Những buổi sinh hoạt chính trị giữa trùng khơi (bài 2)
Quá trình thăm quân và dân trên các đảo: Trường Sa, Song Tử Tây, Cô Lin, Sinh Tồn, Đá Đông A (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), tôi cảm nhận những người lính Hải quân ngoài bản lĩnh kiên cường, nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền còn bám sát tình hình thời sự chính trị, cập nhật thông tin trong nước, quốc tế, những vấn đề về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, quốc kế, dân sinh...
Cử tri đặc biệt nơi tiền tiêu
6h sáng 13/4, tàu KN491 chở Đoàn công tác số 3 thả neo gần khu vực đảo Đá Đông A sau quãng đường 100 hải lý từ đảo Cô Lin. Đây là đảo với khí hậu đặc trưng của quần đảo Trường Sa là mùa hè mát, mùa đông ấm hơn trong đất liền, tuy nhiên do ở vĩ độ thấp, đang là mùa khô (tháng 2 đến tháng 5), thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ (CBCS)... Tàu phải thả neo ở vị trí cách đảo khoảng 1,5 hải lý để tránh mắc cạn, do mực nước thấp. Đoàn công tác được bố trí lên xuồng CQ chạy vòng hình cánh cung từ tàu để tiếp cận đảo, mất khoảng 5-7 phút mỗi chuyến, lựa theo các luồng lạch để tránh va vào các bãi đá ngầm hoặc ảnh hưởng tới những rặng san hô tuyệt đẹp.
Các công trình ở đảo Đá Đông A được xây dựng như một cột mốc vững chãi nơi sóng to gió cả, hiên ngang giữa trùng khơi để khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân cả nước, mà trực tiếp là Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, hiện diện mạo đảo Đá Đông A đã khang trang hơn, đời sống CBCS trên đảo ngày càng được cải thiện, nâng cao.
"Trước kia cơ sở vật chất, hạ tầng còn khó khăn, thiếu thốn, không gian sinh hoạt chật hẹp, nhưng nay chúng tôi đã có phòng sinh hoạt chung, phòng làm việc, nghỉ ngơi, cả nhà văn hóa đa năng - nơi CBCS tổ chức nhiều hoạt động học tập, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao sau thời gian huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ", Trung úy, Quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Tuấn chia sẻ. Cùng với đó, chế độ, định mức, tiêu chuẩn trang bị vật tư, sách báo, tạp chí... ngày càng được bảo đảm tốt hơn, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho CBCS trên đảo.
Dẫn tôi đến Phòng Hồ Chí Minh - nơi CBCS vẫn thường xuyên sinh hoạt chính trị, bồi dưỡng kiến thức, quán triệt các nghị quyết, nhiệm vụ và giáo dục tư tưởng, nhận thức, Trung úy, Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Duy Luân cho biết, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, mỗi CBCS đảo Đá Đông A đều được tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, cập nhật các thông tin về các hoạt động của Quốc hội, như bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND các cấp; các kỳ họp Quốc hội, những phiên chất vấn, tiếp xúc cử tri...
"Còn nhớ, đợt bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, CBCS đảo Đá Đông A được bỏ phiếu trước đất liền một tuần, anh em hào hứng, phấn khởi trước ngày hội của non sông. Còn tại đảo Trường Sa, lần đầu tiên quân và dân trên đảo được bầu cử cùng ngày với cả nước, thể hiện quyết tâm cao của Hội đồng bầu cử các cấp", Đại úy Nguyễn Đăng Quyết, Chính trị viên kể. Còn Trung úy Luân cho rằng, qua những buổi sinh hoạt chính trị, CBCS đều chăm chú theo dõi, ghi chép đầy đủ, thẳng thắn trao đổi để nắm chắc những quyết sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, những dự án luật, đặc biệt liên quan quốc phòng, an ninh, bởi điều đó sẽ đưa những người lính canh giữ biển đảo đến gần với đất liền hơn, nhất là những chính sách phát triển vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, nhất là Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, CBCS đảo Đá Đông A cũng đã triển khai có hiệu quả Chương trình "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngưa dân vươn khơi, bám biển" do Quân chủng Hải quân phát động; làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, ý thức chấp hành pháp luật trong đánh bắt hải sản.
"Với phương châm "Lo cho dân như người thân của mình", "Giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh của trái tim", CBCS đảo Đá Đông A luôn sẵn sàng có mặt mọi lúc, mọi nơi khi ngư dân gặp nạn, cần sự hỗ trợ, giúp đỡ trên biển. Năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, CBCS trên đảo đã thăm khám, cấp phát thuốc miễn phí cho 21 lượt ngư dân, đề nghị chuyển tuyến 5 lượt ngư dân, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước ngọt", Đại úy Thân Minh Phúc, Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông A thông tin. Những cử tri đặc biệt ấy cảm thấy vinh dự, tự hào được sống, chiến đấu, cống hiến, dù điều kiện ở đảo còn nhiều khó khăn về thời tiết, nhất là những tháng mưa bão hoành hành...
