Những bước chân không mỏi
Chương trình Tài chính vi mô Thanh Hóa được triển khai đã mang lại niềm hy vọng cho chị em phụ nữ nghèo không có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức. Đồng thời tạo nên phong trào phụ nữ tương thân tương ái, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Chương trình còn giúp chị em nâng cao mức sống, tự tin, cải thiện vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Cán bộ tín dụng của Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa nhiệt tình tư vấn cho khách hàng.
Một căn nhà lá đơn sơ nằm trơ trọi giữa khoảng cát trắng chang chang nắng nơi mảnh đất ven biển xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương). Khách ghé thăm, muốn vào bên trong ngôi nhà không còn cách nào khác là phải cố khom người thật sâu từng người, từng người lọ mọ bước qua cánh cửa chẳng khác nào “lỗ tò vò”. Cũng giống như diện mạo khi nhìn từ phía ngoài, bên trong ngôi nhà chẳng có gì nhiều nhặn ngoài vài vật dụng cũ, tuềnh toàng.
Đó là “tổ ấm hạnh phúc” của vợ chồng chị Vũ Thị Cần cùng 4 đứa con. Lúng túng kéo vội manh chiếu cũ trải giữa nhà mời khách, chị Cần tâm sự với chúng tôi về hoàn cảnh gia đình mình bằng chất giọng “kẻ bể” chẳng thể lẫn vào đâu được. Chị Cần kể: “Anh chị đều là dân lao động tự do, không có công ăn việc làm ổn định, thu nhập “bữa đực bữa cái”. Chồng chị “đi bể” đánh cá thuê nhưng công việc cũng không được thuận lợi, suôn sẻ. Tiền chẳng có là bao nhưng có lẽ, sau mỗi chuyến đi biển về, cái mà anh mang lại cho chị nhiều hơn cả là những đứa con lần lượt chào đời, khiến khó khăn lại càng chồng chất khó khăn”.
Giữa lúc loay hoay không biết xoay sở thế nào, chị Cần gặp một người dân địa phương làm cán bộ tín dụng cho Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa. Chị giãi bày tâm sự về hoàn cảnh của mình và nhận được những chia sẻ, tư vấn cán bộ tín dụng về kinh nghiệm mua bán hàng hóa, các kỹ năng sử dụng đồng vốn, kiến thức tiết kiệm, kiến thức chăm sóc bản thân, nuôi dạy con nhỏ... Đây chính là sự động viên, khích lệ, trở thành “tài sản vô giá” giúp chị Cần có những buổi chợ đắt khách. Từ một người phụ nữ nghèo luôn mặc cảm, tự ti với số phận, sau hơn 5 năm vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa, giờ đây, chị Cần là người phụ nữ giàu nghị lực, biết vươn lên trong cuộc sống, không những thoát nghèo mà còn có “bát ăn bát để” phòng những khi đau ốm, biển động, sóng cả...
