Những bước chân không mỏi
Với lòng nhiệt huyết, yêu nghề, gắn bó và tận tâm trong công việc, những cộng tác viên dân số -KHHGĐ luôn mong muốn đóng góp sức mình cho sự phát triển chung của thôn xóm, bản làng. Bằng những bước chân không mỏi, họ đã 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' để tuyên truyền các chủ trương, chính sách về dân số - KHHGĐ đến với mỗi người dân trên địa bàn.
24 năm gắn bó với công tác dân số
Về xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Thế Mỹ, là cộng tác viên (CTV) dân số đã có hơn 24 năm gắn bó với công tác dân số trên địa bàn. Ông Mỹ chia sẻ, toàn thôn hiện có 108 hộ, 498 nhân khẩu, với 55 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Đời sống bà con những năm trở lại đây mặc dù được cải thiện nhiều so với thời gian trước nhưng vẫn còn khó khăn bởi đại đa số các gia đình đều làm nông nghiệp, do vậy việc tiếp cận, tuyên truyền công tác dân số đến người dân là điều không hề dễ dàng.
Khi được hỏi về những kỉ niệm trong quãng thời gian dài làm công tác dân số, ông Mỹ vui vẻ tâm sự: “24 năm gắn bó với công tác dân số là khoảng thời gian có nhiều kỉ niệm vui buồn mà tôi không bao giờ quên được. Tôi còn nhớ như in ngày nào anh em cùng nhau đạp những chiếc xe “cà tàng” đến nhà dân vận động chính sách dân số đến tận khuya mới về. Vậy mà chúng tôi chẳng bao giờ nề hà trong công việc, chỉ với mong muốn góp phần công sức nhỏ bé của mình cho xã hội, cho cuộc sống của người dân ngày càng thêm no ấm”. Công tác dân số với ông Mỹ còn là niềm vui trong cuộc sống, mặc dù khoản phụ cấp chỉ 150 ngàn đồng/ tháng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bé, Trưởng Trạm Y tế xã Hải Quế cho biết: “Trước thực trạng khó khăn về công tác DS-KHHGĐ ở địa phương, bằng kinh nghiệm lâu năm gắn bó với công tác dân số, bản thân ông Mỹ đã tìm tòi, cùng với chi bộ và ban điều hành thôn thông qua các buổi họp dân, họp họ tộc hay các buổi giao ban y tế… đưa ra cách giải quyết các vấn đề, nội dung quan trọng của công tác dân số. Chúng tôi còn tranh thủ sự tham gia của các đoàn thể, chi hội trong thôn tăng cường công tác tuyên truyền vận động đến người dân, đặc biệt là tiếp cận với các cặp vợ chồng, chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về lợi ích của việc thực hiện các chính sách, công tác dân số - KHHGĐ, từ đó có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan”.
Được biết, đến thời điểm hiện tại ông Mỹ cùng đoàn thể trong thôn đã tuyên truyền vận động được 45 trên tổng số 55 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, trong đó có 36 ca đặt vòng, 1 ca đình sản, 8 người dùng thuốc, bao cao su tránh thai. Bên cạnh đó, để tiếp cận với các nội dung, chính sách mới về công tác dân số, đặc biệt là Nghị quyết 21/NQ-TW về công tác dân số trong tình hình mới, ông Mỹ đã không ngừng nỗ lực học hỏi, tìm tòi qua các kênh truyền thông phổ biến hiện nay để tiếp cận, tuyên truyền cung cấp kịp thời các thông tin, chính sách dân số đến người dân, qua đó đã tổ chức triển khai có hiệu quả công tác Dân số - KHHGĐ ở địa bàn.
Với những thành tích, sự gắn bó tâm huyết của mình đối với công tác dân số trên địa bàn, trong nhiều năm liền ông Mỹ nhận được giấy khen, bằng khen của các cấp trao tặng. Năm 2011, ông được Tổng cục Dân số - KHHGĐ Trung ương tặng Giấy khen và Kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp dân số”.
Để niềm vui được nhân rộng
Chị Nguyễn Thị Bích, cộng tác viên dân số thôn Tân Mỹ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị đến với công tác dân số từ năm 2002. Dù sức khỏe yếu nhưng chị Bích rất nhiệt tình trong công việc, không nề hà khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tân Mỹ là thôn nằm về phía tây xã Hải Lệ, địa hình tương đối phức tạp, lại nằm xa trung tâm xã nên những người làm công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số địa phương gặp không ít khó khăn.
Chia sẻ về quá trình công tác, chị Bích cho biết: Để làm tốt công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn là nỗ lực của những cộng tác viên dân số, cùng với sự phối hợp tích cực từ các ban ngành, đoàn thể để tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân số của Đảng, Nhà nước. So với trước đây, công tác tuyên truyền vận động người dân tiếp tục thực hiện KHHGĐ để giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số hiện nay khó khăn hơn nhiều, nếu không có đủ kiên nhẫn, tâm huyết gắn bó với công việc thì khó hoàn thành nhiệm vụ.
