Những bước đầu tiên
Tín hiệu thơ ca, của nghệ thuật nói chung dường như đến với mỗi chúng ta từ rất sớm.
Khi mới lớn, hàng chuỗi hình ảnh, thanh âm của đời sống xung quanh đã gợi mở cho con người những tưởng tượng phong phú cùng nhiều cung bậc cảm xúc mới lạ.
Những tín hiệu ấy đã dội vào tôi như một hồi chuông vừa dứt, nó ngân vang, lẩn quất trong tâm trí, tạo những phản ứng dây chuyền, đột khởi, hình dung về một thế giới khác, thanh sạch, bay bổng hơn đời sống chúng ta đang trải nghiệm. Những tín hiệu đầu tiên về thế giới khác lạ ấy đã vẫy gọi, dẫn dụ tôi dấn thân vào cuộc sáng tạo.
Tôi sinh ra trong một gia đình Công giáo. Từ thuở ấu thơ, bà nội tôi chính là vị “Thừa sai” (1) đầu tiên đã rao giảng Phúc Âm cho tôi, dạy tôi biết yêu thương, tha thứ và sống cho tha nhân. Từ ấy, tôi được sống, được chiêm ngẫm ý nghĩa của các Bí tích (2) trong Công giáo cùng kinh bổn và những bài thánh ca. Đồng thời, qua những câu chuyện dân gian mà bà tôi thường kể, những câu ca dao, làn điệu dân ca và đồng dao ở vùng quê Bắc Bộ, tôi say mê những câu chuyện ly kỳ và hấp dẫn trong dân gian, được thưởng thức những tác phẩm văn học tiêu biểu của một số dân tộc qua các thời đại. Những năm tháng ấy đã mở ra trong tôi một thế giới tuyệt đẹp, ở đó không có những thói hư, tật xấu của con người, nơi cái thiện luôn chiến thắng cái ác, sự chân thật thường lấn át những điều gian dối...
Tín hiệu thơ ca thuở nào đã gieo vào tôi những mầm cây, hạt giống. Và, những cái cây xanh ấy dần trưởng thành, cho tôi thêm bao khát khao, hy vọng. Tôi hy vọng đến lúc nào đó có thể viết lại những điều đẹp đẽ từng hiện ra trong tâm tưởng mình, vẽ lại hình hài cuộc sống theo cách của riêng mình. Tôi nhận thức rằng, thơ là ánh sáng khai thị cho con người bằng nghệ thuật ngôn từ, làm hiển lộ vẻ đẹp tâm hồn người viết, kiến tạo một không gian mới, cõi sống khác. Đó thực sự là những vẻ đẹp tinh tuyền và quyến rũ, khúc xạ tâm hồn người viết, phản chiếu nền văn hóa của mỗi vùng đất, mỗi dân tộc.
Thơ ca mang vẻ đẹp và quyền năng riêng, nó mời gọi, lôi cuốn người đọc, thanh lọc họ, làm cho họ trở nên thánh thiện, cao đẹp hơn. Vẻ đẹp của thơ thường mang nét riêng, khác với những loại hình nghệ thuật khác, nó ít khi gây choáng ngợp tức thì mà đằm sâu, êm êm nồng nàn như một thứ rượu quý. Vẻ đẹp ấy cũng không áp đặt, thống trị mà đến với người đọc một cách chân thành và tự nhiên, qua cánh cửa trái tim. Câu thơ “Tiếng sen khẽ động giấc hòe/ Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần” trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du mang một vẻ đẹp bí ẩn, vi diệu. Tác giả đã sử dụng tài tình phép hoán dụ, tả cái đẹp mà không cần dùng đến từ “đẹp”, và đặc biệt hơn, các từ ngữ trong câu thơ trên đều diễn tả sự mong manh, yên lắng, nhưng người đọc cảm nhận như chúng đang giao thoa, động rộn... Ngoài ra, thơ còn có những quyền năng khác thường, nó có thể mang đến cho con người nghị lực sống, lòng can cảm để vượt qua những khó khăn, thử thách; nó kết nối con người với con người, gắn liền cá nhân với thế giới xung quanh. Nhữngcâu thơmang hồn thiêng sông núi trong bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt và những lời tuyên cáo trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi luôn vang vọng qua nghìn năm, tới tận hôm nay và mãi sau này.
Thơ ca sớm đến với tôi như một lẽ sống, tự nhiên như hơi thở, như dấu chân trên mặt đất. Mỗi ngày, quyền năng và vẻ đẹp của thơ càng vẫy gọi tôi dấn thân vào con đường sáng tạo. Tuổi đôi mươi tôi có tập làm thơ, ghi lại những trải nghiệm, giãi bày những biến động nơi tâm hồn mình. Nhưng sau đó đọc lại những bài thơ mình đã viết, tôi thấy ánh sáng trong đó còn nhờ nhạt, ít sáng tạo. Phải đến năm bước vào tuổi 37 tôi mới thực sự nhận được “Ơn gọi” (3). Tôi nhớ một chiều mùa Hè năm 1990, khi ấy con gái Ngọc Trâm của tôi mới ba tuổi, bị sốt cao mà không chịu uống thuốc. Để cứu chữa con gái bé bỏng qua cơn nguy kịch, tôi đã ép con uống hết chén thuốc. Sau đó không lâu con gái tôi đã hạ sốt. Đặt chiếc chén đã cạn thuốc lên bệ cửa sổ, lòng tôi rối bời với nhiều liên tưởng. Và tôi đã viết rất nhanh bài thơ “Thuốc đắng” vào thời điểm ấy.
