Những bức ảnh phản ánh ô nhiễm không khí
Từ hôm nay, 13 đến 21-12-2019, 16 bức ảnh được chọn từ cuộc thi nhiếp ảnh 'Bắt nét không khí, Phơi màu ô nhiễm' được triển lãm tại nhà chờ các tuyến xe buýt tại Q.1.
Đây là chương trình do CHANGGE phối hợp cùng Lãnh sự quán Đức tại TP.HCM và Trung tâm Giao thông Công cộng thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM tổ chức.
Theo đó, 16 bức ảnh sẽ trưng bày tại nhà chờ các tuyến số 20 – 86 – 102 – 11 – 34 – 39 – 38 – 96 – 75 - 120 (góc giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và tuyến 52 – 93 – 109 – 152 – 31 – 36 – 04 – 18 – 20 (phía vòng xoay Quách Thị Trang).
Đây là những bức ảnh khắc họa một cách chân thực hiện trạng ô nhiễm không khí (ONKK) và những ảnh hưởng của nó đến chất lượng cuộc sống của chúng ta.
Tại các nhà chờ, người xem còn được tìm hiểu về các kiến thức liên quan đến ONKK và giải pháp góp phần giảm thiểu ONKK. Cụ thể như: trồng thêm cây xanh, bảo vệ rừng, hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông công cộng,..
“Qua triển lãm ảnh, chúng tôi hy vọng có thể giúp người dân nhận thức được rõ ràng hơn về tình trạng ONKK và những tác động đối với con người qua những hình ảnh chân thực, sống động được chụp bởi rất nhiều nhiếp ảnh gia khác nhau.
Và qua việc triển lãm bộ ảnh này, chúng tôi muốn nhắn gửi đến mọi người hãy cố gắng đi xe buýt nhiều hơn trong khả năng có thể như một hành động thiết thực để giảm thiểu ONKK”, bà Nguyễn Cát Tường – Quản lý Dự án của CHANGE chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ONKK là nguyên nhân chính cho những ca tử vong sớm, gây ra cái chết của 7 triệu người trên thế giới mỗi năm. Trong đó hơn 1,7 triệu nạn nhân là trẻ em dưới 5 tuổi. ONKK đã khiến cho 1.1 triệu người chết trẻ hàng năm tại Trung Quốc và 1 triệu người tại Ấn Độ.
Theo nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới công bố năm 2018, tại Việt Nam, có đến 60.000 ca tử vong liên quan đến các bệnh về tim, phổi do tác động của ONKK.
Đồng thời, theo nghiên cứu của ĐH Fulbright Việt Nam vào năm 2013, ONKK ở nước ta đã gây thiệt hại kinh tế từ 9,86 – 12,45 tỉ đô la (tại TP. HCM, ONKK gây thất thoát khoảng từ 117 đến 183 triệu đô la).
Trong đó, một trong những nguyên nhân tạo nên sự nguy hiểm khó lường của ONKK chính là bụi siêu mịn. Phổ biến nhất là bụi PM2.5 (đường kính chỉ bằng 1/40-1/100 sợi tóc), là siêu vi bụi nguy hiểm nhất thế giới mà không khẩu trang bình thường nào có thể ngăn cản được.
Với kích thước siêu nhỏ đó, các hạt bụi siêu mịn này có thể chui sâu vào phổi và gây ra nhiều bệnh (phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi,…). Ngoài ra, chúng có thể thâm nhập sâu vào hệ tuần hoàn dẫn đến đột quỵ, rối loạn nhịp tim hoặc bệnh tim thiếu máu.
Cuộc thi ảnh “Bắt nét không khí, phơi màu ô nhiễm” được CHANGE tổ chức từ ngày 15-12-2018 đến ngày 1-2-2019 với sự tài trợ từ Lãnh Sự quán Đức tại TP. HCM và Canon được xem là “phát súng mở màn” cho chiến dịch “Không khí sạch, bầu trời xanh”.
“Với nhiều góc máy sáng tạo khác nhau, mỗi bức ảnh tại cuộc thi là một thông điệp phản ánh trước thực trạng ONKK nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, sức khỏe cho mọi người”, Trưởng Ban giám khảo – nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hồng Linh chia sẻ về cuộc thi.