Được biết, chị Bích với sự năng động, nhiệt huyết của mình luôn được nhân dân trong thôn tín nhiệm. Từ năm 2006, chị đã tham gia BCH chi hội phụ nữ thôn, là ủy viên BCH Hội liên hiệp phụ nữ xã và hiện là bí thư chi bộ thôn. Do vậy ngoài việc cung cấp, đưa thông tin, tuyên truyền công tác dân số qua các cuộc họp dân cùng với chi bộ, trưởng thôn, chị Bích đã tranh thủ các buổi tọa đàm, hội họp các đoàn thể, chi hội để lồng ghép tuyên truyền về các chính sách, đưa thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đến với các đối tượng, qua đó để nâng cao nhận thức của người dân thực hiện tốt công tác Dân số-KHHGĐ. Đặc biệt là việc tuyên truyền vận động thực hiện các biện pháp tránh thai, các nội dung nâng cao chất lượng dân số hiện nay như tư vấn cho bà mẹ mang thai hiểu rõ lợi ích của việc khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh; chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tuyên truyền về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh...
Nhờ vậy, trong 5 năm qua, công tác Dân số - KHHGĐ của thôn đã có những bước tiến rõ rệt, tỉ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhận thức của người dân nơi đây về công tác dân số đã thay đổi và chuyển biến rõ nét, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn.
Bóng hồng dân số vùng cao
Là cộng tác viên dân số - KHHGĐ thôn Cu Tai 2, xã A Bung, huyện Đakrông, chị Hồ Thị Thở, sinh năm 1987 luôn trăn trở trước những hoàn cảnh khó khăn của người dân thôn bản bởi cảnh đông con. Vì vậy chị luôn muốn đóng góp phần nào công sức của mình vào việc giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.
Hiện thôn Cu Tai 2, xã A Bung, huyện Đakrông có 90 hộ, 354 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Pa Kô chiếm hơn 90% dân số. Chị Hồ Thị Thở gắn bó với công tác dân số từ năm 2007. Hơn ai hết, chị thấu hiểu được những nỗi nhọc nhằn, vất vả của bà con dân bản và nhận thức sâu sắc ý nghĩa của công tác Dân số - KHHGĐ đối với sự phát triển và cuộc sống của người dân nơi đây. Tham gia làm công tác dân số với muôn vàn khó khăn bởi tuổi trẻ, còn ít kinh nghiệm, điều kiện đi lại khó khăn và với khoản phụ cấp ít ỏi khiến chị đôi lúc phân tâm. Tuy nhiên, vượt lên trên những khó khăn đó, cùng với sự động viên của gia đình, chị đã có thêm động lực để tiếp tục cố gắng hoàn thành công việc.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chị Hồ Thị Thở đã tranh thủ tuyên truyền vận động thực hiện công tác dân số mọi lúc mọi nơi. Ngoài việc tiếp cận tuyên truyền công tác dân số, cấp phát phương tiện tránh thai cho các cặp vợ chồng, chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại các gia đình. Với đặc thù canh tác nương rẫy, chị em trong thôn không mấy khi ở nhà, do vậy có khi chị phải vượt chặng đường khó khăn, xa xôi để lên nương rẫy tuyên truyền, tư vấn cho chị em về cách chăm sóc SKSS/KHHGĐ, vận động sinh ít con để tập trung làm ăn phát triển kinh tế, vì tương lai cho con cái trong gia đình.
Chị Hồ Thị Thở chia sẻ: “Làm cộng tác viên dân số ở xã vùng sâu, vùng xa thật sự không hề dễ dàng bởi nhận thức cũng như kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản/ KHHGĐ của chị em, nam giới trong thôn bản còn rất hạn chế. Công tác truyền thông vận động đi sớm về khuya dường như là chuyện “cơm bữa” với chị em làm công tác dân số chúng tôi. Vất vả đó nhưng để đổi lại niềm vui và hạnh phúc cho dân bản thì mình phải luôn cố gắng vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ”.
Với suy nghĩ đó, 12 năm gắn bó với công tác dân số, chị Hồ Thị Thở luôn hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trong quá trình công tác, chị đã tuyên truyền vận động được 35 ca đặt vòng, 15 ca đình sản, 2 ca cấy thuốc tránh thai…Đặc biệt trong năm 2018, thôn Cu Tai 2, xã A Bung đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen và kinh phí 20 triệu đồng nhờ việc xây dựng và duy trì thành công 3 năm liền thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên. Với kinh phí khen thưởng của các cấp, thôn đã kéo được đường điện thắp sáng đường quê phục vụ cho việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân thôn, bản.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=144937