Thuốc đắng
(Cho Ngọc Trâm)
Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa
Cha cũng có thể thành tro nữa
Thuốc đắng không chờ được rồi
Giữ tay con
Cha đổ
Ngậm ngùi thả lòng chén vơi...
Con ơi! Tí tách sương rơi
Nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh
Và những cánh hoa mỏng mảnh
Đưa hương phải nhờ rễ cay.
Mồ hôi keo thành chai tay
Mùa Xuân tràn vào chén đắng
Tuổi cha nước mắt lặng lặng
Sự thật khóc òa vu vơ.
Con đang ăn gì trong mơ
Cha để chén lên cửa sổ
Khi lớn bằng cha bây giờ
Đáy chén chắc còn bão tố.
Đây là bài thơ đầu tiên tôi chính thức trình làng, cũng là tác phẩm đã khai mở chặng đường sáng tác của tôi sau này. Lòng thương con, cả nỗi xót xa, ân hận đã thôi thúc tôi viết. Viết khi ấy như một nhu cầu tự thân, mong muốn được giải thoát khỏi tâm trạng trì nặng, bối rối... Nhưng khi đuổi theo ý tứ của bài thơ, tôi đã gặp khá nhiều vỉa tầng trong ký ức và tâm trạng mình, như chạm vào nền tảng văn hóa mà mình đã được bồi đắp, đánh thức những ẩn ức về lịch sử, những ám ảnh về hiện thực đời sống và hiện thực tâm hồn, những chiêm ngẫm về thế sự, thân phận...
Bài thơ trên được viết vào thời điểm Việt Nam vừa thoát khỏi thời kỳ bao cấp (1975 - 1986), một giai đoạn khó khăn nhất trong thế kỷ 20. Đây là giai đoạn nước ta phải khắc phục những hậu quả nặng nề sau chiến tranh, khôi phục kinh tế ở miền Bắc, xây dựng lại miền Nam bị tàn phá. Trong thời kỳ đó, kinh tế tư nhân bị xóa bỏ, việc tự do mua bán trên thị trường bị hạn chế; lương thực, thực phẩm được phân phối theo tem phiếu... Điều đáng lưu tâm trong văn học nước nhà là tiếp tục xuất hiện những tác phẩm viết về chiến tranh, về gương người tốt việc tốt theo phương pháp hiện thực phê phán, hiện thực xã hội chủ nghĩa và lãng mạn tích cực... Tôi còn nhớ vào thời gian ấy, khắp nơi lan truyền câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Câu nói này ngoài ý nghĩa chính trị - kinh tế còn mang một ý nghĩa triết lý, kêu gọi giải phóng tư duy, thúc đẩy mỗi người hãy mau chóng phá bỏ những vòng kim cô, những rào cản vô hình...
Quả thật, những năm đầu giai đoạn Đổi mới (1986 - 1990), mặc dù kinh tế nước ta đã khởi sắc, song đời sống vẫn chồng chất khó khăn và tư tưởng bao cấp vẫn nặng nề. Có cảm giác xã hội ta khi ấy như một cơ thể đang lên cơn sốt, rất cần những liều thuốc để hạ nhiệt. Phải chăng những ám ảnh của hiện thực đời sống vào thời điểm đó đã khiến tôi phải băn khoăn lựa chọn một câu hỏi dành cho con gái mình: Phải uống cạn chén thuốc đắng hay tiếp tục vật vã với cơn sốt? Tình yêu thương của tôi dành cho con, được thể hiện trong bài thơ, tựa như hoa trái kết trên ngọn cây “Thuốc đắng”, nhưng chùm rễ của nó đang lặng lẽ bám sâu vào lòng đất tối để hút dưỡng chất lên nuôi cây. Khi viết bài thơ này, tôi được dòng cảm xúc mạnh mẽ dẫn dắt qua những tâm trạng ngổn ngang, đầy nỗi lo âu, sự bế tắc, niềm hy vọng... Những biến động trong tâm hồn tôi đã diễn ra như một “định mệnh” mà bản thân tôi dường như không thể kháng cự lại hành động tự phát trong hoàn cảnh đó, cũng như không thể phản kháng được cái thực tiễn đang diễn ra trong đời sống xã hội lúc bấy giờ. Những câu chữ trong bài thơ trên như tự gọi nhau xuất hiện, cũng giống như hoa trái, chúng không ý thức được dòng nhựa đã chạy từ cuối rễ, vượt qua những vòng gỗ vân vi để trào lên đầu cành thế nào.
