cách sử dụng đất đã làm chia cắt các môi trường sống quan trọng và nhiệt độ tăng cao dẫn đến các sự kiện các loài tử vong hàng loạt.
Sự tác động của biến đổi khí hậu
Trong buổi chia sẻ, bà Mittermeier cũng nhắc tới cố nhiếp ảnh gia Gary Braasch – “người viết biên niên sử về biến đổi khí hậu”, đã dành hai thập kỷ cuối đời để ghi lại những bức ảnh về sự nóng lên toàn cầu.
Cố nhiếp ảnh gia này đã rong ruổi trên hành trình chụp tác động của biến đổi khí hậu từ Nam Cực – nơi các sông băng đang tan chảy, cho đến đảo Bhola ở Bangladesh – nơi mực nước biển dâng cao đã gây ra hiện tượng xói mòn và biến những làng chìm trong nước biển.
Bức ảnh “Ngôi nhà của gấu” của nhiếp ảnh gia Dmitry Kokh – một trong những bức ảnh đoạt giải “Nhiếp ảnh gia về động vật hoang dã năm 2022”, cho thấy những chú gấu Bắc Cực lang thang tại khu dân cư bỏ hoang trên đảo Kolyuchin, Nga.
Bà Mittermeier tin rằng, biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với gấu Bắc Cực. Khi không còn lớp băng dày để săn mồi, chúng sẽ xâm phạm không gian của con người, chạm trán với người dân địa phương và dẫn đến kết cục bi thảm cho cả hai bên.
Niềm hy vọng giữa những thảm họa
Trong số những bức hình của tàn phá và di dời, cũng có những hình ảnh biểu thị của niềm lạc quan và hy vọng.
Trong loạt ảnh "The Day May Break", nhiếp ảnh gia Nick Brandt muốn biểu thị rằng chủ thể của các bức ảnh, cả người và động vật, đều bị ảnh hưởng bởi sự hủy hoại môi trường, nhưng đã cùng sống sót.
"Những tác động của biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tấn công cả động vật và con người", bà Mittermeier nói: “Không thể phủ nhận rằng tất cả chúng ta đều ở trong đó cùng nhau. Tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng và chúng ta không thể tách mình ra khỏi cuộc sống này. Chúng ta phải chia sẻ hành tinh này".
Đối với bà Mittermeier, bức ảnh mà bà từng chụp về một con sư tử biển trồi lên mặt nước ở Galapagos cho thấy cuộc sống đại dương có thể phát triển như thế nào nếu được bảo vệ đúng cách.
Trong khi đó, ông Nicklen cho rằng bức ảnh một con cá voi đầu cong do ông chụp đại diện cho một trong những đồng minh lớn nhất của con người trong quá trình khử carbon. Không chỉ cơ thể cá voi là kho dự trữ carbon khổng lồ, mà phân của chúng còn cung cấp nhiên liệu cho thực vật phù du hấp thụ carbon dioxide từ khí quyển.
Bằng cách thể hiện vẻ đẹp của hành tinh, cặp vợ chồng ông Nicklen tin rằng họ có thể cho mọi người thấy cần phải đấu tranh chống biến đổi khí hậu.
“Chúng tôi đang cố gắng leo lên ngọn núi cao nhất và hét lên từ đỉnh núi rằng hành tinh này đang chết dần và chúng ta đang gặp nguy hiểm”, ông Nicklen nói.
“Tuy nhiên, cảm xúc duy nhất lớn hơn sự sợ hãi chính là niềm hy vọng. Và cách duy nhất mà chúng ta có thể cảm thấy hy vọng là bắt tay vào hành động”, bà Mittermeier nhấn mạnh.