Những ca khúc về Đảng tỏa nắng mùa xuân

Những ca khúc viết về Đảng là một nhánh lớn trong dòng ca khúc Cách mạng đầy ắp phẩm chất của nền âm nhạc Việt Nam đương đại, tính hiện thực, thẩm mỹ và nhân văn.

Năm tháng qua đi, nhưng những giai điệu ấy luôn có sức sống vĩnh hằng. Sự phổ biến rộng rãi của các ca khúc chứng tỏ nó đã đáp ứng đúng lòng mong mỏi của nhân dân ta, nói lên niềm tin yêu của người dân Việt Nam với Đảng Cộng sản Việt Nam. Xu hướng của dạng “chính ca” ấy được phát triển cho đến nay.

Điều đó thể hiện rõ trong các ca khúc như: Dưới cờ Đảng vẻ vang (Lưu Hữu Phước), Vững bước dưới cờ Đảng (Phạm Đình Sáu), Tiến bước dưới cờ Đảng (Văn Ký), Dâng Đảng quang vinh (La Thăng), Từ khi có Đảng (Nguyễn Xuân Khoát)... Cùng với dạng chính ca ấy, các nhạc sĩ đã đưa sự cao cả, tuyệt vời của Đảng thông qua những phạm trù mỹ học và nghệ thuật vào các ca khúc viết về Đảng như: Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng, Đảng đã cho ta cả một mùa xuân (Phạm Tuyên), Như hoa hướng dương (Tô Vũ và Hải Như), Người Mông ơn Đảng (Thanh Phúc), Dâng lên Đảng niềm tin (Trọng Loan), Nghe tiếng trống quê hương (Thái Cơ)...

Ca khúc Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Nhiều ca khúc có nét trữ tình, biểu hiện và hòa đồng được cái riêng của tác giả trong cái chung lớn lao của sự nghiệp cách mạng, ví dụ như: Đảng là cuộc sống của tôi (Nguyễn Đức Toàn), Những cánh buồm theo gió Đảng (Tô Vũ), Sắc nắng ngọn cờ (Hồng Đăng), Màu cờ tôi yêu (Phạm Tuyên và Diệp Minh Tuyền), Lá cờ Đảng (Văn An và Tạ Hữu Yên), Ta dâng Đảng ngàn tiếng ca; Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi (Huy Du); Niềm tin ngày mới (Nguyễn Bá Chỉnh); Đâu Đảng cần chúng ta có mặt (Văn An).

Trong số những ca khúc thành công về chủ đề ca ngợi Đảng vẫn luôn được vang lên trên sóng phát thanh - truyền hình và sân khấu biểu diễn, mỗi khi kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2 hằng năm hay những chương trình kỷ niệm lịch sử cách mạng, chào mừng các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước - Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam của nhạc sĩ Đỗ Minh. Hình ảnh “Vừng trời đông” tượng trưng cho sự ra đời của Đảng được tác giả sử dụng là hình tượng chủ đạo mang tính biểu đạt rất cao, đem lại giá trị nghệ thuật và hiệu quả thẩm mỹ sâu sắc: “Vừng trời đông, ánh hồng tươi sáng bừng lên/ Đàn bồ câu trắng bay về trong nắng mới”. Tiết tấu vừa phải, trang nghiêm, ca từ dung dị, khúc thức gọn gàng, giản đơn..., giàu chất anh hùng ca, giàu chất cổ động, tuyên truyền nhưng lại rất nhuần nhị, dễ hát, dễ thuộc, dễ nhớ và dễ đi vào lòng công chúng yêu âm nhạc. Hòa chung âm hưởng ngợi ca với xúc cảm hào sảng, thiết tha của ca khúc, là hình ảnh ẩn dụ chuyển tải niềm khát khao, hy vọng về một cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc mà cả dân tộc Việt Nam nhiều thế hệ luôn thiết tha mong cầu và không ngừng nỗ lực vươn tới.