Về thi pháp, “Thuốc đắng” được viết do bản năng thôi thúc, lối kết cấu đơn tuyến theo hệ hình thẩm mĩ truyền thống. Bài thơ này chính là điểm xuất phát để tôi đi tới những chặng đường cách tân sau này.
Sau bài thơ “Thuốc đắng”, tôi thấy con đường sáng tạo của mình đã rộng mở hơn, dường như hiện thực đời sống, hiện thực tinh thần được chuyển dịch trong một thế giới thơ, đều có thể viết thành thơ. Quả thực, sau bài thơ mang tính khai mở ấy, tôi đã viết rất nhanh và có thêm những bài thơ khác ưng ý. Cũng từ hậu “Thuốc đắng”, tôi biết quan sát mọi sự vật, hiện tượng đời sống bằng con mắt thơ, tức không còn mô phỏng, sao chép như trước nữa, mà thấy như vạn vật đều có linh hồn, chuyển động theo những quỹ đạo riêng. Và giờ đây, tôi viết để hoàn thiện những sinh linh trong đời sống của chính nó. Làm thơ, không đơn thuần chỉ sử dụng nghệ thuật ngôn từ để ghi chép lại những biến động trong nội tâm và ngoại giới bằng vần điệu, mà nhà thơ là người phải biết lắng nghe, hóa thân vào cái thế giới riêng tư ấy, âm thầm vươn tới cái đẹp, sự hoàn thiện.
“Thuốc đắng” được coi như bài thơ đầu tay của tôi. Từ vạch xuất phát ấy, tôi đã trải qua những chặng đường sáng tạo. Viết, ban đầu với tôi đơn thuần chỉ là một sở thích theo bản năng mách bảo, sau một chặng đường dài đã thành kỹ năng, tư duy sáng tạo. Mỗi giai đoạn sáng tác của tôi đều có một thi pháp riêng, hướng đi riêng, nhất quán như một ngôi nhà xây dựng có kiến trúc tổng thể. Mỗi tập thơ của tôi đều có đích đến: Thơ tôi buổi ban đầu xuất phát từ nền tảng truyền thống với kết nối thi ảnh đơn tuyến và ít nhiều đa tuyến theo bản năng, đã dần tiến tới đa tuyến có ý thức, hướng tới một phong cách thơ hiện đại mang căn tính Việt.
Sau ba tập thơ theo phong cách truyền thống (Giọt nắng, Gọi xanh, Cầu nguyện ban mai), tôi ý thức được việc nâng cao tính nghệ thuật trong sáng tác, không ngừng tích hợp kiến thức cùng những trải nghiệm, nhằm tạo lập cho mình một nền tảng văn hóa, hướng đến một khuynh hướng sáng tạo mới.
Trong sáng tác văn chương, tôi xem sự dấn thân là quá trình trải nghiệm mạnh mẽ, tích cực nhất để bộc lộ tối đa trạng thái tự do cá nhân, nhằm khám phá, biểu đạt hiện thực tinh thần và hiện thực đời sống. Một trong những mục đích của sáng tạo trong văn chương, là để người viết được lan tỏa tình yêu thương cũng như vẻ đẹp tâm hồn mình tới mọi người, làm cho độc giả cảm nhận thêm ý nghĩa lớn lao đầy tính nhân văn của đời sống này. Sáng tác luôn là công việc khó khăn và cực nhọc, nó đòi hỏi sự hy sinh của người cầm bút, thậm chí anh ta phải dám chấp nhận sự thua thiệt trong đời sống thực. Công việc sáng tác cũng đòi hỏi người viết phải làm việc nghiêm túc, tính chuyên nghiệp cao. Với thơ, làm được những điều như tôi vừa đề cập thì dường như người viết mới thực hiện được một phần của quá trình sáng tạo. Điều quan trọng nữa khi sáng tác, nhà thơ phải nhận được sự mầu nhiệm của “Ơn gọi”, tựa như gặp được “Cơ duyên” trong đạo Phật. Hai mạch nguồn quan yếu ấy của quá trình sáng tạo có thể ví như đôi cánh của một con đại bàng, chỉ với sự hoàn thiện ấy, nó mới có thể bay cao, bay xa được. Sáng tác văn thơ với tôi luôn là giấc mơ đẹp nhất, nó vẫy gọi tôi tiếp tục dấn thân để đến với một thế giới khác kỳ diệu hơn, thanh sạch và bay bổng hơn. Tôi luôn hạnh phúc trong sự nhọc nhằn và trạng thái tự do của sáng tạo.
____________________________
[1] Người được Giáo hội sai đi truyền giáo. (Từ Nôm Công giáo)
[2] Bí tích, hay Nhiệm tích, là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng, do Đức Kitô thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh. Bảy Bí tích gồm: Thanh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể, Hòa Giải, Truyền Chức Thánh, Xức Dầu Thánh và Hôn Phối.
[3] Khái niệm “ơn gọi” có nguồn gốc từ Thánh Kinh. Khi Thiên Chúa gọi ai thì Ngài trao cho người ấy một sứ mệnh.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-buoc-dau-tien-post671836.html