Tại đảo Trường Sa, theo Thượng tá Nguyễn Công Chính, Chính trị viên của đảo, CBCS và người dân trên đảo vừa được tham dự buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa do ông Hà Quốc Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn, ngày 10/4. Mặc dù công tác, sinh sống xa đất liền, nhưng CBCS, quân và dân trên đảo luôn quan tâm tới các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các kỳ họp của Trung ương, các kỳ họp Quốc hội... thông qua những buổi sinh hoạt chính trị, các chương trình truyền hình, thông báo thời sự chuyên đề. Đặc biệt, thời gian vừa qua, Quốc hội đã có nhiều quyết sách cùng với Đảng, Nhà nước tháo gỡ nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc đồng hành với nhân dân vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế - xã hội.
Tại buổi tiếp xúc cử tri đặc biệt nơi đảo xa, cử tri đảo Trường Sa đã đề đạt nguyện vọng, thể hiện niềm tin vào các hoạt động của Quốc hội, tin tưởng vào quyết sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong thời gian qua. Đồng thời cũng là dịp để các cử tri phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình, đóng góp, kiến nghị với Đoàn ĐBQH về chính sách phát triển kinh tế biển; quan tâm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, quân nhân chuyên nghiệp công tác trên quần đảo Trường Sa; hỗ trợ thiết bị y tế đảm bảo điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các xã đảo, góp phần làm điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển...
"Cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được chúng tôi coi là "nhiệm vụ chiến đấu" trong thời bình, do đó, thời gian qua, thị trấn Trường Sa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác này và đã tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khám, cấp phát thuốc cho hàng nghìn ngư dân, nhất là ngư dân bị ốm đau, gặp tai nạn. Hy vọng những buổi tiếp xúc cử tri ý nghĩa như vừa qua sẽ giúp CBCS trên đảo rèn luyện bản lĩnh chính trị, được tạo điều kiện, trang bị tốt hơn nữa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao", Thượng tá Nguyễn Công Chính bày tỏ.
Để Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển
Không chỉ hiện thực hóa Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, mà trước đó, Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu đến năm 2045”, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN. Nghị quyết đề cập trách nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội trong lãnh đạo công tác xây dựng luật, pháp lệnh, ưu tiên các dự án luật trực tiếp phục vụ triển khai thực hiện Nghị quyết; tăng cường giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với phát triển bền vững kinh tế biển.
Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và gần đây là Nghị quyết số 09 ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Nghị quyết nêu rõ, trước hết tập trung cho hậu cần nghề cá; ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân trên huyện đảo; củng cố quốc phòng, an ninh trên biển.
Liên quan vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa cho biết, quần đảo Trường Sa hôm nay đổi thay từng ngày, đời sống CBCS và nhân dân trên các xã đảo ngày càng đầy đủ, ấm no. Nơi đây có các bệnh xá, trung tâm y tế được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, có thể giải quyết nhiều ca bệnh cho quân và dân huyện đảo, cũng như khám, điều trị bệnh cho ngư dân gặp nạn khi đánh bắt hải sản trên biển.
"Đặc biệt, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, xã đảo Song Tử Tây được trang bị hệ thống truyền hình trực tuyến với các bệnh viện của Bộ Quốc phòng trong đất liền, giúp truyền hình trực tiếp hình ảnh bệnh nhân và các kết quả xét nghiệm để hội chẩn, thống nhất phương pháp điều trị; qua đó từng bước nâng cao chuyên môn tay nghề, góp phần bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe của CBCS, công chức, viên chức và người dân trên đảo". Về giáo dục, huyện đảo Trường Sa đang có 4 trường tiểu học tại các đảo, giảng dạy cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5. Chất lượng giáo dục được duy trì, giáo viên đạt chuẩn và tỷ lệ học sinh khá, giỏi hằng năm đạt 100%. Đáng chú ý, học sinh ở Trường Sa vào đất liền học tiếp lên các cấp cao hơn đều theo kịp chương trình và đạt học lực khá, giỏi.
Theo Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, hiện các âu tàu ở đảo Trường Sa có thể tiếp nhận, sửa chữa tàu công suất 2.000 tấn, đủ sức đón các tàu tải trọng từ 1.000 - 2.000 tấn ra vào, neo đậu, tránh bão. Nhiều trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá nhân dân như ở đảo: Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Tây... làm tốt việc cung cấp nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm cho ngư dân với giá bằng với giá ở đất liền, giúp tiết kiệm chi phí, kịp thời "tiếp sức" cho ngư dân khi cần. Họ có kho hàng hóa, xưởng cơ khí, xưởng sản xuất nước đá cây, kho lạnh và cấp đông hải sản, hệ thống máy phát điện..., qua đó cung ứng kịp thời các dịch vụ, như những "cánh tay nối dài" giúp ngư dân yên tâm bám trụ giữa trùng khơi, khai thác những tiềm năng quý giá giữa lòng đại dương, sống được ở biển cả.
"Còn CBCS, những cử tri đặc biệt trên đảo luôn phát huy phương châm "Tàu, đảo là nhà, biển cả là quê hương" để trụ vững nơi tiền tiêu của Tổ quốc, làm tốt công tác dân vận, thường xuyên tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân trong quá trình đánh bắt thủy hải sản hay lúc gặp hoạn nạn, khó khăn", Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa Lê Đình Hải đánh giá. Thời gian tới, ông khẳng định, huyện đảo Trường Sa sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều âu tàu, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân trên các điểm đảo... như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, ngày 13/3/2023, để nghị quyết của Quốc hội thực sự đi vào cuộc sống nơi đảo xa.