“Đảng là cuộc sống của tôi, mãi mãi đi theo người/ Từ thuở còn thơ, đời tôi chưa quen sóng gió/ Đảng đã cho tôi lẽ sống niềm tin, giữa biển khơi biết đâu là bờ/ Bầu trời xanh chưa thấy bao giờ…”, đó là lời của ca khúc Đảng là cuộc sống của tôido nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng tác năm 1976. Khác với những ca khúc mang âm điệu sôi nổi, nhộn nhịp, hùng tráng viết về Đảng, đây là ca khúc được kết nên từ bút pháp trữ tình, thể hiện lòng kính yêu Đảng của tác giả. Trải qua năm tháng, ca khúc đã trở nên rất đỗi thân thuộc, trở thành máu thịt, ăn sâu vào con tim khối óc của từng người và cả dân tộc tiếng lòng chung của lớp lớp thế hệ người Việt Nam trước đây, hôm nay và mai sau hướng về Đảng.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên được biết đến là nhạc sĩ tiền bối của thế hệ đi trước sinh ra trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ở thế kỷ 20. Những ca khúc do ông sáng tác có một điểm chung là đồng hành cùng sự phát triển của chiều dài lịch sử dân tộc. Ông có 3 ca khúc về Đảng đã trở thành những ca khúc đi cùng năm tháng: Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng- 1959: “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/ Trước như tuổi thơ tôi nào biết được/ Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước..., Màu cờ tôi yêu - 1979 (Thơ Diệp Minh Tuyến) - “Hồng như màu của bình minh/ Đỏ như màu máu của mình tim ơi/ Búa liềm vàng rực giữa trời/ Là niềm hy vọng chói ngời tim ta/ Trong đêm tối lúc mưa sa/ Màu cờ đỏ vẫn sáng lòa hồn tôi”... Đặc biệt ca khúc Đảng đã cho ta một mùa xuân, sáng tác Xuân Canh Tý năm 1960, chỉ 3 ngày sau khi Sở Văn hóa Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) mở đợt sáng tác ca khúc mới trong khí thế mùa Xuân Canh Tý 1960. Và nhanh chóng ca khúc đã lan tỏa trên các sân khấu khắp Thủ đô Hà Nội nga mùa xuân năm ấy: "Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng, một mùa xuân mới tươi sáng khắp nơi nơi". Ca khúc đã chạm đến triệu triệu trái tim người dân Việt Nam lúc đó và đến bây giờ vẫn có giá trị chưa bao giờ xưa cũ, vẫn được nhân dân cả nước hát vang khi có niềm vui chung của dân tộc.

Tiếp nối những ca khúc về Đảng, ca khúc Lá cờ Đảng của nhạc sĩ Văn An vẫn tươi rói sức sống và khẳng định vững vàng giá trị. Được sáng tác năm 1975, khi đất nước vừa thống nhất, thời khắc thiêng liêng của Tổ quốc với hào khí chiến thắng vang dội khắp non sông đã thôi thúc nhạc sĩ cầm bút cầm đàn viết ca khúc này, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, ông đã hoàn thành tác phẩm âm nhạc để đời và mãi trong lòng công chúng. Ca khúc vừa chứa đựng niềm tự hào về lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam, vừa tự hào về tương lai tươi sáng của dân tộc kể từ khi có Đảng: “Còn gì đẹp hơn lá cờ đỏ búa liềm/ Đảng ta đó hân hoan một niềm tin/ Trong đêm đen, lá cờ của Đảng rạng soi đường đấu tranh/ Thắm máu đào, cờ Đảng hồng tươi sắc thắm máu hy sinh...”, lời ca hào sảng, phơi phới niềm vui và tin tưởng: “Đất nước bốn nghìn năm ôi tự hào biết mấy/Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái/ Còn gì đẹp hơn lá cờ đỏ búa liềm/ Đảng ta đó hân hoan một niềm tin”... Hình tượng lá cờ tạo nên một sự xúc động mãnh liệt trong tâm hồn người nghe, một khái niệm đầy chất lý trí nhưng lại từ một tình cảm dạt dào thắm thiết thiêng liêng, chững chạc mà vẫn mềm mại sinh động.

Đặc biệt ca khúc thiếu nhi Em là mầm non của Đảng - Mộng Lân - 1957. Đây là một trong tổng số 50 bài hát của giới nhạc sĩ được các thế hệ thiếu nhi bình chọn xuất sắc nhất của thế kỷ XX. Viết về Đảng cho người lớn hát đã khó, nội dung ấy viết cho thiếu nhi càng khó hơn. Khó vì các em thiếu nhi không phải là “người lớn thu nhỏ”, dùng từ ngữ, chọn lời hát cho lứa tuổi này ca lên thật vô cùng khó khăn. Vậy mà ca từ trong ca khúc rất đỗi mộc mạc giản dị, nhưng mang tính thẩm mỹ rất cao. Có thể nói đây là “lời ca đỏ” dành cho thiếu nhi không lên gân, không bóng bẩy mà đi thẳng vào lòng người chân thật như thực tế cuộc sống tươi vui đang diễn ra hàng ngày của tuổi thơ Việt Nam: “Em là búp măng non/ Em lớn lên trong mùa cách mạng/ Sướng vui có Đảng tiền phong/ Có Đảng như ánh thái dương/ Sống yên vui trong tình yêu thương/ Bước lên theo lí tưởng vinh quang, của Đảng tiền phong dẫn đường/ Có sách mới áo hoa đây là nhờ ơn Đảng ta/ Vui tung tăng em ca có Đảng cuộc đời nở hoa”

Những khúc ca ấy vẫn mãi đem lại cảm xúc tươi mới cho người nghe, góp thêm vào vườn xuân âm nhạc Việt và tiếp truyền cho các thế hệ nhạc sĩ tiếp sau.

Hoài Hương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-ca-khuc-ve-dang-toa-nang-mua-xuan-n186262.html