Câu chuyện thoát nghèo được chị Cần chia sẻ đã phần nào cho thấy được vai trò, đóng góp quan trọng của Tổ chức TCVM Thanh Hóa trong cuộc chiến chống đói nghèo ở tỉnh ta. Ký ức vẫn còn vẹn nguyên từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, ông Nguyễn Hải Đường, Tổng Giám đốc Tổ chức TCVM Thanh Hóa hồi tưởng lại: Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, tình hình tín dụng ở khu vực nông thôn chưa được phát triển, các hộ nghèo và hộ có thu nhập thấp đều khó có khả năng tiếp cận các dịch vụ tín dụng từ các tổ chức tài chính chính thức. Tình trạng “tín dụng đen”, cho “vay nóng” lãi suất cao, bán lúa non xảy ra rộng khắp tại các vùng nông thôn của tỉnh Thanh Hóa. Cũng tại thời điểm này, TCVM bắt đầu du nhập vào Việt Nam với mục tiêu giúp phụ nữ nghèo và cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn để mở rộng ngành nghề, phát triển sản xuất tăng thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình, phát triển kinh tế hộ bền vững. Từ đó, các thành viên vay vốn có điều kiện chăm sóc bản thân, gia đình và dạy dỗ con cái trưởng thành hơn, góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng và thất học ở bậc tiểu học. Tháng 3–1998, được sự ủng hộ của UBND tỉnh Thanh Hóa và UBND huyện Nông Cống, Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Mỹ) cùng đối tác chính là Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa bắt đầu thực hiện Chương trình TCVM. Khởi đầu tại 3 xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện Nông Cống là: Thăng Bình, Công Chính và Vạn Thắng chỉ bằng số vốn ban đầu là 90 triệu đồng cho 300 thành viên, mức vay: 300 nghìn đồng/người, Chương trình TCVM Thanh Hóa được triển khai đã mang lại niềm hy vọng cho chị em phụ nữ nghèo không có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức. Đồng thời tạo nên phong trào phụ nữ tương thân tương ái, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Chương trình còn giúp chị em nâng cao mức sống, tự tin, cải thiện vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Bằng việc cung cấp các sản phẩm tín dụng nhỏ, tổ chức cho phép thành viên được vay vốn theo từng nhóm đoàn kết, không thế chấp bằng tài sản, mà bằng uy tín của từng thành viên. Thông qua hình thức “vay một thúng trả từng đấu” - vay một lần trả dần trong nhiều tháng, không những dễ vay dễ trả, hết chu kỳ vay lại có một khoản tiết kiệm nho nhỏ, phù hợp với các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp đề phòng cho những khi trong gia đình họ ốm đau, hoặc có sự kiện cần đến chi phí. Với phương pháp tiếp cận “gần gũi, thân thiện, hiệu quả” như thế, chương trình đã có sức lan tỏa nhanh chóng.
Trải qua hơn 20 năm hình thành với 3 giai đoạn phát triển và những tên gọi khác nhau: Chương trình TCVM Thanh Hóa (năm 1998), Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo Thanh Hóa (năm 2008), Tổ chức TCVM Thanh Hóa (tháng 3-2015). Đến nay, mạng lưới hoạt động của Tổ chức TCVM Thanh Hóa phát triển trên khắp địa bàn toàn tỉnh với 4 chi nhánh: Nông Cống, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, TP Thanh Hóa; 3 phòng giao dịch: Hậu Lộc, Đông Sơn, Quảng Xương; 5 điểm giao dịch trung tâm (có quy mô tương đương phòng giao dịch) ở Tĩnh Gia, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Bỉm Sơn. Hiện tại, tổ chức đang phục vụ hơn 20.000 thành viên vay vốn, dư nợ cho vay đạt 333,6 tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi vốn đạt 99,63%. Từ 3 xã khởi đầu, thời điểm hiện tại, Tổ chức TCVM Thanh Hóa mở rộng địa bàn hoạt động trên 19 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng việc hỗ trợ các đối tượng phụ nữ miền biển, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi thấp như: Thạch Thành, Như Thanh, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc... Đội ngũ cán bộ TCVM Thanh Hóa cũng không ngừng được mở rộng và nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Khởi đầu là cán bộ hội liên hiệp phụ nữ các cấp kiêm nhiệm, đến nay, tổng số cán bộ, nhân viên chuyên trách của Tổ chức TCVM Thanh Hóa là 152 người. Đề cao phương châm hoạt động “Sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng hợp tác”, trong suốt hơn 20 năm hình thành và phát triển, TCVM Thanh Hóa đã kết nối và trở thành đối tác của nhiều tổ chức quốc tế như: KIVA, Babyloan, BOPA, Oikocredit, Quỹ Unilever, ADB, AFD, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), IFC,... Đặc biệt, trong 2 năm (2016 – 2017), tổ chức được Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tin tưởng hợp tác thực hiện 3 dự án: “Tập huấn quản lý tài chính cá nhân”, “Tư vấn quản lý tài chính hộ gia đình” và “Tài chính vi mô” với đối tượng hưởng lợi gần 2.000 hộ dân. Bên cạnh đó, Tổ chức TCVM Thanh Hóa đang được các nhà đầu tư mới quan tâm như: BNP, Symbiotic...
