Những ca khúc tạo cảm hứng chiến thắng

Những ca khúc trong Thế chiến thứ II là những ca khúc 'thần thánh' mang cảm hứng chiến thắng, bất kể hy sinh, quyết giữ gìn bảo vệ Tổ quốc Xô Viết, cũng như tinh thần quốc tế, tiêu diệt họa phát-xít ở các quốc gia châu Âu, châu Á...

Những ca khúc này cũng đã đi vào tâm thức bao người Việt, góp phần động viên nhiều lớp thanh niên Việt Nam lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc ta.

Có thể nhắc đến ca khúc mang tên Cuộc chiến tranh thần thánh - Svyashchennaya Voina, hay còn được biết đến với câu hát “Vstavai, Strana Ogromnaya!”- Hãy đứng lên, hỡi đất nước vĩ đại! Trong suốt cuộc chiến tranh, ca khúc này từng được xem như là chiến ca của Hồng quân Liên Xô và sáng nào cũng được phát trên sóng radio, đặc biệt khi quân phát xít tiến sát Moscow năm 1941.

Ngay sau khi phát xít Đức tấn công Liên bang Xô Viết, vào tháng 6/1941, nhạc sĩ Alexandrov là Trưởng đoàn ca múa nhạc Cờ đỏ của Hồng Quân Liên Xô đã lập tức phổ nhạc bài thơ có tựa đề Cuộc chiến tranh thần thánh của nhà thơ Vasily Ivanovich Lebedev Kumach để các nghệ sĩ trong đoàn tập dượt và được biểu diễn lần đầu tiên ngày 26/6/1941 tại nhà ga xe lửa ở Belarus, bởi nhóm Red Song and Dance Ensemble. Ca khúc này đã vang lên trong cuộc duyệt binh lịch sử ngày 7/11/1941, kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga trên Quảng trường Đỏ, đưa các Quân đoàn Hồng quân Xô Viết ra thẳng mặt trận chiến đấu với phát-xít Đức.

Cuộc chiến tranh thần thánh là bài hát mang tinh thần và ý chí như một bản quốc ca Liên bang Nga thứ hai. Ca khúc mà giai điệu của nó đã trở thành máu thịt với mỗi người dân Nga. Ca khúc duy nhất mà khi được cất lên ở bất kỳ sân khấu nào, bất kỳ hội trường nào, mọi khán giả là người Nga đều đứng dậy, nghiêm trang, nhiều người hát theo, nhiều người lấy tay lau nước mắt. Ca khúc này luôn luôn được sử dụng để mở đầu cho Lễ duyệt binh mừng chiến thắng phát xít. Ca khúc không chỉ lay động tâm hồn người lính Nga mà còn rung chuyển cả nước Nga.

Bài hát Cuộc chiến tranh thần thánh đã trở thành máu thịt với mỗi người dân Nga.

Bài hát Cuộc chiến tranh thần thánh đã trở thành máu thịt với mỗi người dân Nga.

Ca khúc quen thuộc không chỉ với người Nga mà còn được bao nhiêu thế hệ người Việt Nam, nhất là những thế hệ chiến sĩ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước là Cachiusa. Khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại nổ ra, đã có hàng vạn cô gái ở lại hậu phương, chung thủy chờ đợi chồng, người yêu trở về. Cachiusa chỉ là một cái tên, nhưng nó mang ý nghĩa tượng trưng cho cả một thế hệ phụ nữ Xô Viết ngày ấy và cũng có hàng vạn cô gái khác đã ra trận, họ trực tiếp chiến đấu, là trinh sát, du kích, tải thương. Nhiều người đã hy sinh anh dũng và mãi mãi không trở về.

Ca khúc Lời tạm biệt của cô gái Slavơ cũng trở thành một huyền thoại trong các cuộc chia tay ra mặt trận của Hồng quân Liên Xô. Sau này không cuộc duyệt binh nào ở nước Nga và nhiều quốc gia thuộc Liên bang Xô Viết trước đây không vang lên ca khúc Lời tạm biệt của cô gái Slavơ. Giai điệu gắn liền với hình ảnh chia tay của những người vợ, người mẹ, người yêu, người em gái... của các chiến sĩ Hồng quân Xô Viết ở sân ga. Lời tạm biệt cũng được dùng để hẹn ngày trở lại, để vững tin niềm tin chiến thắng...

Ca khúc Zhuravli - Đàn sếu, là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của âm nhạc Xô Viết về chủ đề Thế chiến thứ II. Ca khúc được phổ nhạc từ một bài thơ của nhà thơ người Dagestan: Rasul Gamzatov, ấn tượng sau khi đọc được bài thơ này, ca sĩ- diễn viên Mark Bernes lập tức liên lạc với dịch giả Naum Grebnev để chuyển thể bài thơ sang tiếng Nga, rồi đưa nhạc sĩ Yan Frenkel phổ nhạc, và từ đó, ca khúc Đàn sếu ra đời.

Ngoài những ca khúc nổi tiếng trên, trong Chiến tranh Vệ quốc, các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô cũng thường hát những ca khúc như Tyomnaya Noch - Đêm tối, một ca khúc “không thể nào quên” khác của Mark Bernes, lần đầu ra mắt vào năm 1943, trong bộ phim chiến tranh mang tựa đề Hai chiến sĩ, là ca khúc nói về sự nhung nhớ người vợ và con nhỏ ở hậu phương của người chiến sĩ ngoài mặt trận, để rồi giữ lời hứa sẽ chiến thắng trở về.

Hay ca khúc Ekh, Dorogi... - Ôi, Những con đường, được nhạc sĩ Xô Viết Anatoly Novikov phổ nhạc từ thơ của Lev Oshanin, vào đầu năm 1945, trước vài tháng khi Chiến tranh Vệ quốc kết thúc. Lời ca khúc hồi tưởng lại nỗi vất vả gian lao mà quân và dân Xô Viết đã phải trải qua trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, đầy sự hy sinh, khốn khó...

Ca khúc Chiều hải cảng do nhạc sĩ Sedoi sáng tác trong thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô Viết. Ca khúc kể về tình yêu của người thủy thủ với thành phố hải cảng, với ngôi nhà thân quen đang trong vòng vây của quân phát-xít Đức và một niềm tin vào ngày mai chiến thắng...

Hoài Hương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ky-niem-75-nam-chien-thang-phat-xit-duc-9-5-1945-9-5-2020-n173716.html