Những bước chân vì cộng đồng

'Thay đổi nếp sống bắt đầu từ việc thay đổi nếp nghĩ, cán bộ làm trước để hội viên tiếp bước theo sau'. Đó là phương châm làm việc của bà Võ Thị Ngọc Đẩu – thôn Tiến Bình, phường Tiến Thành trong suốt hành trình nhiều năm đảm nhận công tác xã hội. Dù nay ở tuổi 68, nhưng bà vẫn tiếp tục đồng hành cùng hội viên phụ nữ để mọi người, mọi nhà có cuộc sống hạnh phúc, no ấm, gắn kết hơn.

Bà Võ Thị Ngọc Đẩu chuyện trò cùng con gái sau những lần tham gia hoạt động xã hội.

Bà Võ Thị Ngọc Đẩu chuyện trò cùng con gái sau những lần tham gia hoạt động xã hội.

10 giờ trưa, vừa trở về sau lễ bàn giao nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn thôn về nhà, điện thoại của bà Võ Thị Ngọc Đẩu lại đổ chuông khi có một trường hợp hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Với bản tính thiện lương, bà ghi chép cẩn thận và hẹn thời gian tới thăm. Lớn tuổi, đôi chân không nhanh nhẹn như trước nhưng ở con người ấy vẫn tràn đầy nhiệt huyết, sự ấm áp mỗi khi người dân cần. Và ít ai ngờ rằng, trong mấy chục năm làm công tác xã hội, từ Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tiến Thành trước đây, cho đến năm 2011 về làm bí thư chi bộ và phụ nữ thôn, bà không biết đi xe máy, chỉ cọc cạch với chiếc xe đạp. Vậy mà từ làng trên, xóm dưới hay vào tận các rẫy xa, đường cát lún đều in dấu chân bà, chỉ cần nhắc đến tên, gần 600 hộ dân ở thôn ai cũng quý, cũng thương.

Bởi bà Võ Thị Ngọc Đẩu nghĩ: “Mình là đảng viên - trước hết phải gương mẫu, làm tròn trách nhiệm của người đảng viên với dân, với Đảng”. Không nề hà khó khăn, trắc trở của địa bàn thôn ven biển còn gian khó, bà bắt tay ngay vào việc củng cố và xây dựng các tổ chức đoàn thể thôn. Khi địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới, bà đi từng nhà vận động nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng và chỉnh trang nhà văn hóa, các công trình giao thông, tuyến đường hẻm vào khu dân cư, trong số này có những công trình được thực hiện bằng 100% vốn dân. Nhiều khu dân cư trước đây chưa có đường đi lại như khu vực xóm biển, nay đã được đổ sỏi tạo nền đường cho bà con lưu thông thuận tiện hơn.

Rồi lại thấy bà đi vận động hội viên, phụ nữ thực hiện tốt mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch”. Giữ sạch đường, sạch ngõ là làm đẹp cho ngành du lịch địa phương. Tất yếu, khi du khách nhớ đến, quay trở lại thì chính người dân hưởng lợi khi có công việc thường xuyên. Đặc biệt, thực hiện tiêu chí “Không đói nghèo” của cuộc vận động gắn với tiêu chí nâng cao thu nhập trong chương trình xây dựng nông thôn mới, bà đã tích cực hướng dẫn hội viên vay vốn giải quyết việc làm và nước sạch vệ sinh môi trường để phát triển kinh tế. Hiện thôn Tiến Bình có 3 tổ vay vốn của phụ nữ, giúp chị em vay trên 3 tỷ đồng. Đây cũng là địa bàn không có nợ quá hạn.

Gia đình chị Hà Thị Thúy Kiều, chị Võ Thị Như Hạnh, chị Võ Thị Tình và nhiều chị em khác khi nhắc về bà Đẩu đều dành một tình cảm trân quý, biết ơn. Chung một cảnh chật vật mưu sinh hằng ngày, nhờ các nguồn vốn là cơ sở để họ mua sắm ngư lưới cụ đi biển, đầu tư trồng thanh long, buôn bán nhỏ… Bây giờ các gia đình đều trở nên khá giả.

Tất bật trong công tác xã hội, trở về nhà, bà tiếp tục thực hiện vai trò của người mẹ, người bà. Hành trình một mình gần 15 năm qua khi người chồng đã mất. Vượt qua mọi khó khăn, vừa lo kinh tế, vừa làm chỗ dựa tinh thần và làm gương cho các con trên con đường học tập, làm việc. Từ sự nỗ lực của mẹ, 4 người con đều có việc làm ổn định. Bây giờ con, cháu lại động viên, hỗ trợ đưa đón mẹ tham gia hoạt động xã hội.

Đôi chân của bà vẫn bước tiếp trên hành trình sẻ chia, công tác của một tuyên truyền viên để nhân lên những giá trị nhân văn bền vững. Với bà Võ Thị Ngọc Đẩu, hạnh phúc, thành công không chỉ là những tấm giấy khen, bằng khen mà giản dị từ niềm vui có sức khỏe, sự chan hòa với mọi người, được làm việc và được cống hiến để cộng đồng xung quanh mình mỗi ngày no ấm, tiến bộ, văn minh hơn.

Thùy Linh

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/nhung-buoc-chan-vi-cong-dong-380885.html