Không chỉ tập trung phát triển hoạt động tín dụng, tài chính, công tác nhân sự, mở rộng hợp tác quốc tế... TCVM Thanh Hóa luôn quan tâm đến hoạt động nâng cao năng lực cho thành viên thông qua việc tổ chức hàng nghìn khóa tập huấn, cung cấp kịp thời các kiến thức về lập kế hoạch kinh doanh giúp họ lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp. Bên cạnh đó, tổ chức còn cung cấp cho các thành viên nhiều kiến thức bổ ích khác như: Bình đẳng giới, di cư an toàn, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... Đặc biệt, một vài năm trở lại đây, tổ chức mở nhiều khóa đào tạo về giáo dục tài chính cho hàng trăm khách hàng là người dân tộc thiểu số tại một số huyện miền núi như: Thạch Thành, Cẩm Thủy... Đây được xem là nội dung tập huấn đặc biệt, có ý nghĩa thực tiễn, tác động hiệu quả của Tổ chức TCVM Thanh Hóa.
Bám sát sứ mệnh hoạt động “Vì mục tiêu phát triển cộng đồng”, các hoạt động thiện nguyện luôn được Tổ chức TCVM Thanh Hóa duy trì hàng năm. Trong trận lũ lịch sử tháng 9-2019 vừa qua, tổ chức đã đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn, mất mát. Cán bộ, nhân viên Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã trực tiếp xuống hộ gia đình khách hàng thăm hỏi, động viên kịp thời, giúp đỡ khách hàng vượt qua khó khăn tại vùng chịu ảnh hưởng thiên tai. Bên cạnh đó, đoàn thanh niên của tổ chức thường xuyên duy trì chương trình “Thắp sáng tương lai”. Bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2016, đến nay, đoàn thanh niên của tổ chức đã trao tặng 40 suất quà, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng cho 40 em học sinh nghèo vượt khó tại các huyện Hậu Lộc, Nông Cống, Quảng Xương, Cẩm Thủy, Hoằng Hóa... Đặc biệt trong tháng 9 và 10 năm 2019, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về phong trào “Nói không với túi nilon và rác thải nhựa”, Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã thực hiện hành động thiết thực: Trao 25.000 làn nhựa cho chị em phụ nữ trên 19 huyện, thị xã mà tổ chức đang hoạt động, đồng thời tổ chức các buổi tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa và cách thức các chị em có thể thực hiện ngay từ hôm nay để đẩy lùi nguy cơ hiểm họa từ rác thải nhựa. Hoạt động đã được chính quyền các địa phương nhiệt liệt biểu dương và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ khách hàng.
Với những kết quả đã đạt được trong suốt chặng hành trình bền bỉ phấn đấu, tính đến năm 2018, Tổ chức TCVM Thanh Hóa liên tiếp 9 năm được vinh danh là Tổ chức TCVM tiêu biểu. 25 khách hàng vay vốn của tổ chức được vinh danh là Doanh nhân vi mô tiêu biểu, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo an sinh xã hội tại địa phương. Đó cũng là một chặng hành trình trưởng thành và phát triển được làm nên bởi những bước chân không mỏi. Vượt qua biết bao sóng gió, thăng trầm, đến nay, Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã thực sự trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy với những người phụ nữ nghèo và các hộ có thu nhập thấp trong cuộc chiến chống đói nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. “Không ngủ quên trên chiến thắng”, lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Tổ chức TCVM Thanh Hóa luôn kiên trì, nỗ lực hoạt động cho mục tiêu phát triển bền vững. “Đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; áp dụng công nghệ số vào tổ chức quản trị điều hành; giảm chi phí tiếp cận dịch vụ TCVM cho các hộ nghèo vùng sâu, vùng xa. Đó là mục tiêu mà tổ chức hướng đến trong giai đoạn phát triển tiếp theo” – ông Đường chia sẻ.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/nhung-buoc-chan-khong-moi/110294.htm