Những bước tiến của sản phẩm OCOP tại Đắk Nông

Đắk Nông có hành trình dài để gầy dựng sản phẩm OCOP và tỉnh đang nỗ lực để đạt các mục tiêu cao hơn đối với chương trình này.

Tạo làn gió mới cho Đắk Nông

Cùng với cả nước, nhiều chủ thể sản xuất và kinh doanh tại Đắk Nông đã đón nhận làn sóng khởi nghiệp từ chương trình OCOP một cách hiệu quả.

Họ đã tận dụng các điều kiện sẵn có, nội lực bản thân, nguồn lực bên ngoài để gia tăng sức mạnh cho sản phẩm của mình. Nhiều người đã khởi nghiệp và xây dựng sự nghiệp thành công từ chương trình OCOP.

Sản phẩm OCOP bò khô của cơ sở sản xuất bò khô Đức Tâm, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút luôn giữ vững tiêu chí nguyên liệu đầu vào tươi ngon, bảo đảm an toàn thực phẩm

Sản phẩm OCOP bò khô của cơ sở sản xuất bò khô Đức Tâm, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút luôn giữ vững tiêu chí nguyên liệu đầu vào tươi ngon, bảo đảm an toàn thực phẩm

Sản phẩm bò khô của cơ sở sản xuất Đức Tâm tại xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút là một ví dụ tiêu biểu. Theo anh Đỗ Đức Dương, chủ cơ sở sản xuất bò khô Đức Tâm, sản phẩm đã được công nhận OCOP vào năm 2020.

Thế nhưng, cơ sở của anh đã bắt đầu xây dựng sản phẩm OCOP từ nhiều năm trước đó. Sản phẩm bò khô Đức Tâm luôn giữ vững tiêu chí nguyên liệu đầu vào tươi ngon và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Trước khi được công nhận OCOP, sản phẩm của anh ít người biết đến. Tuy nhiên, từ năm 2019, các cấp, ngành huyện Cư Jút đã động viên, hỗ trợ cơ sở và sản phẩm được công nhận OCOP.

Đối với anh, việc đạt được chứng nhận OCOP là một bước ngoặt lớn. Vì sản phẩm đã đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về nguyên liệu, nhà xưởng và máy móc để đạt tiêu chuẩn OCOP ngành thực phẩm.

Khô bò Đức Tâm với phương châm không phẩm màu, không chất bảo ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng

Khô bò Đức Tâm với phương châm không phẩm màu, không chất bảo ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng

Nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng, tươi ngon và sản xuất theo quy trình khoa học đã giúp sản phẩm bò khô Đức Tâm giành được nhiều lợi thế trên thị trường.

Chương trình OCOP đã tạo cơ hội cho cơ sở quảng bá sản phẩm, tiếp cận nhiều thị trường mới, gia tăng sản lượng xuất bán nhanh chóng.

Anh Dương cho biết: "OCOP đã cho tôi cơ hội mới để khởi nghiệp với hình thức bài bản, quy mô và quyết tâm cao hơn nhằm đưa sản phẩm ra thị trường".

Sản phẩm trà mãng cầu Anna Food đạt OCOP 4 sao

Sản phẩm trà mãng cầu Anna Food đạt OCOP 4 sao

Tương tự, sản phẩm trà mãng cầu Anna Food của hộ kinh doanh Lê Thị Ly Na, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa là một điển hình thành công. Chị Na đã có quá trình ươm mầm và phát triển sản phẩm OCOP từ năm 2015.

Ban đầu, sản phẩm chỉ được sản xuất nhỏ lẻ cho gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, sau khi tham gia cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh và đạt giải nhì vào năm 2019, sản phẩm của chị có bước ngoặt lớn.

Chị phát triển sản phẩm một cách bài bản, nhất là chú trọng về khâu chất lượng và được công nhận OCOP hạng 3 sao vào năm 2020. Năm 2023, sản phẩm trà mãng cầu Anna Food được nâng hạng OCOP lên 4 sao.

Chị Na cho biết: "Chương trình OCOP giống như một làn gió mới, chắp cánh cho sản phẩm trà của chúng tôi khẳng định giá trị sản phẩm đối với sức khỏe người tiêu dùng".

Mục tiêu vươn tầm quốc gia

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Nông đã tạo ra bước tiến mới cho các sản phẩm chủ lực và đặc trưng của tỉnh.

Chương trình không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế cho người dân nông thôn mà còn góp phần chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao.

Trà mãng cầu Anna Food được duy trì và không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để nâng tầm chất lượng, giá trị

Trà mãng cầu Anna Food được duy trì và không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để nâng tầm chất lượng, giá trị

Tính đến nay, Đắk Nông đã có 96 sản phẩm OCOP, trong đó 18 sản phẩm đạt 4 sao và 78 sản phẩm đạt 3 sao. Hai sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao đang đề nghị Trung ương đánh giá 5 sao.

Doanh thu từ các sản phẩm OCOP năm 2023 của Đắk Nông đạt khoảng 150 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022. Các sản phẩm OCOP đã tạo ra khoảng 1.200 việc làm trực tiếp cho người dân địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống kinh tế nông thôn.

Điển hình là các sản phẩm OCOP trong 3 nông sản chủ lực của Đắk Nông: cà phê (24 sản phẩm), hồ tiêu (5 sản phẩm) và hạt điều (3 sản phẩm).

Đồ họa: Việt Dũng

Đồ họa: Việt Dũng

Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, được người dân hưởng ứng tích cực và đạt được những kết quả quan trọng từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa.

Các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Chương trình cũng nâng tầm giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, giúp chủ cơ sở tiếp cận quy trình chế biến sâu và đầu tư nghiêm túc cho kinh tế nông nghiệp.

Đắk Nông đã có 96 sản phẩm, trong đó có 18 sản phẩm 4 sao và 78 sản phẩm 3 sao

Đắk Nông đã có 96 sản phẩm, trong đó có 18 sản phẩm 4 sao và 78 sản phẩm 3 sao

Tỉnh Đắk Nông đã cụ thể hóa chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 của Trung ương bằng Kế hoạch số 653. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có thêm 30 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP lên hơn 120 sản phẩm, trong đó ít nhất 10% sản phẩm đạt 4-5 sao.

Hiện tại, Đắk Nông đã đạt con số 96 sản phẩm OCOP và tỷ lệ sản phẩm đạt 4 sao cũng vượt con số 10%. Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa có sản phẩm đạt chuẩn OCOP quốc gia với hạng 5 sao.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết, Đắk Nông sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.

Tỉnh nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm đặc sản, sản phẩm có lợi thế, nghề truyền thống và dịch vụ du lịch nông thôn.

Tỉnh sẽ gia tăng giá trị cho các sản phẩm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đồng thời bảo tồn giá trị văn hóa và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng lựa chọn sản phẩm OCOP Đắk Nông

Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng lựa chọn sản phẩm OCOP Đắk Nông

Trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Đắk Nông sẽ thực hiện theo chuỗi giá trị, dựa trên thế mạnh về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.

Các ngành, địa phương cần phát huy tính chủ động, sáng tạo và tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu thị trường, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, bảo tồn cảnh quan và văn hóa truyền thống.

Trần Thị Thoan

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/nhung-buoc-tien-cua-san-pham-ocop-tai-dak-nong-228535.html